Ngày 11/11 tại Hà Nội, Cục Bản quyền tác giả đã tổ chức hội nghị - hội thảo về hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan và lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Một trong những điểm đáng chú ý là thay vì chỉ có một mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả duy nhất áp dụng chung với tất cả các loại hình như trước đây, dự thảo thông tư hướng đến chi tiết với 8 mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả cho từng loại hình tác phẩm.

Theo số liệu thống kê từ Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), số lượng đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng tăng dần đều, từ 8-10%/năm. Cụ thể, năm 2019 có hơn 8.000 giấy chứng nhận được cấp ra, năm 2020 là hơn 10.000 giấy. Trong năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng số giấy cấp mới vẫn như không đổi so với năm 2020. Tính đến hết tháng 10/2022 cũng đã có trên 10.000 giấy chứng nhận được cấp. Các nhóm đối tượng tập trung vào một số loại hình: Kỹ thuật ứng dụng (chiếm khoảng 44%), Âm nhạc (chiếm khoảng 25%), Tác phẩm viết (chiếm khoảng 14%), Chương trình máy tính (chiếm khoảng 13%), còn lại là một số loại hình tác phẩm khác.

Theo bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, trong những năm gần đây, lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đang được xã hội rất quan tâm, nhất là trong thời điểm thi hành các cam kết về sở hữu trí tuệ trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã, đang đàm phán hoặc đã ký kết, phê chuẩn. Do đó, việc đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan ngày càng được xã hội chú trọng và hưởng ứng. 

“Việt Nam không đứng ngoài xu thế chung của thế giới mà đặc biệt quan tâm đến vấn đề sáng tạo trí tuệ, bảo vệ bản quyền. Các cá nhân, tổ chức cũng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc đăng ký bản quyền trong việc hỗ trợ và bảo vệ lợi ích hợp pháp của bản thân... Hiện nay, các giao dịch trên môi trường số phát triển, hoạt động đăng ký bản quyền, quyền liên quan càng được quan tâm. Bên cạnh sự giao thoa của các hoạt động kinh doanh ngày càng được khai thác, đẩy mạnh trên môi trường số thì những giả định pháp lý, các giấy tờ chứng minh cho sở hữu trí tuệ, quyền và lợi ích của chủ sở hữu cũng được chú trọng”, bà Phạm Thị Kim Oanh cho biết. 

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy công tác đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan còn bị vướng mắc trong quá trình hướng dẫn hồ sơ đăng ký do chưa có văn bản quy định chi tiết hướng dẫn về các mẫu cụ thể trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Cụ thể, chỉ có một mẫu Tờ khai đăng ký quyền tác giả duy nhất áp dụng chung cho tất cả các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, trong khi đó mỗi loại hình lại có những đặc điểm khác nhau.

Các hướng dẫn cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan chỉ căn cứ vào Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định nên vẫn còn chung chung, vì vậy gây mất thời gian cho chuyên viên tiếp nhận hồ sơ cũng như tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan trong quá trình thực hiện thủ tục đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan. Việc ban hành một thông tư hướng dẫn chi tiết hơn về các mẫu theo từng loại hình quyền tác giả, quyền liên quan để có thể hướng dẫn rõ ràng, cụ thể hơn cho các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi thực hiện hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan tại Cục Bản quyền tác giả là vô cùng cần thiết.

Theo đó, dự thảo thông tư đã quy định mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan ngoài phần căn cứ pháp lý, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nội dung cơ bản bao gồm: 8 mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả theo các loại hình được quy định (tờ khai đăng ký quyền tác giả với tác phẩm âm nhạc, tờ khai đăng ký quyền tác giả với chương trình máy tính, tờ khai đăng ký quyền tác giả với tác phẩm điện ảnh,…); 1 mẫu tờ khai đăng ký quyền liên quan; 1 mẫu giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả; 1 mẫu giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan./.