Ngày 20/3, văn đàn Việt Nam chìm trong tiếc thương khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - "người viết truyện ngắn xuất sắc" đã qua đời sau một thời gian chống chọi với bệnh đột quỵ. Ông hưởng thọ 72 tuổi.

“Nguyễn Huy Thiệp mất đi là một thiệt thòi lớn cho văn đàn Việt Nam, một thiệt thòi không thể bù đắp được. Chúng ta không thể có một Nguyễn Huy Thiệp thứ hai…”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ bày tỏ. 

Hiện tượng hiếm của văn đàn Việt Nam 

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp sinh năm 1950, quê quán Hà Nội. Ông tốt nghiệp Khoa sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Trước khi đến với văn chương, ông là giáo viên ở miền núi phía bắc trong 10 năm. 

Từ năm 1986, nhiều người biết đến Nguyễn Huy Thiệp qua một số truyện ngắn về đề tài nông thôn đăng trên Báo Văn nghệ. Dần dần tên tuổi của ông được chú ý hơn bởi văn phong và quan điểm sống khác biệt trong các tác phẩm.

Hơn 50 năm cầm bút, Nguyễn Huy Thiệp ghi dấu đậm nét ở nhiều thể loại sáng tác với 50 truyện ngắn, 10 vở kịch, 4 tiểu thuyết cùng nhiều tiểu luận, phê bình văn học. Song, đặc sắc nhất trong sự nghiệp của Nguyễn Huy Thiệp là thể loại truyện ngắn. 

Truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp đa dạng về đề tài, từ lịch sử đến cổ tích, huyền thoại, từ xã hội Việt Nam đương đại đến chân dung tầng lớp những cựu chiến binh, người lao động. Sau khi ra mắt “Tướng về hưu” (1987) và “Những ngọn gió Hua Tát” (1989), Nguyễn Huy Thiệp trở thành hiện tượng “độc nhất vô nhị” trong văn giới. 

Ông cũng có nhiều truyện ngắn gây chú ý khác như: “Chảy đi sông ơi”, “Sang sông”, “Con gái thủy thần”, “Những người thợ xẻ”, “Thương nhớ đồng quê”,... Đó là những mảng truyện khắc sâu vào tâm trí của người đọc bằng chất giọng văn lạ, cách đặt vấn đề trực tiếp, giàu chất thế sự. Nguyễn Huy Thiệp chạm đến, bóc tách từng lớp hiện thực, nhìn thẳng vào những bề bộn của xã hội, thân phận của con người trong chiều dài của đất nước, dân tộc.

Bên cạnh những giá trị về nội dung thể hiện, cái nhìn, cảm quan về đời sống xã hội thì Nguyễn Huy Thiệp có lối viết hấp dẫn khác lạ, độc đáo. Ông viết không cầu kỳ, câu văn ngắn nhưng hàm chứa hàm lượng thông tin lớn. Đặc biệt, Nguyễn Huy Thiệp có biệt tài trong việc đối thoại, dựng không khí, cấu trúc, xây dựng nhân vật mang hơi thở, màu sắc riêng.

Đánh giá về văn chương của Nguyễn Huy Thiệp, nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận định: “Nguyễn Huy Thiệp là một tiếng nói đầy khác biệt. Những tầng lớp mà Nguyễn Huy Thiệp đặt vấn đề xây dựng, cấu tạo nhân vật, đại đa số là những tầng lớp lao động, đói khổ, những người dưới đáy xã hội,… hay những nhân vật có tính chất ước lệ,… đã phản ánh bản chất của những con người có thật trong xã hội…. Nguyễn Huy Thiệp phản ánh trật tự bị đổ vỡ trong những giai đoạn của đất nước, những bi kịch của xã hội, những vấn đề cần khắc phục để vươn lên xây dựng một xã hội văn minh, tiến bộ, một xã hội đòi hỏi phải giữ vững văn hoá lâu bền của người Việt…”..

