Quan sát một lớp học với hàng chục trẻ nhỏ, ta sẽ thấy có trẻ thì hay quên mang sách vở, luôn ồn ào khi cần nghiêm túc hoặc quá rụt rè đến mức sợ giao tiếp; ngược lại, có trẻ thì luôn tự giác không cần ai nhắc nhở, sửa soạn bài vở cẩn thận, giao tiếp mạch lạc và lễ phép. Cùng một độ tuổi, tại sao lại có sự khác biệt ấy?
Việc một đứa trẻ còn nhiều thiếu sót thật ra là chuyện bình thường, bởi trẻ còn cần nhiều thời gian để học hỏi và lớn lên. Nếu nhận được sự hướng dẫn đúng đắn từ người lớn, đứa trẻ nào cũng sẽ dần tập được khả năng sống độc lập, tự giác trong năng lực hành vi, tác phong tốt trong ứng xử xã hội, và có trách nhiệm với bản thân lẫn tập thể. Đây cũng là những phẩm chất sẽ giúp trẻ thành công khi trưởng thành.
Những bậc cha mẹ có trách nhiệm luôn sẵn lòng dành nhiều tâm sức, thời gian cho việc dạy con. Tuy nhiên, đây là một quá trình đầy lo lắng, hoang mang và dễ bị chệch hướng. Ví dụ, cha mẹ kèm cặp con từng chút một để con đạt điểm chín điểm mười, để cha mẹ được người khác khen ngợi là biết cách dạy con. Không phủ nhận đây là những điều tốt, nhưng song song đo, chúng cũng dễ gây nên sự phân tâm, khiến cả quá trình dạy dỗ chỉ hướng đến lợi ích bề mặt và nhất thời.
Mục đích cốt lõi của việc nuôi dạy trẻ là gì?
Đó là câu hỏi mà tác giả Eiko Tajima đã đặt ra ngay đầu cuốn sách “36 thói quen cần tránh để trẻ thực sự trưởng thành”.
Thay vì một lời giải đáp chung chung như “để con được hạnh phúc, khỏe mạnh, và trở thành người thành đạt”, tác giả lại gợi ý độc giả tiếp cận vấn đề từ một góc nhìn khác. Đó là truy vấn ngược, rằng trong môi trường công sở, ta muốn làm việc với người đồng nghiệp, nhân viên hay sếp như thế nào; trong môi trường gia đình, ta muốn chung sống với người vợ hay người chồng như thế nào. Khi đặt ra góc nhìn cụ thể như vậy, ta sẽ nhận ra đâu là kiểu người luôn được chào đón vì những giá trị tích cực mà họ đem lại, và đâu là kiểu người mà người khác không muốn kết giao.
Điều thú vị của cuốn sách này là nhấn mạnh những thói quen cần tránh ở trẻ thay vì chú trọng xây dựng những thói quen tốt mà ta thường bắt gặp trong nhiều tựa sách khác. Bằng cách phân tích lối tư duy cũng như lối sống thường gặp ở nhiều gia đình, tác giả chỉ ra những thói quen xấu có ảnh hưởng tiêu cực lên sự phát triển của trẻ, và đưa ra gợi ý cụ thể để cha mẹ giúp trẻ thay đổi. Nói cách khác, cuốn sách sẽ giúp cha mẹ nuôi dạy con để trẻ lớn lên không trở thành những “người lớn tệ hại”, cụ thể là “Người không được xã hội xem trọng”, “Người luôn tránh việc”, “Người khó kết giao”, “Người không có duyên thành công”, và “Người khó có gia đình hạnh phúc”.
Hành trình nuôi dạy con bắt đầu bằng việc trở thành cha mẹ tốt
Dù viết về cách dạy trẻ em nhưng phụ huynh cũng sẽ không ít lần bắt gặp chính mình trong những trang sách. Chẳng hạn, quá chi tiết và muốn kiểm soát mọi việc; chỉ làm việc hiệu quả vào ngày cuối cùng của kỳ hạn kiểu “nước đến chân mới nhảy”; quên nói “cảm ơn” và “xin lỗi”; không dám bày tỏ quan điểm trong môi trường tập thể... là những thói quen phản ánh thái độ và cách tư duy được nuôi dưỡng trong thời gian dài, quá quen thuộc đến mức chúng ta không còn nhận ra tác hại của chúng lên cuộc sống cá nhân lẫn sự nghiệp.
“Thói quen của con cái phản ánh lối sống của cha mẹ”, tác giả Eiko Tajima viết, “vì vậy, để giúp con từ bỏ những thói quen xấu, chính chúng ta cũng cần phải nhận ra và thay đổi những thói quen xấu của bản thân”. Như vậy, việc sửa đổi những thói quen xấu của chính mình vừa giúp người lớn cải thiện bản thân, vừa có ý nghĩa quan trọng trong việc dạy con. Yêu thương và kỷ luật để dạy con, nhưng không gì so sánh được với việc chính cha mẹ là tấm gương sáng cho con noi theo.
“36 Thói quen cần tránh để trẻ thực sự trưởng thành” bao gồm 5 chương, với cấu trúc rõ ràng, dễ đọc và dễ hiểu. Cuốn sách có thể đọc xong chỉ trong vài tiếng đồng hồ, nhưng những lời khuyên thiết thực lại có giá trị trong cả chặng đường nuôi dạy trẻ lớn khôn của các bậc cha mẹ./.