Nếu 20 năm trước Đỗ Bích Thúy không đi thì hôm nay, tức là 20 năm sau, có lẽ độc giả sẽ không có trong tay bộ sách dày dặn với tựa “Về” gồm 4 cuốn: “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá”; “Người yêu ơi”, “Bóng của cây sồi” và “Thương nhau như người thân”. Và dường như, toàn bộ “Về” dành trọn cho những con đường, ngọn núi, dòng sông, những dân tộc thiểu số ở cực Bắc, đặc biệt Hà Giang, mảnh đất có tuổi thơ, nuôi dưỡng và cũng là niềm đau đáu của chị khi rời xa.
Có những lý do để người ta tin vào việc Đỗ Bích Thúy không ở lại đã làm nên một “Về” ngập tràn nhung nhớ, yêu thương với quê hương, với từng gốc cây, ngọn cỏ, từng bạn bè ấu thơ. Những dòng viết đầu tiên cho cuốn: “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” cũng là tên tác phẩm làm nên tên tuổi Đỗ Bích Thúy trên văn đàn hôm nay, đủ coi là minh chứng đắt giá cho sự ra đời của “Về” là tất yếu. Chị viết: “Thương là nguyên mẫu của nhân vật May (Trong truyện)….Tôi chơi với Thương từ lúc tôi chưa vào lớp một…..Thương và chồng, hai con ở trong một ngôi nhà vừa xây ở lưng chừng một quả đồi khô khốc, tường chưa quét vôi….Hỏi: Thế bố chúng nó đâu? Trả lời: Chắc đi uống rượu rồi…Chồng sáng vác cưa đi, chiều vác cưa về với cái bụng đầy rượu. Mặc vợ, mặc con”.
Cuộc sống của những người phụ nữ như Thương, bạn chị dẫu không lặp lại nguyên mẫu như bà May, mẹ nuôi Thương nhưng đâu đó người ta vẫn bắt gặp sự trở lại của nếp sống đầy cam chịu, nhọc nhằn, vất vả của phần đông phụ nữ vùng cao. Giả sử, Đỗ Bích Thúy nếu không theo nghiệp văn chương, không lên Hà Nội, biết đâu người ta lại gặp cô ở phiên chợ Đồng Văn, đang “đưa điếu cày lên và chậm rãi rít những hơi rất khẽ” hay ngồi đợi ông chồng “…say quá, không thể nào nhấc chân lên được nữa, phải nằm xuống vệ đường ngủ một giấc…” như cách chị mô tả về người phụ nữ Mông có tuổi trong “Thương nhau như người thân”.
Những tác phẩm viết về mảnh đất quê hương là khởi đầu để Hà Nội giang tay chào đón và cũng từ chính mảnh đất này thật lạ kỳ khi ôm trong đó cả một mớ ồn ào, tấp nập phố thị lại khiến nhà văn viết nhiều, viết hay về vùng quê ở góc núi xa xôi. Hai mươi năm sống và làm việc ở Hà Nội, 21 cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn đã xuất bản. Nhưng điểm lại, hầu hết bối cảnh, con người đến cả nhành cây, ngọn cỏ đều từ vùng đất cất giữ ấu thơ và những tháng năm thanh nữ của Đỗ Bích Thúy.
Để rồi đúng năm thứ 20 rời quê hương, “Về” ra mắt độc giả vào ngày sinh nhật Đỗ Bích Thúy với 4 cuốn sách cùng kích cỡ, cùng do họa sỹ Lê Thiết Cương vẽ minh họa, cùng tông màu và cùng chọn những tác phẩm viết về miền núi phía Bắc. Sự giống nhau này như bày một trò chơi lựa chọn cho độc giả: truyện ngắn, tản văn, tiểu thuyết! Đọc cuốn nào trước? “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” có lẽ đã quá quen thuộc, đã thành thương hiệu Đỗ Bích Thúy. Nhưng hình như lâu lắm mới gặp lại, trong một diện mạo mới đầy hấp dẫn, lôi cuốn. Và âm hưởng từ phim “Chuyện của Pao” như thúc giục độc giả mở ra, nhẩn nha những dòng văn đẹp và buồn như cuộc đời nhân vật chính.