Nhà văn Uông Triều khẳng định, trong văn học Việt Nam đương đại, ngôi sao sáng nhất là Nguyễn Huy Thiệp: “Dù người ta có thể thích hay không thích truyện ngắn của ông thì cũng không thể phủ nhận rằng Nguyễn Huy Thiệp là một tên tuổi rất lớn. Thậm chí ông còn là hạt nhân của một phong trào đổi mới văn học. Văn chương trước đó đã có manh nha đổi mới từ Nguyễn Minh Châu,…nhưng từ khi Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện thì sự đổi mới mới rõ ràng và mạnh mẽ. Đã nổ ra những cuộc tranh luận rất dữ dội về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp, truyện ngắn lịch sử và nhiều vấn đề khác. Các nhà phê bình, các nhà văn thấy đó là niềm cảm hứng hoặc sự tranh luận để thấy rằng cần phải có đổi mới nhất định".

Nhiều năm nay, Nguyễn Huy Thiệp đã gác bút nhưng các tác phẩm của ông vẫn có sức hút lớn với độc giả nhiều thế hệ. Các sáng tác của ông được in lại nhiều lần và được dịch sang nhiều ngôn ngữ như: Pháp, Anh, Italy, Thụy Điển, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia... Mới đây, công ty sách Đông A phát hành ấn bản đặc biệt, tập hợp gần như đầy đủ nhất những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp để tôn vinh ông, bán với giá cao nhưng vẫn đông người tìm mua và yêu thích. 

PGS.TS Lý Hoài Thu, nhà nghiên cứu, phê bình văn học đánh giá: “Có những nhà văn chỉ phù hợp với một thế hệ nhưng khả năng phủ sóng tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp rất rộng. Các tác phẩm của ông vừa có giá trị tư tưởng vừa có giá trị nghệ thuật lớn. Những vấn đề ông chạm đến, phanh phui trong tác phẩm không hề xa lạ với nhiều thế hệ. Người đọc tìm thấy trong các tác phẩm của ông một nguồn năng lượng, lối viết khác và lạ, độc đáo. Đọc đến trang nào mình cảm thấy đây là bức tranh thu nhỏ của đời sống xã hội, mỗi nhân vật là một chân dung sống động. Nguyễn Huy Thiệp trở thành hiện tượng bởi nhiều phương diện, trong đó sách của ông lúc nào cũng nhận được sự ủng hộ của đông đảo độc giả”. 

Nghèo vật chất nhưng giàu tình thương

Tưởng chừng như với những tập truyện ngắn bán chạy, có tác phẩm xuất bản ở nước ngoài, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp có một cuộc sống khá giả sau những tháng ngày lang thang, dạy học ở miền núi rồi làm đủ nghề để kiếm sống. Thế nhưng, cái nghèo vẫn đeo bám, ám ảnh cả cuộc đời nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Gắn bó với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từ hồi mới chập chững bước vào văn đàn, nhà văn Nguyễn Văn Thọ kể: “Tôi quen biết và chơi thân với Nguyễn Huy Thiệp từ lúc anh mới bước vào văn đàn. Những năm 1985-1986 khi anh viết truyện ngắn “Chảy đi sông ơi”, anh đã chạy vội đến nhà tôi khoe tác phẩm. Thời tiết oi bức, chúng tôi nằm giữa nhà, đọc cho nhau nghe hay khi tôi viết “Muối mặn” cũng chia sẻ với anh Thiệp...Anh Thiệp đã đi hết một cuộc đời nghèo khổ, vật vã, lang thang, hết dạy học ở miền núi, cho tới làm nhiều nghề để kiếm sống như bán giấy, mở hàng ăn nhưng đều thất bại. Bởi nhà văn thì không làm được kinh tế…”

Cả khi đến cuối đời, trong những cơn bạo bệnh, cuộc sống của ông vẫn rất khó khăn. Nhưng chính cái nghèo đã giúp cho Nguyễn Huy Thiệp thấu hiểu những vất vả của cuộc sống, lắng nghe tiếng nói của tầng lớp lao động để viết nên những tác phẩm gần gũi với đời thường. Bởi vì lẽ đó mà người ta càng quý mến và trân trọng văn chương rực rỡ  mà Nguyễn Huy Thiệp dâng cho đời. 

Dữ dội, quyết liệt với văn chương là thế nhưng ở ngoài đời, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp lại là một con người điềm đạm, hiền lành và ít nói. “Bản chất Nguyễn Huy Thiệp là một nhà văn nhưng tâm hồn là một nghệ sĩ, rất yếu đuối, mong manh và dễ vỡ”, nhà văn Nguyễn Văn Thọ chia sẻ về người bạn văn lớn mà ông rất trân trọng trong cuộc sống. 

