Đến dự có Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo TƯ; ông Nguyễn Văn Hùng, Uỷ viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL; ông Nguyễn Kim Sơn, Uỷ viên BCH TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Cùng dự buổi lễ còn có PGS.TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam; ông Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam.... cùng đông đảo các nhà văn, nhà thơ hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Phát biểu khai mạc buổi lễ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ vui mừng sự hiện diện của Chủ tịch nước tại Hội Nhà văn Việt Nam là điều đặc biệt, cho thấy sự chia sẻ của Đảng, Nhà nước với văn nghệ sĩ, với các nhà văn. Đó là sự đầu tư lớn nhất của Đảng, Nhà nước là sự đầu tư về tinh thần, đầu tư niềm tin đối với những người cầm bút. Con đường của văn chương Việt Nam vì con người, vì lẽ phải, vì những điều tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam. Điều này đánh thức trong lòng mỗi nhà văn ý thức mạnh mẽ hơn về trách nhiệm cao cả hơn để viết ra những tác phẩm xứng đáng cho tổ quốc, nhân dân. Đặc biệt là các nhà văn viết cho thiếu nhi.

"Tất cả những người có lương tâm và vì con người đều có thể trở thành nhà tiên tri của dân tộc mình, bởi qua tâm hồn những đứa trẻ hôm nay, họ có thể nhìn thấy số phận của dân tộc họ ngày mai. Họ hiểu rằng: chỉ có thể làm cho tương lai tốt đẹp khi thấu hiểu hiện tại và chuẩn bị cho tương lai của dân tộc mình bằng cách chuẩn bị cho hiện tại với một trách nhiệm cao cả nhất và nhân văn nhất. Khi chúng ta đặt văn hóa lên tầm cao nhất của đời sống, nghĩa là chúng ta đã thấu hiểu con đường đi tới hạnh phúc của dân tộc...", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều phát biểu.

Chủ tịch Hội Nhà văn cho biết đó chính là một trong những lý do Hội Nhà văn Việt Nam thực hiện chiến lược văn học cho thiếu nhi để kêu gọi các nhà văn hãy viết những tác phẩm đẹp nhất, nhân văn nhất cho trẻ em và kêu gọi xã hội cùng Hội Nhà văn mang những tác phẩm văn học thiếu nhi xuất sắc của nền văn học Việt Nam cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em miền núi và vùng sâu vùng xa. Và cũng chính là lý do Hội Nhà văn Việt Nam lập ra giải thưởng Tác giả trẻ để khích lệ các nhà văn trẻ, để họ tiếp tục sự nghiệp của các nhà văn các thế hệ đi trước và mở ra những giá trị nhân văn mới. 

"Chúng tôi tin tưởng những nhà văn trẻ và đợi chờ họ bằng những trang viết của mình làm cho chủ nghĩa nhân văn lan tỏa trong mọi ngóc ngách của đời sống này. Tất cả những gì mà các nhà văn làm hôm nay cho trẻ em và cho thế hệ trẻ dù chỉ là một điều nhỏ bé cũng góp phần vào sự chuẩn bị trọng đại của cả đất nước cho một tương lai tốt đẹp", nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ. 

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng cho rằng quyết định thành công cho mảng văn chương cho trẻ em vẫn là sáng tác của những người lớn: "Tôi hiểu viết cho trẻ em, được trẻ em đồng cảm và yêu thích là rất khó. Bố mẹ các em thường chọn sách cho các em. Vì thế, viết cho các em cũng là viết cho người lớn. Một tác phẩm hay phải là tác phẩm cùng lúc giành được sự đồng cảm của cả 2 thế hệ này. Bởi thế, các nhà văn phải cố gắng gấp đôi.

Thực tế chỉ ra rằng, viết cho các em nhỏ là việc lớn, thậm chí rất lớn của những người lớn, thậm chí của các nhà văn lớn ở các nền văn học Việt Nam cũng như các quốc gia. Không ít các kiệt tác đã ra đời từ mảng văn học này, thành tài sản văn hóa chung của cả nhân loại. Hôm nay, tiếp theo một chặng đường, nhưng trong một tư duy mới, một tầm chiến lược mới, không chỉ của Hội Nhà văn Việt Nam mà của cả nền văn chương, văn hoá và tư tưởng của đất nước".

Cuộc vận động sáng tác văn học về đề tài thiếu nhi với hai thể loại văn xuôi và thơ kéo dài trong 5 năm (từ cuối năm 2021 đến tháng 5/2025), chia làm hai đợt hướng tới mục đích thông qua sáng tác văn học, ca ngợi, cổ vũ, tôn vinh những đức tính, những hành động, những suy nghĩ tốt đẹp, từ đó khơi gợi, bồi đắp, làm giàu cho tâm hồn thiếu nhi, hướng thiếu nhi trở thành những con người có nhân cách, có ích trong tương lai. 

