Theo thông tin từ Cục Bản quyền tác giả, dự báo số người khuyết tật nhìn ở nước ta sẽ còn tăng hơn nữa trong các thập kỷ tới do dân số Việt Nam đang già đi nhanh chóng, nhiều khả năng sẽ tăng số lượng người cao tuổi có thị lực kém và không có khả năng đọc chữ in. “Chính vì lý do đó, việc tạo ra các định dạng dễ tiếp cận của các tác phẩm đã công bố như chữ Braille, audio, văn bản điện tử, ngôn ngữ kí hiệu,... càng trở nên quan trọng ở Việt Nam nhằm bảo đảm cho người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in được thực hiện quyền bình đẳng, vươn lên hòa nhập với cộng đồng”, bà Phạm Thị Kim Oanh - Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu tham luận tại hội nghị, bà Đinh Việt Anh - Phó Chủ tịch Hội người mù Việt Nam, hiện nay việc tiếp cận thông tin, tài liệu của người khuyết tật đã nhận được nhiều sự quan tâm và chung tay góp sức của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập trong việc đồng bộ hóa khả năng tiếp cận của nhóm người khuyết tật nhìn.
Hội người mù Việt Nam và UNDP đã tổ chức một cuộc khảo sát trên 450 người khuyết tật, đa số nhóm người này mong muốn có cơ hội được nghe, xem, đọc các xuất bản phẩm ở dạng dễ tiếp cận, tuy nhiên những xuất bản phẩm vẫn còn thiếu, gây ra nhiều khó khăn, trở ngại trong cuộc sống, học tập, công việc và hòa nhập xã hội. Trên thực tế, số lượng sách, báo, tài liệu được chuyển đổi, sản xuất ở định dạng người khuyết tật nhìn dễ tiếp cận vẫn còn rất hạn chế, việc chuyển đổi cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, việc không có quy định cụ thể về việc cho phép chia sẻ cũng ảnh hưởng đến số lượng các tác phẩm đã chuyển đổi mà người khuyết tật có thể sử dụng, gây lãng phí về mặt thời gian, công sức khi nhiều tổ chức cùng chuyển đổi một tác phẩm.
Xã hội ngày càng phát triển, sự bình đẳng ngày càng được nâng cao một cách rõ rệt. Những người khuyết tật vẫn luôn mong muốn được đối xử công bằng, có nhu cầu được tiếp nhận mọi thông tin giống như những người bình thường khác. Điều này đã và đang đòi hỏi chúng ta cần đẩy nhanh quá trình tham gia Hiệp định Marrakesh, mở rộng con đường giúp những người khuyết tật có cơ hội được thực thi Luật sở hữu trí tuệ một cách công bằng.
Tính đến hết năm 2021, cả nước ta có 21 thư viện công cộng cấp tỉnh, thành phố có tổ chức phục vụ người khuyết tật. Trong đó, tổng số tài nguyên thông tin dành cho người khuyết tật là 30.000 đơn vị tài liệu, bao gồm: 12.758 sách nói, 5.776 tài liệu nổi, 13.219 băng, đĩa CD. Tuy nhiên, trong tổng số 2 triệu người mù và thị lực kém (theo thống kê của Bệnh viện mắt Trung ương) thì chỉ có 0,6% người khuyết tật được tiếp cận và sử dụng dịch vụ thư viện chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Điều này đã cho thấy một thực trạng về việc tiếp cận thông tin của người khuyết tật vẫn còn có sự chênh lệch giữa các tỉnh thành. Đồng thời chỉ rõ bất cập khi có những người khuyết tật sống ở tỉnh, thành khác không được tiếp cận với nguồn tri thức từ thư viện với các trang thiết bị và ấn bản phẩm xuất bản dành riêng cho họ. Đứng trước những thách thức và khó khăn về sự thiếu hụt nguồn tài nguyên dành cho người khuyết tật, Đảng và Nhà nước cùng các Bộ ban ngành có liên quan vẫn luôn tạo điều kiện tốt nhất để giúp nhóm người này được hưởng lợi.
“Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn đã nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội nghiên cứu, sửa đổi luật sở hữu trí tuệ nhằm tạo điều kiện cho ngành thư viện nói chung có được những cơ chế trong hoạt động sưu tầm, phổ biến tài nguyên thông tin đến người khiếm thị, người khuyết tật nhìn, qua đó tạo tiền đề để Việt Nam có đủ điều kiện gia nhập Hiệp ước Marrakesh, mở rộng nguồn tài nguyên thông tin dùng chung của thế giới dành cho người khiếm thị, người khuyết tật nhìn”, Đại diện Vụ thư viện nói.
Cũng theo Đại diện Vụ Thư viện, công tác vận động, xã hội hóa vẫn luôn được triển khai đẩy mạnh nhằm tranh thủ sự hỗ trợ của tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong công tác thư viện, đặc biệt trong công tác người khiếm thị. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Hội người mù để đảm bảo đáp ứng đủ, đúng nhu cầu sử dụng thư viện của người khiếm thị.
Có thể thấy, công tác vì sự tiếp cận thông tin công bằng của người khuyết tật vẫn đang được các cấp lãnh đạo chủ động thực hiện nhằm giúp đỡ những đối tượng thụ hưởng. Hy vọng trong tương lai, việc gia nhập Hiệp định Marrakesh sẽ là bước tiến lớn, tạo nhiều điều kiện và cơ hội hơn nữa cho những người khuyết tật, giúp họ tự tin tiếp cận thông tin một cách bình đẳng như mong đợi./.