Dù biết sinh lão bệnh tử là chuyện thường tình nhưng khi hay tin, nhà văn Nguyễn Văn Thọ vẫn chưa hết bàng hoàng: “Khi nhận cuộc gọi từ cháu Bách, con trai trưởng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp báo tin “bố cháu mất rồi”, tôi rất bất ngờ, nước mắt tôi ứa ra…Bấy lâu nay, anh nhiều bệnh, từng đột quỵ 3 lần. Và cú đòn mạnh nhất đối với anh Thiệp là người vợ thân yêu, người đồng cam cộng khổ, điểm tựa mỗi khi nguy nan nhất, bất ngờ ra đi trước…”. 

Nhà văn Uông Triều, một người bạn vong niên với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp kể rằng ông là người giàu tình cảm và hết mực yêu thương gia đình. Ông từng bỏ rượu, bỏ thuốc lá để làm gương cho conhay viết những bài báo kí tên khác để ủng hộ người con trai thứ nhất là họa sĩ, viết tiểu thuyết “Tuổi hai mươi yêu dấu” để tặng đứa con trai thứ hai.

Trong các cuộc trò chuyện với nhà văn Uông Triều, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thường khuyên bảo phải lo liệu cho gia đình chu toàn: “Tôi may mắn được tiếp xúc khá nhiều với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Mỗi lần trò chuyện với ông, ông đều rất chân tình. Tôi không nghĩ rằng một nhà văn lớn như vậy lại có thể trò chuyện với hậu sinh một cách bình đẳng, trân trọng như thế… 

Trước đây, tôi cứ nghĩ Nguyễn Huy Thiệp là người không để ý đến cuộc sống đời thường nhưng không. Ông rất thực tế, khi gặp các bạn trẻ, ông khuyên bảo có mê văn chương cũng không được bỏ bê cuộc sống vợ chồng, con cái. Mọi cái trong gia đình phải lo chu toàn…”. 

Chưa có một giải thưởng chính thức

Trong cuộc đời mình, Nguyễn Huy Thiệp từng nhận huân chương Văn học Nghệ thuật Pháp (2007), giải thưởng Premio Nonino (Italy, 2008). Đóng góp nhiều cho nền văn học nước nhà nhưng nhà văn Nguyễn Huy Thiệp chưa có được một giải thưởng chính thức. 

Chỉ vài ngày trước đây, niềm vui đến với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp khi ông là một trong 50 tác giả có các tác phẩm, cụm tác phẩm xuất sắc được đề nghị xét tặng Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực Văn học nghệ thuật năm 2021. Hai tác phẩm được đề nghị xét giải của ông là truyện ngắn “Tướng về hưu” và “Những ngọn gió Hua Tát”.

PGS.TS Lý Hoài Thu nhấn mạnh: “Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp hoàn toàn xứng đáng nhận được Giải thưởng Nhà nước vì những đóng góp của ông trên diễn đàn văn chương, với cộng đồng viết thực sự hiệu quả. Hai cụm tác phẩm, đặc biệt là “Tướng về hưu” ngay khi ra mắt đã làm nóng văn đàn. Lần đầu tiên người ta cảm thấy cuộc sống là như thế. Bao lâu nay mình cũng có cảm nhận như thế nhưng bây giờ mới được đối diện với vấn đề hàng ngày hàng giờ chứng kiến. Để có thể tích hợp nó lại trong một tác phẩm lay động tâm can của người đọc phải nhờ đến bút pháp Nguyễn Huy Thiệp”.

Thế nhưng, không đợi được đến ngày xét tặng Giải thưởng, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp vội vã ra đi theo “Những ngọn gió Hua Tát” trong một ngày mưa, để lại nhiều tiếc nuối trên văn đàn Việt Nam đương đại. Nhà văn Uông Triều bày tỏ: “Đây là mất mát chung cho văn học Việt. Tôi nghĩ rằng cần có đánh giá đúng về ông cũng như tôn vinh những đóng góp của ông. Nếu sắp tới, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp được nhận Giải thưởng Nhà nước thì tôi nghĩ rằng ở cõi vĩnh hằng nhà văn cũng có thể một chút mỉm cười”./