Trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến các rạp chiếu phim phải đóng cửa ở nhiều thành phố lớn trên cả nước, các doanh nghiệp điện ảnh Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước vào giữa tháng 5, về việc hỗ trợ cho doanh nghiệp điện ảnh vượt qua khó khăn vì đại dịch Covid-19.
Ký tên trong văn bản có các doanh nghiệp chiếu phim và phát hành phim lớn của Việt Nam và nước ngoài bao gồm Thiên Ngân, BHD, CGV và Lotte Cinema.
Một trong những nội dung trong văn bản, các doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ "ghi nhận hoạt động chiếu phim phục vụ giải trí cũng là hoạt động thiết yếu trong thời đại ngày nay. Đặc biệt trong hoàn cảnh khó khăn như hiện nay cũng càng nên được thúc đẩy nhằm giảm thiểu các chứng bệnh do căng thẳng tâm lý, góp phần giảm áp lực cho ngành y tế".
Từ việc ghi nhận này, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ sớm cho phép các rạp chiếu phim được hoạt động trở lại với điều kiện đảm bảo phương án 5K.
Các doanh nghiệp ký đơn cũng khẳng định rạp chiếu phim là nơi có thể dễ dàng áp dụng 5K bởi khán giả vào rạp chỉ tập trung xem phim mà không nói chuyện, việc ăn uống bắp, nước được phục vụ theo khẩu phần riêng, ghế ngồi hoàn toàn có thể giãn cách giữa các khán giả, và công nghệ vé điện tử khiến khán giả không cần tập trung tại quầy vé.
Kiến nghị này của các doanh nghiệp gây nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều khán giả không đồng tình với việc mở cửa trở lại các rạp chiếu phim và cho rằng, xem phim tại rạp không phải nhu cầu thiết yếu, mà điều quan trọng hơn cả trong thời điểm này là tập trung vào việc phòng chống dịch Covid-19.
“Hoạt động của các rạp phim bị ảnh hưởng nặng nề là có thật và có thể thông cảm, cũng mong Chính phủ có chính sách hỗ trợ hiệu quả. Tuy nhiên việc yêu cầu ghi nhận hoạt động chiếu phim là "thiết yếu" để được hoạt động trong đại dịch thì đó là điều vô lý. Rõ ràng đây là ngành giải trí và là một trong những ngành nên tạm dừng hoạt động đầu tiên khi dịch bùng phát. Các hoạt động thưởng thức phim ảnh hoàn toàn có thể diễn ra ở nhà như xem TV, máy tính... đặc biệt cần thiết khi giãn cách xã hội, hạn chế ra ngoài. Doanh nghiệp nên phát triển mạnh nền tảng xem phim trực tuyến để có doanh thu trong thời gian khó khăn này thay vì đưa ra đề nghị phi lý”, một khán giả nêu ý kiến.
Việc đề xuất đây là "hoạt động thiết yếu", nhiều khán giả cho rằng là không thể. Rạp chiếu phim là nơi không những khó đảm bảo 5K mà còn dễ bùng phát ổ bệnh lớn. Các doanh nghiệp nói trong rạp, mỗi khán giả có phần ăn uống riêng thì không lây bệnh. Nhưng khi ăn uống vẫn phải mở khẩu trang, mở miệng và chắc chắn sẽ có người nói chuyện. Chỉ bấy nhiêu cũng đủ phát tán virus. Phòng xem phim là phòng kín bật máy lạnh thì càng dễ phát tán bệnh…
“Việc xem phim tại rạp không phải hoạt động thiết yếu. Không nên biệt đãi cho bất cứ đối tượng nào. Trong tình hình dịch bệnh, ai cũng gặp khó khăn từ cá nhân đến tổ chức, doanh nghiệp nhưng phải nghĩ đến lợi ích lớn hơn là sức khoẻ của mình và xã hội”, khán giả Hoàng Anh nêu ý kiến.
Nhiều khản giả cho rằng, hiện tại phòng dịch là trên hết, còn xem phim có thể xem ở nhà. Và nếu các rạp chiếu phim có được phép mở cửa trở lại, không ít người bày tỏ tâm lý e ngại khi được hỏi liệu có sẵn sàng ra rạp xem phim.
“Phim hay thì xem lúc nào cũng được, dù có trễ một vài tháng cũng không sao. Dĩ nhiên xem phim ngoài rạp là trải nghiệm hấp dẫn, nhưng thời điểm này, có nhiều cách để thưởng thức một bộ phim hay. Các nền tảng trực tuyến luôn luôn sẵn sàng. Nếu rạp chiếu phim có mở cửa trở lại, tôi cũng không muốn đi xem phim vì điều quan trọng hơn cả bây giờ là sức khỏe của bản thân, của gia đình và của toàn xã hội”, khán giả Thiên An nêu ý kiến./.