Con đường 1C là tuyến đường tiếp nối đường Trường Sơn, từ miền Đông Nam bộ về tận mũi Cà Mau. Trên tuyến đường máu lửa này, những thanh niên từ 15 tới ngoài 20 tuổi với hơn 2/3 là nữ, đã dâng trọn tuổi xuân, làm nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, lương thực, đón bộ đội từ miền Bắc vào chi viện chiến trường miền Tây Nam bộ... từ năm 1967 tới ngày thống nhất đất nước.
Nhà văn Trầm Hương (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh) là cây bút có nhiều thành công trong các tác phẩm viết về chiến tranh cách mạng. Và ở tác phẩm mới nhất của chị “Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái” - NXB Công an nhân dân, đã đoạt giải Khuyến khích trong cuộc thi tiểu thuyết, truyện, ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ tư năm 2020 lại vừa được tái bản trong thời gian ngắn.
Đây là một tác phẩm văn học phi hư cấu, được nhà văn Trầm Hương kể lại một cách chi tiết về con đường “Trường Sơn giữa Đồng bằng” 1C, từ ngày ra đời cho tới tháng 4/1975. Kể lại những gian khổ, vượt qua cam go khốc liệt trong đạn bom hủy diệt, sự hy sinh tuổi thanh xuân của lực lượng nữ Thanh niên xung phong (TNXP) trên con đường huyền thoại này…
“Tôi sắp xếp mọi thứ cần thiết chuẩn bị cho chuyến đi về miền Tây để gặp gỡ các nhân chứng tuyến đường 1C huyền thoại. Vậy mà giải thích đường 1C là gì, tôi không biết phải bắt đầu từ đâu để nói lên tầm vóc to lớn của tuyến đường mà chính những người trong cuộc đã thốt lên: “Chắc chắn không ai nhớ và ghi chép xuể, cũng không bút mực nào tả hết sự gian khổ, hy sinh của lực lượng TNXP trên tuyến đường huyền thoại này” - nhà văn Trầm Hương cho biết.
“Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái” gồm 9 chương: Mẹ ơi, đường 1C là gì? Họ là ai, họ từ đâu đến?; Những người con gái không có tuổi, sức chịu đừng gian khổ; Những chiến công huyền thoại; Voi, trâu, bò cùng vào trận; Những “chiến sĩ áo trắng” trên tuyến đường 1C; Những cái chết đau thương; Những tấm gương anh hùng; Những mảnh đời sau chiến tranh; Tấm lòng đồng đội.
Trang sách mở đầu với lời đề đã làm người đọc thấy xúc động: “khi chiến tranh qua đi, những người con gái năm xưa đã bỏ lại nhan sắc, tuổi thanh xuân nơi tuyến đường ác liệt. Nhiều người năm xuống nơi bưng sâu,lung, bàu, dưới lòng sông, cánh rừng, thôn xóm… dọc tuyến đường…”.
Năm 1966, để vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện theo đường mòn Hồ Chí Minh trên bộ, lúc này đã đến miền Đông Nam Bộ, thông suốt đến tận mũi Cà Mau, tuyến đường 1C được ra đời. Và chuyến hàng “khai trương” tuyến đường huyền thoại này là 350 tấn vũ khí chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Sau chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, quân số được hơn 800 người, đa phần là nữ. Tất cả đều ở lứa tuổi 18-20, nhiều cô gái mới 14-15 đã khai thêm tuổi để tòng quân, có chị trốn gia đình theo đơn vị. Giã từ quê hương cây lành trái ngọt, giã từ mái trường thân yêu, những người con gái trẻ dấn thân vào chiến trường 1C. Đôi bàn chân con gái băng đồng, lội sông, vượt rừng không chùn bước và những người con gái “gánh sông núi trên vai”, cho huyền thoại con đường bắt đầu.
Không lâu sau, Bộ Chỉ huy Liên quân Việt - Mỹ và vùng 4 chiến thuật phát hiện ra con đường 1C này là “sinh mệnh” của chiến trường miền Tây, nên đã dốc toàn lực đối phó bằng những loại vũ khí mang tính sát thương và hủy diệt cao. Đồng thời, địch huy động hàng sư đoàn với các binh chủng phối thuộc bằng phương tiện hiện đại tràn ngập chiến trường, nhằm hủy diệt con đường 1C bằng mọi giá.
Một cuộc chiến không cân sức giữa sức người và bom đạn… Phía địch tập trung phi pháo, các binh chủng kỹ thuật và chất độc hóa học, quyết liệt đánh phá ngày đêm xuống tuyến đường 1C. Các chiến sĩ TNXP tuổi từ 15 đến hơn 20, 2/3 là nữ, ở các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Cần Thơ, Trà Vinh, Rạch Giá, đã đem hết nhiệt huyết thanh xuân, chiến đấu và hy sinh trên tuyến đường lửa máu - nơi mà “sắt thép đều tan ra”. Khu lòng chảo tuyến đường Vĩnh Tế - Tám Ngàn - Cái Sắn - Bảy Núi, Ba Hòn, mà trung tâm là những cánh rừng với những địa danh Vĩnh Điều, Tràm Dưỡng, Đồng Cừ, Gộc Xây... đã hứng chịu hàng ngàn tấn bom đạn.
Mùa mưa, nơi đóng quân nước ngập ngang lưng, không một gò khô, suốt ngày phải ngâm mình dưới nước. Mùa khô, địch tổ chức đốt rừng, làm lộ tuyến đường vận chuyển và nơi đóng quân của đơn vị, rồi chúng bắn phá, ném bom ác liệt. Có khi bị phong tỏa gắt gao, nhiều đợt hết gạo, đội viên phải ăn cháo, ăn rau bông súng, môn nước, củ nèo thay cơm. Có đợt các đơn vị đóng quân ở Cô Tô 27 ngày liền không có gạo.
