19 đơn vị đã mang đến liên hoan những chương trình nghệ thuật đầy sáng tạo, đa dạng trong phong cách biểu diễn nhưng vẫn mang đậm những nét văn hóa của từng địa phương, từng vùng; cho thấy những nỗ lực của các văn nghệ sĩ và người dân trong gìn giữ những tinh hoa văn hóa dân tộc.
Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh (tỉnh Bình Thuận) là đơn vị nghệ thuật duy nhất của khu vực phía Nam, vượt gần 2000 cây số tới TP Hải Phòng tham gia Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc (đợt 1) năm 2021. Những khúc hát ariya – "Tình ca bất hủ" của dân tộc Chăm hay những điệu múa cổ điển như: múa "Nữ thần siva", vũ điệu Apsara... kết hợp cùng làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm của các dân tộc K’ho, Raglay... đã tạo nên một chương trình nghệ thuật đúng như tên gọi “Lung linh sắc màu, hội tụ tinh hoa” văn hóa các dân tộc anh em trong tỉnh Bình Thuận.
NSND Mai Kiên, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh (tỉnh Bình Thuận) cho biết, đến được với Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc (đợt 1) này đã là một thành công của đoàn, thế nhưng, thành công ngoài mong đợi là chương trình nhận sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả và đánh giá cao của Hội đồng nghệ thuật.
NSND Mai Kiên chia sẻ: "Mặc dù dịch bệnh nhưng tất cả diễn viên đều nỗ lực mang văn hóa đặc sắc nhất của địa phương để giới thiệu tại hội diễn. Nỗ lực đó bằng nhiệt huyết, tinh thần của anh em, bằng việc tập luyện và cháy hết mình trên sân khấu, quan trọng nhất là “lửa” của các tiết mục gắn liền với bản sắc văn hóa dân tộc riêng của vùng miền, tạo nên bức tranh làm sao vừa gắn kết được vấn đề dân tộc, gắn kết vấn đề phát triển của đất nước".
Với chương trình nghệ thuật mang chủ đề “Trầm tích Đà Giang”, Nhà hát ca múa nhạc tỉnh Sơn La gửi đến liên hoan và khán giả thành phố Cảng Hải Phòng những nét văn hóa đặc sắc được kết tinh bao đời nay của các dân tộc tỉnh Sơn La và vùng Tây Bắc tổ quốc. Những câu khắp Thái, tiếng khèn bè độc đáo, những điệu múa Khơ Mú duyên dáng... được kết hợp nhuần nhuyễn trong từng tiết mục. Một chương trình được dàn dựng công phu từ kịch bản, chỉ đạo nghệ thuật, âm thanh ánh sáng và tài năng của các diễn viên, nghệ sĩ.
Nhạc sĩ, NSUT Phạm Hồng Thu, Giám đốc Nhà hát ca múa nhạc tỉnh Sơn La cho biết: "Trên Sơn La mỗi dân tộc có nét văn hóa đặc trưng, đặc sắc, nhưng để kết hợp lại, logic với nhau không phải dễ dàng. Tuy nhiên, chúng tôi đã có rất nhiều tài năng của Nhà hát Sơn La, có kịch bản chi tiết để kết nối các mảng, màu sắc giữa các dân tộc cũng như trong từng tiết mục và toàn bộ mạch chương trình, tạo nên một chương trình đầy màu sắc nhưng kết nối rất logic, nhuần nhuyễn".
Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2021 (đợt 1) có 19 đơn vị nghệ thuật trong cả nước và sự tham gia của hơn 1.000 diễn viên, nghệ sĩ. Các chương trình không hạn chế trong đề tài; các đoàn nghệ thuật, các nghệ sĩ, diễn viên, thỏa sức sáng tạo, tạo nên các chương trình đa dạng về phong cách nghệ thuật nhưng vẫn thể hiện sắc thái riêng của từng địa phương.
Các chương trình nghệ thuật đã đưa khán giả chu du qua từng miền văn hóa, từ cao nguyên đá Hà Giang nơi địa đầu Tổ quốc với chương trình nghệ thuật “Sống trên đá – thác về với đá”, qua vùng đất sơn thủy hữu tình nơi có dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, trùng điệp vắt ngang trời Tây Bắc với “Bản tình ca xứ núi” của Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Yên Bái, hay về vùng đất giàu truyền thống Cách mạng với những di tích nổi tiếng qua chương trình “Hòa khí Tây Thiên” của Nhà hát Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc...
Ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban chỉ đạo Liên hoan khẳng định: "Các đơn vị ca múa nhạc đã thể hiện phong cách trình diễn đầy cá tính, sáng tạo nhưng vẫn mang đậm phong cách nghệ thuật của loại hình nghệ thuật mà các nghệ sĩ đang gìn giữ. Đã có những thời điểm, chúng ta lo lắng về đội ngũ diễn viên, nhạc sĩ, nhạc công kế cận của đội ngũ ca múa nhạc nhưng qua liên hoan này chúng ta có thể khẳng định đội ngũ đó đang phát triển rất tốt và sẽ là những hạt giống đảm bảo cho tương lai của nghệ thuật.
Đặc biệt, Liên hoan ca múa nhạc lần này còn ghi dấu đậm nét với sự tham gia của thể loại nhạc kịch một thể loại khó, cần sự kết hợp tinh tế, nhuần nhuyễn của cả ba thể loại ca – múa – nhạc và khả năng diễn xuất của các diễn viên.
Nhạc sĩ Trọng Đài, đại diện Hội đồng nghệ thuật đánh giá: "Bên cạnh vở nhạc kịch “Những người khốn khổ” thể hiện sự quyết tâm của nhà hát nhạc vũ kịch Việt Nam trong việc tiếp thu tinh hoa đương đại, chúng ta có “Huyền thoại nữ tướng Lê Chân” cho thấy sự dũng cảm của đoàn Ca múa Hải Phòng trong việc xây dựng vở diễn với đề tài lịch sử, “Trại hoa vàng” của Nhà hát tuổi trẻ tiếp cận vấn đề xã hội đương đại... Có thể thấy, diễn viên nhạc kịch của chúng ta đang rất rất nỗ lực để tiếp cận tinh hoa văn hóa thế giới.
Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc (đợt 1) năm 2021 đã khép lại, để lại những ấn tượng khó phai trong công chúng và người dân đất Cảng. Ban tổ chức đã trao 6 Huy chương Vàng cho các chương trình: "Sống trên đá, thác về với đá" (Đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang); "Những người khốn khổ" (Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam); "Thanh âm" (Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long); "Trại hoa vàng" (Nhà hát Tuổi trẻ); "Lào Cai - Bồng bềnh miền sương mây" (Đoàn nghệ thuật dân tộc Lào Cai); "Huyền thoại nữ tướng Lê Chân" (Đoàn ca múa Hải Phòng) và 30 Huy chương Vàng cho các tiết mục xuất sắc tại Liên hoan.
Liên hoan một lần nữa cho thấy sự sáng tạo không ngừng nghỉ của các nghệ sĩ, diễn viên, bất chấp những khó khăn trong điều kiện đại dịch Covid-19, khẳng định “những lúc đất nước khó khăn, các giá trị văn hóa tốt đẹp phát huy mạnh mẽ"./.