Còn “Người yêu ơi” lại như một tiếng gọi thầm vụt cất lên thành lời nửa tha thiết, nửa mời mọc đặt chân vào không gian của ba người: Sò, Say và Quả. Với những ai đến buổi “Về” ra mắt thì cuộc trình diễn của nhà thơ Quang Hưng, nhà thơ Lữ Mai và nhà văn Anh Vũ trích đoạn “Người yêu ơi” bằng sự pha trộn của giọng đọc, cảm xúc, âm thanh nền sẽ càng bị thôi thúc bước tiếp hành trình ba người với “nỗi buồn chất chứa sự trái ngang trong cái đa đoan, say đắm của con người”.
Còn những day dứt “…chỉ muốn ở lại, không muốn bỏ Kim….” của Phù khi “…Kim như chiếc lá trôi trên dòng nước cuồn cuộn….” suốt gần 270 trang tiểu thuyết “Bóng của cây sồi” như cuốn độc giả vào những rung cảm tình yêu của chàng trai luôn cố gắng làm theo điều mẹ nhắn nhủ: “Sống như một cái cây thẳng, không sợ gió mưa, sấm sét, không sợ sâu mọt, không sợ già nua… nhưng có điều, thế nào là một cái cây thẳng thì thật là khó…”.
Chạm vào những sợi xúc cảm mỏng manh nhất được xem như “sợi chỉ đỏ xuyên suốt” trong văn Đỗ Bích Thúy dù ở thể loại nào. Có thể là tình yêu, là những câu chuyện không đầu không cuối, là khu vườn ấu thơ, là mùi cỏ dại, là căn bếp ấm…..tất cả đều hắt bóng từ quá khứ với một nỗi nhớ ngập tràn. Tập tản văn “Thương nhau như người thân” dường như vượt qua những con chữ, trang sách khiến độc giả như nghe chị thầm thì kể chuyện. Cứ nho nhỏ, xinh xinh kiểu như một nhành cỏ đồng bãi, một cây chanh, một đám vườn, một chú gà trống, một đám mây bông….tình cờ gặp đâu đó mà thoắt cái Bích Thúy đem độc giả quay lại tuổi thơ, quay lại những ngẫm ngợi tưởng xa xăm mà lại rất gần gụi, kiểu như ai đó đôi lần đã bắt gặp, quen mà như lạ.
Thú vị nhất ở “Thương nhau như người thân” có lẽ ở những pha “chuyển cảnh” đầy bất ngờ. Rõ ràng nhà văn đang kể câu chuyện về Hà Nội, quê mới mà thế nào thoắt cái, cảnh đã chuyển về miền núi, về quê chị với mạch kết nối ngọt và êm như ru. Một tâm trạng, một cảm xúc đan xen giữa đi và về, giữa quá khứ và hiện tại, giữa phố thị và miền núi rất khó để tách bạch y như Đỗ Bích Thúy trong cuộc đời. Nhưng những trang văn tưởng rất riêng ấy lại có ở nhiều, rất nhiều độc giả dẫu trong số họ nhiều người không sinh ra ở vùng núi như chị.
Và thêm một điều kỳ lạ khi giở bất cứ cuốn sách nào trong “Về” để đọc, những người yêu mến Đỗ Bích Thúy cũng như văn chương của cô đều nhớ lại không gian buổi chiều ra mắt sách. Một ngày tháng 4 se sẽ lạnh, mưa tạnh sau một buổi sáng dầm dề, trời còn chưa bừng sáng và hẵng mang một màu như người ta hay tưởng tượng về màu của ký ức, của hành trình trở về./.