Lễ hội đua thuyền Tứ linh được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1826. Từ đó, Lễ hội được người dân Lý Sơn tổ chức hàng năm vào dịp Tết cổ truyền dân tộc và các ngày lễ lớn của đất nước, địa phương. Lễ hội đua thuyền Tứ linh được người dân Lý Sơn bảo tồn và phát triển đến ngày hôm nay nhằm tri ân các vị tiền hiền đã có công khai khẩn, mở mang và xây dựng đảo. Đồng thời, tưởng nhớ đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa giong buồm ra khơi dựng bia, cắm mốc chủ quyền trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Thuyền đua ở Lý Sơn mang biểu tượng tứ linh (Long, Ly, Quy, Phụng). Trước đây, việc tổ chức lễ hội để thi thố tài năng điều khiển thuyền đua trên biển nhằm tuyển chọn những trai tráng khỏe mạnh, giỏi bơi lội sung vào Đội Hoàng Sa, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân Lý Sơn, tháng 9/2020, Lễ hội đua thuyền Tứ linh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.
Ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi cho biết để gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội đua thuyền Tứ linh, huyện đã tổ chức điều tra, khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học để đề nghị công nhận lễ hội này là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Lễ hội đua thuyền truyền thống Tứ linh được cư dân Lý Sơn tổ chức thường niên vào ngày mùng 4 đến mùng 8 Tết cổ truyền. Đây là nét văn hoá đặc trưng của cư dân Lý Sơn. Để phát huy giá trị di sản văn hoá này, sắp tới UBND huyện sẽ nghiên cứu đưa Lễ hội đua thuyền Tứ linh vào tổ chức thường niên vào mùa du lịch của Lý Sơn để phục vụ khách du lịch. Bên cạnh tổ chức lễ hội, đình làng An Vĩnh và An Hải trưng bày biểu tượng tứ linh để phục vụ việc nghiên cứu, phát huy giá trị lễ hội đua thuyền truyền thống Tứ linh", ông Lê Văn Ninh nói.
Dịp này, huyện Lý Sơn tổ chức hội đua thuyền truyền thống Tứ linh với sự tham gia của 8 đội thuyền thuộc 2 làng An Vĩnh và An Hải chào mừng sự kiện./.