Sau thương vụ mua lại Twitter với giá 44 tỷ USD, Elon Musk đã thẳng tay sa thải khoảng 50% nhân viên như một cách để cắt giảm chi phí. Nhà đồng sáng lập đồng thời là cựu CEO Jack Dorsey sau đó đã chia sẻ suy nghĩ của mình cũng như nhận trách nhiệm về việc một lượng lớn người lao động bị mất việc làm.

Trong dòng tweet được đăng tải trên trang cá nhân của mình chỉ một ngày sau khi cha đẻ hãng xe Tesla chính thức đưa ra quyết định thanh lọc nhân sự, Jack Dorsey đã nhắc đến việc mạng xã hội “chim xanh” phát triển quá nhanh dưới thời của ông, khiến công ty phải đối mặt với vấn đề hiện tại. 

cuu_ceo_twitter_xin_loi_vi_de_cty_phat_trien_qua_nhanh.jpg

Rõ ràng, hiện tại Twitter phải tìm mọi cách để tăng doanh thu, phân phối lại chi phí vì công ty đang gồng gánh khoản nợ 1 tỷ USD tiền lãi mỗi năm cho khoản nợ mà người chủ sở hữu mới đem lại khi mua nó. Tuy nhiên, cách Elon Musk thực hiện để chuyển đổi nền tảng và giảm chi phí đã vấp phải nhiều chỉ trích nặng nề khi một nguồn tin nội bộ cho biết đội ngũ nhân viên đang phải cống hiến suốt ngày đêm để hoàn thành tiến độ công việc.

Bên cạnh đó, việc thay đổi quá nhanh cũng khiến mọi thứ trở nên lộn xộn. Có thông tin khẳng định Twitter lại “quay xe” khi phải cố gắng chiêu mộ một lượng nhân viên quay trở lại công ty sau khi gửi cho họ email sa thải với lý do thông báo “nhầm”.

Cho đến nay, những nỗ lực của vị tỷ phú người Mỹ gốc Nam Phi mặc dù đã gây được sự chú ý từ công chúng nhưng dường như các chính sách mới lại đang phản tác dụng khi một số công ty quảng cáo đã tách khỏi Twitter. Theo CNN, cha đẻ hãng xe điện Tesla gần đây phàn nàn rằng doanh thu quảng cáo đã giảm “khủng khiếp” đồng thời đổ lỗi cho “các nhà hoạt động”. Tuy nhiên, Elon Musk không phải là người duy nhất phải hứng chịu những chỉ trích tiêu cực mà cả Jack Dorsey - cựu giám đốc điều hành của Twitter cũng nhận thấy sức nóng của dư luận.

Trong một bài đăng được chia sẻ trên trang Twitter vào thứ 7 ngày 5/11, Jack Dorsey đã động viên các nhân viên công ty, bao gồm cả những người đang tiếp tục làm việc hay đã bị sa thải, khen ngợi họ "mạnh mẽ và kiên cường". Jack Dorsey cũng tiết lộ rằng "nhiều người đang tức giận" với ông, bày tỏ bản thân chịu trách nhiệm về tình trạng lao động tại Twitter hiện tại vì đã phát triển quy mô công ty quá nhanh và xin lỗi vì điều đó. 

Trước cuộc thanh lọc nhân sự, Twitter có khoảng 7.500 nhân viên, con số hiện tại có thể chỉ dừng ở mức 3.700, tương đương lượng nhân viên hồi cuối năm 2014. Dựa trên dữ liệu do Statista tổng hợp, lực lượng lao động của Twitter đã tăng vọt từ 4.900 vào tháng 12/2019 lên đến 7.500 nhân sự vào cuối năm 2021. 

Được biết, Twitter không phải là công ty duy nhất tăng số lượng nhân lực một cách ồ ạt trong đại dịch, gã khổng lồ Meta cũng làm điều tương tự và nhiều tin đồn cho thấy công ty đang chuẩn bị cho một đợt cắt giảm nhân lực lớn hơn cả Twitter. 

Tuy nhiên, giảm số lượng nhân viên chỉ là một khía cạnh trong kế hoạch của Musk nhằm cải thiện tình hình tài chính. Ngay sau khi Musk nắm quyền kiểm soát công ty, các nguồn tin cho biết các nhóm đã được giao nhiệm vụ tìm cách cắt giảm chi phí cơ sở hạ tầng của Twitter, điều có thể khiến Twitter dễ bị ngừng hoạt động. Musk rất vội vàng trong việc thực hiện những thay đổi nhưng tốc độ mà ông áp đặt có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn./.