Suốt gần 10 năm liền sau khi hình thành, lực lượng TNXP đường 1C đã cùng chính quyền, du kích địa phương liên kết nhau, bám địa bàn, sẵn sàng hy sinh, bền bỉ thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng chục ngàn tấn vũ khí, phương tiện chiến tranh, đưa đường cho cán bộ, bộ đội ngược xuôi qua tuyến đường. Họ đã làm nên huyền thoại con đường 1C lịch sử.
Biết bao thành tích và chiến công của tuổi trẻ trong các đại đội TNXP mang tên Nguyễn Việt Khái - Mai Thanh Thế - Tây Đô - Hòn Đất... đã ghi tạc những trang sử kỳ lạ nhất của một thời quên mình chiến đấu cho miền Nam thân yêu được giải phóng.
Những trang viết trong “Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái” là bao câu chuyện kể nghe mà nhói lòng, mỗi trang như thấm đẫm sự hy sinh của những người con gái con trai thanh xuân, để bảo vệ con đường, cái giá phải đổi của đơn vị TNXP đường 1C quá lớn. Hàng trăm anh chị em đã hy sinh nằm rải rác khắp địa bàn dọc tuyến đường, từ hai bờ biên giới kinh Vĩnh Tế, qua mấy cánh rừng về Cái Sắn, đến Kiến Phong, Đồng Tháp, tập trung nhiều nhất là vùng núi Mo So - Ba Hòn - Hà Tiên - Cô Tô... nơi nào cũng có hài cốt chiến sĩ TNXP đường 1C.
Qua những trang viết của nhà văn Trầm Hương, nhiều tấm gương hy sinh của các nữ TNXP tuyến đường 1C được phục dựng sinh động. Như tinh thần bất khuất, kiên cường của nữ TNXP Hồng Láng, quê Phong Lạc, Cà Mau, chưa đầy 20 tuổi, tải hàng qua biên giới, phải chiến đầu bào vệ hàng, rồi bị bắt, bị đánh đập tra khảo dã man, không cho y tá của chúng chích thuốc và tự đập đầu vào cột đá hy sinh để bảo vệ bí mật tuyến đường…
Như cô gái Trần Thị Kim Thoa, 15 tuổi, ở đội Mai Thanh Thế, trong lúc đơn vị đi làm nhiệm vụ, một mình ở nhà, trực thăng địch đổ quân đánh chiếm doanh trại, đã dũng cảm, mưu trí đánh địch, đẩy lùi cả đại đội địch do 6 trực thăng đổ quân xuống. Là Lê Văn Dè một mình chiến đấu với một tiểu đoàn địch trên bờ xáng trống trải, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch, diệt 17 tên, trong đó có 2 lính Mỹ.
Rồi Tư Hùng, chỉ huy một tiểu đội TNXP chiến đấu suốt 4 tiếng đồng hồ với 10 máy bay địch bằng súng bộ binh, bắn rơi một chiếc, bắn bị thương một chiếc khác. Một trung đội của Đội Nguyễn Viết Khái III liên tục 14 ngày đêm truy lùng, đánh nhau với một trung đoàn địch, đẩy chúng ra khỏi hành lang, đảm bảo an toàn cho tuyến đường vận tải. Một tiểu đội khác của Đội Nguyễn Viết Khái III suốt 4 tháng nằm rừng, bám địch bảo vệ an toàn cho đoàn vận chuyển hàng về căn cứ…
Và đúng là những huyền thoại khi đọc câu chuyện chị Tuyết Thu cùng đồng đội mưu trí dũng cảm chờ đêm tối, bò ra khỏi hang Hòn ở phía mé biển, khéo léo kéo chiếc vỏ lãi được giấu sẵn từ trước, chất xong vũ khí đã được gói kỹ, chị cho chất đầy dưa hấu lên ghe, trên cắm cờ ba sọc, hai chiếc ghe chở 3.5 tấn vũ khí ung dung lướt qua những tàu tuần tra của địch về Hòn Đất an toàn.
Hay câu chuyện về Thu Nguyệt, đội TNXP Mai Thanh Thế, người nhỏ nhắn, dáng vẻ yểu điệu, nhút nhát, vậy mà khi gặp nguy nan, đã cùng đồng đội là Ngọc Đẹp dũng cảm dập pháo màu, cắt bỏ trận ném bom tọa độ sống của địch, bảo toàn cho đơn vị.
Chuyện chị Hồ Thanh Hồng, sử dụng cối 82 và 61 ly cùng các chị Hai Xuyến, Ba Huệ bắn cháy xe tăng M113 của địch càn vào trong trận bảo vệ kho hàng 500 tấn ở núi Bang Hang. Nhờ lanh lẹ, tháo vát, chị Kha Thị Xuyên (Tám Xuyên) thuộc Đội Mai Thanh Thế, được bộ đội cử “cắt đường”, chị tinh ý quan sát các dấu hiệu lạ, và cảnh giác nên phát hiện ra gián điệp của địch trong đơn vị...
“Đường 1C huyền thoại - Những bờ vai con gái”, chỉ là một góc của cuộc chiến tranh, thấu hiểu hơn những hy sinh xương máu của bao chiến sĩ cách mạng cho nền hòa bình thống nhất đất nước. Càng thêm trân trọng cuộc sống hòa bình hôm nay để thấy trách nhiệm công dân của mình với Tổ quốc./.