Trước đó, Trúc Vi cũng tham gia biểu diễn chính và xuất sắc đạt giải nhất Cuộc thi Tài năng xiếc toàn quốc 2021 tại Hà Nội với tiết mục “Sắc sen”, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khen thưởng. Để có được những thành tích như ngày nay, Vi đã phải trải qua một chặng hành trình dài khổ luyện.
Từ một cô bé sợ tập luyện...
Nhìn Vi biểu diễn với những động tác gập người điêu luyện, uyển chuyển nhịp nhàng và toả sáng trên sân khấu, ít ai biết, Vi đã từng có những ngày rất sợ mỗi khi gia đình đưa đi tập xiếc. Lúc đó, cô bé mới 9 tuổi thường hay trốn các buổi tập, mọi người phải dỗ dành thì mới chịu tập tiếp. Nhưng sau này, khi được tham gia biểu diễn vài tiết mục, Vi đam mê lúc nào không hay và đã theo đuổi, gắn bó với bộ môn nghệ thuật này cho đến nay.
Trúc Vi biết ơn gia đình, nơi ba mẹ đã tạo nền tảng cũng như động viên cô theo đuổi đến cùng sự nghiệp: "Thời gian đầu rất vất vả do bộ môn mình tập là uốn dẻo, cần sự kiên trì mỗi ngày, còn nhỏ khi đau mình cũng muốn từ bỏ. Thêm nữa khi đi học văn hoá rất mệt mà mình vẫn phải tập luyện thêm. Hồi nhỏ mình cũng xin nghỉ rồi nhưng ba mẹ động viên nên mình cũng cố gắng tập luyện".
Chị Võ Thị Lượm, mẹ của Trúc Vi tâm sự, mỗi lần chứng kiến Vi luyện tập hay biểu diễn không may bị chấn thương, chị cũng rất đau lòng, vừa chăm sóc con sớm hồi phục, vừa động viên con cố gắng vượt qua. Dù có những ngày phải buôn bán vất vả, lo việc học cho các con nhưng chị cũng không để Vi mất buổi tập nào. Đến nay, khi Trúc Vi đã có những thành công nhất định trong sự nghiệp, trở thành diễn viên chuyên nghiệp, chị Lượm vẫn không khỏi lo lắng, hồi hộp mỗi khi con lên sân khấu, bởi khi làm công việc này, sự cố xảy ra là điều không tránh khỏi.
Như bao người cha, người mẹ, chị Lượm mong muốn con ổn định với công việc và thành công hơn nữa: "Mình kỳ vọng là một việc nhưng còn phụ thuộc vào khả năng của con. Muốn trong tương lai công việc của con được ổn định, nghề của con mỗi ngày được nâng cao, mình biết sẽ có những rủi ro, nhưng vẫn muốn con mình mỗi một ngày sẽ có những tiết mục được nâng cao hơn nữa”.
... Đến đam mê theo đuổi sự nghiệp xiếc lâu dài
Để có được vài phút biểu diễn trên sân khấu, đằng sau đó là cả một quá trình tập luyện kiên trì, bền bỉ và cả những chấn thương tưởng chừng như không thể tiếp tục được nữa, chưa kể diễn viên xiếc còn luôn phải tự làm mới các tiết mục. Bởi vậy mà Trúc Vi luôn ý thức được công việc của mình phải nỗ lực và hy sinh ra sao.
Theo NSƯT Lưu Thị Bích Liên, Trưởng đoàn xiếc Mặt trời đỏ - Nhà hát nghệ thuật Phương Nam, cô bé Vi khi mới bước vào nghề không phải là người có sẵn tố chất để biểu diễn múa dẻo, nhưng với xiếc, để tìm kiếm được người đáp ứng được đủ các yêu cầu rất khó, do đó Vi đã không ngừng cố gắng để hoàn thiện chính mình. Hằng ngày, Trúc Vi đều kiên trì, tự mình tập luyện, bẻ dẻo... dù thời gian học văn hoá có bận rộn ra sao.
Đến thời điểm này, vượt qua những đau đớn và hành trình khổ luyện không ngừng nghỉ, phần lớn các tiết mục xiếc uốn dẻo, Vi đều là diễn viên chính và biểu diễn rất tốt. Với chị Bích Liên, người thầy và cũng là người đã gắn bó, định hướng cho Trúc Vi từ những ngày đầu em đến với nghề, thành công hôm nay chính là nhờ tinh thần học hỏi nghiêm túc và đam mê theo đuổi đến cùng. Nhìn lại những tấm hình thầy trò cùng nhau đi biểu diễn ở những sân khấu lớn nhỏ, chị Liên mừng vì khi có những người như Vi, thì bộ môn xiếc của thành phố mới có thể tiếp tục phát triển trong thời điểm rất ít người tìm đến và gắn bó với nó.
NSUT Bích Liên chia sẻ: “Đó là một đóng góp rất lớn vì khả năng của bạn rất tốt và bạn còn trẻ, cho nên thời gian để đóng góp cho đơn vị rất dài. Chỉ có những người có khả năng thì mới làm được việc đó, trong 1 tiết mục tập thể đương nhiên sẽ có những diễn viên chính, diễn viên phụ, hoặc những người có những người làm động tác tốt. Chỉ có đam mê thì mới làm được việc đó, nếu không đam mê thì Trúc Vi sẽ không bao giờ làm được".
Với Nguyễn Hồng Trúc Vi, gần 20 năm gắn bó với nghề, niềm hạnh phúc là được trình diễn các tiết mục xiếc của Việt Nam cho khán giả trong và ngoài nước. Qua đó, góp phần đưa nghệ thuật xiếc đến gần hơn với công chúng và mong muốn chinh phục những thử thách khó khăn hơn ở bộ môn này, vốn đòi hỏi rất nhiều kỹ năng, đặc biệt ngôn ngữ hình thể.
Về lâu dài, Trúc Vi ấp ủ nhiều dự định để gắn bó thật lâu với con đường này mà mình đã chọn: "Mình vẫn theo đuổi nghề này, do việc uốn dẻo thì sẽ không được lâu nên mình đang định hướng sẽ chuyển sang 1 tiết mục khác như tập trung chuyên về tiết mục quay thảm".
Không chỉ hết mình với nghệ thuật xiếc, trong đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 vừa qua, Trúc Vi còn tham gia đội hình văn nghệ sĩ trẻ tình nguyện phòng, chống dịch do Nhà Văn hóa Thanh Niên phát động, hỗ trợ điều phối tiêm vaccine, mua hàng giúp người dân, phát thuốc và các nhu yếu phẩm trong các khu phong tỏa, tặng quà cho thiếu nhi đang cách ly tại bệnh viện dã chiến,… Những việc làm vô cùng ý nghĩa đó đã góp phần tạo nên hình ảnh đẹp của thế hệ trẻ hôm nay ở thành phố mang tên Bác./.