Đối tượng dự thi gồm tất cả công dân Việt Nam ở trong và ngoài nước. Mỗi tác giả có thể gửi nhiều tác phẩm thuộc các thể loại khác nhau nhưng phải thống nhất họ tên hoặc bút danh. Tác phẩm dự Cuộc vận động phải chưa tham dự một cuộc thi nào khác, chưa từng in trước thời hạn cho phép và không tham dự các cuộc thi khác cho đến khi kết thúc Cuộc vận động này. Ban Tổ chức đặc biệt khuyến khích sự tham gia của các em thanh, thiếu niên và nhi đồng. Lễ trao giải đợt một dự kiến tiến hành vào dịp Tết trung thu năm 2023. 

Trong buổi lễ, Hội Nhà văn Việt Nam cũng trao giải thưởng Tác giả trẻ lần thứ nhất cho 5 tác phẩm. Trong đó, giải thưởng về thơ được trao cho tác giả Lý Hữu Lương với tác phẩm “Yao” và tác giả Phương Đặng với tác phẩm “Con người”. Giải thưởng về văn xuôi được trao cho tác giả Đinh Phương với tác phẩm “Nắng thổ tang”. Giải thưởng về lý luận phê bình được trao cho tác giả Vũ Thị Trang với tác phẩm “Phê bình phân tâm học phía của những ám ảnh nghệ thuật”. Giải thưởng văn học dịch được trao cho dịch giả Nguyễn Bình với bản dịch sang tiếng Anh tác phẩm “Truyện Kiều”.

Đánh giá về chất lượng tác phẩm tham gia, ông Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết giải thưởng năm nay thể hiện một phần quan điểm, thái độ định hướng của Hội Nhà văn, trước những tư tưởng, những xu hướng sáng tác hết sức đa dạng của đông đảo người viết trẻ hiện nay. Giải thưởng Tác giả Trẻ được trao dựa trên nguyên tắc: tôn trọng quyền sáng tạo, cởi mở trong thẩm định, khích lệ, ủng hộ những cá tính sáng tạo độc đáo nhằm phát hiện những tác giả tiềm năng của văn học trong tương lai; nhưng cũng đòi hỏi tinh thần xây dựng nhân văn, ý thức cộng đồng và trách nhiệm xã hội của người sáng tác trẻ.

Các tác giả đoạt giải năm nay có những người là hội viên trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam đã khẳng định được chỗ đứng trên văn đàn (Lý Hữu Lương, Đinh Phương); lại có những tác giả mới lần đầu in sách và đây là tác phẩm đầu tay (Phương Đặng, Vũ Thị Trang, Nguyễn Bình).

Trong đó tác giả Nguyễn Bình mới 20 tuổi, đang du học tại Mỹ, học ngành Thiên văn học. Tuổi đời còn rất trẻ, còn đang là sinh viên, nhưng Nguyễn Bình đã dịch tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du sang tiếng Anh. Bản dịch của Nguyễn Bình đã được những nhà thơ, dịch giả tên tuổi am hiểu văn học và văn hóa Việt Nam như Bruce Weigl đánh giá rất cao.

Đại diện các tác giả đoạt giải, nhà thơ Lý Hữu Lương phát biểu: "Văn học Việt Nam hiện đại có một mảng khá sâu viết về miền núi, về người thiểu số. Và nhiều nhà văn đã thành công. Nhưng, để truyền tải được lối sống, ăn ở, đối xử xã hội nhất là tư duy thì phải là người sinh trưởng trong môi sinh đó mới là người làm tốt nhất...

Tiếng Việt của chúng ta đủ giàu để hiện thực hoá mọi biểu đạt ở khu vườn chữ nghĩa, cảm xúc. Nếu có tình yêu đủ lớn để yêu thương, trân quý dân tộc mình; đủ niềm tin và khẳng khái đem bản sắc dân tộc ấy tới thế giới thì hiển nhiên sẽ có một gương mặt không bị mờ nhoè, mọi điều vốn là khả dĩ...".

Từ năm nay, Giải thưởng Tác giả trẻ sẽ có trong hệ thống giải thưởng hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam, trao tặng cho những tác giả tuổi từ 35 trở xuống, có tác phẩm văn học xuất sắc trong năm (xuất bản từ ngày 1/10 năm trước đến 30/9 năm trao giải)./.