Năm 2019, tỉnh Tiền Giang đón hơn 2,1 triệu lượt khách, trong đó có trên 850.000 lượt khách quốc tế, doanh thu hoạt động du lịch đạt 1.160 tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh và góp phần tạo động lực phát triển cho các ngành kinh tế khác. Sau 2 năm bị tác động của đại dịch Covid-19, ngành du lịch địa phương đã và đang tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm sớm phục hồi.

Theo đó, 10 tháng qua, tổng lượng khách du lịch đến tỉnh trên 600.000 lượt người; trong đó có 36.000 lượt khách quốc tế, doanh thu trên 300 tỷ đồng. Sau khi dịch bệnh được kiểm soát, nhiều khu du lịch đã phục hồi nhanh, thu hút đông đảo du khách như: Trại rắn Đồng Tâm, cồn Thới Sơn, Làng cổ Đông Hòa Hiệp, chùa Liên Hoa, biển Tân Thành và các khu di tích văn hóa, lịch sử... trên địa bàn.

Tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang mỗi ngày đón tiếp từ 200-300 du khách; trong đó có khoảng 80% khách quốc tế. Anh Nguyễn Quang Vinh, chủ cơ sở du lịch nhà cổ Ba Đức tại Làng cổ Đông Hòa Hiệp phấn khởi nói: "Chúng tôi đã cải tạo lại hết các hệ thống nhà hàng, khách sạn để đi vào hoạt động. Du khách rất hài lòng. Khách quốc tế hiện tại khoảng 60-70 %, giá cả thì cũng như cũ, lượng khách phục hồi khoảng 70%”.

So với các địa phương vùng ĐBSCL, Tiền Giang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch: nằm ở cửa ngõ Miền Tây có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy đồng bộ, đều khắp; có diện tích vườn cây ăn trái lớn (hơn 80 nghìn ha, gồm 11 loại trái cây đặc sản). Tiền Giang có nhiều cồn, cù lao trên sông Tiền, bờ biển dài hơn 21 km với khí hậu mát mẻ quanh năm. Toàn tỉnh có 182 di tích văn hóa lịch sử, căn cứ cách mạng được xếp hạng được người dân xa gần biết đến; trong đó có 01 di tích Quốc gia đặc biệt (di tích Chiến thắng Rạch Gầm- Xoài Mút), 21 di tích cấp Quốc gia, 160 di tích cấp tỉnh. Tiền Giang cũng là cái nôi của đàn ca tài tử, nơi bảo tồn 17 lễ hội dân gian và phong phú về ẩm thực là điều mà tạo cho du khách xa gần sự thích thú, tìm đến để khám phá, nghiên cứu cũng như thưởng thức các sản phẩm vật chất và tinh thần.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành du lịch Tiền Giang vẫn chưa phát triển đúng tầm, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh như: mức chi tiêu của du khách còn thấp, dịch vụ du lịch chưa đa dạng, phong phú, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, chất lượng điểm đến chưa cao. Các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành chỉ có quy mô vừa và nhỏ, chưa được đầu tư đúng mức, cơ sở hạ tầng du lịch chưa phát triển, nhất là đường giao thông, bến bãi...

Các làng nghề, các nhà cổ, chợ nổi Cái Bè, một số khu di tích lịch sử đã xuống cấp, lạc hậu chưa được đầu tư, trùng tu, phát huy trong tình hình mới để phục vụ nhu cầu khách tham quan. Các phương tiện, mô hình phục vụ du khách như: cáp treo, xe điện, nhà hàng, khách sạn, khu Resort cao cấp chưa được đầu tư ... chưa phát triển theo nhu cầu của khách tham quan; công tác liên kết với các tỉnh lân cận, liên kết vùng chưa duy trì thường xuyên.

Ông Nguyễn Thành Diệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang nhìn nhận: "Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang cũng hết sức cố gắng, đặc biệt BCH Đảng bộ tỉnh có một Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch, UBND tỉnh cũng có các kế hoạch. Tuy nhiên chúng tôi cũng cần đánh giá lại tiềm năng, năng lực quản lý nhà nước, việc thực hiện chính sách, công tác phối hợp và đặc biệt là tạo môi trường thuận lợi để phát triển du lịch của địa phương trong thời gian tới".

Gần đây, nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã nâng chất, đổi mới sản phẩm để lôi kéo khách trong và ngoài nước. Nhiều điểm du lịch sinh thái, du lịch sông nước, du lịch tâm linh hình thành. Cá biệt tại xã Song Thuận, huyện Châu Thành có khu du lịch “Ve chai Thần kì” cho du khách đi tham quan trên ngọn dừa, ăn các món ăn đặc sản, tái hiện các vũ khí thời kháng chiến chống Mỹ của du kích vùng Vành đai Bình Đức...

Trại rắn Đồng Tâm tức Trung tâm Nghiên cứu và Nuôi trồng chế biến dược liệu thuộc Cục Hậu Cần, Quân Khu 9 là điểm du lịch “độc lạ” tại Tiền Giang. Mỗi ngày, nơi đây thu hút trên 500 du khách, riêng ngày lễ, tết... có đến hàng nghìn lượt người tham quan. Hiện nay, đơn vị này tiếp tục đầu tư vật chất, hạ tầng để thu hút khách.

Trung tá Nguyễn Duy Hưng, Phó Giám đốc trại rắn Đồng Tâm cho biết thêm: "Trong thời gian tới, đơn vị tập trung chăm sóc thú, sức khỏe đảm bảo thân thiện với môi trường, mờ rộng ra các khu mà mình chưa làm được như: khu dã ngoại vui chơi, câu cá giải trí, vườn hoa, cầu. Đầu tư các trò chơi để cho trẻ em, học sinh các trường đến học tập, những vườn thuốc nam để cho khách đến tìm hiểu, thực tế nhìn thấy cảnh quan môi trường đổi mới".

Để ngành du lịch Tiền Giang phát triển ổn định, ngoài thiên thời, địa lợi thì nguồn nhân lực, công tác quản lý, điều hành, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cần được quan tâm hơn.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch- Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng: "Tiền Giang phục hồi và phát triển ngành du lịch không chỉ trên cơ sở những tài nguyên nguồn lực có sẵn mà phải trên cơ sở khai thác hiệu quả hơn nữa các nguồn lực, tìm kiếm các nguồn lực mới, ý tưởng, sản phẩm mới năng động sáng tạo trong cách tổ chức, vận hành, quản lý và làm chủ mọi tình huống. Nguồn nhân lực cần được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, kỹ năng cũng như năng động, sáng tạo trong làm nghề. Những cơ chế, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư đến đây phát triển các khu nghỉ dưỡng, sinh thái, cơ sở vật chất kỹ thuật, du lịch trên địa bàn tỉnh".

Du lịch là ngành kinh tế đang phục hồi nhanh sau đại dịch, do đó tỉnh Tiền Giang cần phát huy thế mạnh, tiềm năng; tiếp tục nâng cao chất lượng, có những bước đột phá đạt hiệu quả cao, góp phần phục hồi và phát triển  nền kinh tế đất nước./.