Những tác phẩm sơn mài của Trần Quốc Hưng cho người xem thấy rõ sự kết nối giữa con người với thiên nhiên, thân thiện và gần gũi. Sự gần gũi càng được thể hiện nhiều hơn khi anh đưa sắc màu đương đại vào sơn mài truyền thống để sơn mài không chỉ là những bức tranh trầm mặc, đơn điệu mà trở nên sống động, hòa nhập vào cuộc sống hiện đại.

Nhận xét về các tác phẩm của họa sĩ Trần Quốc Hưng, họa sĩ Lê Minh chia sẻ: “Với cách thể hiện phá cách và kỹ thuật chuyển màu rất hiện đại thì tôi cho rằng, tranh sơn mài của nghệ sĩ Trần Quốc Hưng đã thành công trong việc thể hiện sự giao thoa với nhịp sống nhanh, chuyển mình hối hả với sự hoài niệm xưa một cách rất tự do, thoáng đãng. Có lẽ anh đã mang theo cả quan niệm quay trở về với tự nhiên cùng với sự duyên dáng của mình khi đến với hội họa. Các tác phẩm hiện đại của họa sĩ Trần Hưng mặc dù rất mới nhưng tôi cho rằng cũng đang đóng góp thêm vào những giá trị vào dòng chảy phong phú của dòng tranh sơn mài Việt Nam”. 

Phóng viên VOV.VN đã có cuộc trò chuyện với họa sĩ Trần Quốc Hưng về niềm đam mê sáng tạo, quá trình tìm tòi, phát triển kỹ thuật làm mới tranh sơn mài truyền thống với sự đột phá về màu sắc, chất liệu.

PV:Họa sĩ Trần Quốc Hưng có nhiều năm kinh nghiệm sáng tác nghệ thuật, lặn lộn với các dòng tranh nhưng cuối cùng anh chọn dừng lại ở dòng tranh sơn mai. Anh có thể chia sẻ lý do lựa chọn dòng tranh này?

Họa sĩ Trần Quốc Hưng: Con người ta sống luôn hướng tới 3 điều là Chân-Thiện-Mỹ, cái mỹ là cái cuối cùng, là cái đẹp. Và tranh chỉ là 1 loại hình nghệ thuật để tiến tới cái đẹp. Con đường đi với tranh là thể hiện một phần hình ảnh, lột tả cái đẹp. Cái đẹp cũng thể hiện góc nhìn nhân sinh. Vẽ một bức tranh để vơi đi nỗi nhọc nhằn, những ảo não ở trong con người, để trở về với cái đẹp. 

Dòng tranh sơn mài vốn theo một mô típ truyền thống từ trước đến nay, mang vẻ đẹp cổ kính. Tuy nhiên màu sắc chưa đạt, không tiến tới được thời đại hiện nay. Tôi kế thừa truyền thống của các cụ  bởi niềm yêu thích cũng như mong muốn kế thừa những truyền thống, chất liệu sơn ta, quy trình của các cụ nhưng có sự sáng tạo, cập nhật màu sắc để tranh trở nên sinh động giống như một bức tranh sơn dầu.

PV: Trong quá trình đến với các dòng tranh, anh tìm thấy gì ở sơn mài để chọn đây là phương thức truyền tải nét đẹp nghệ thuật?

Họa sĩ Trần Quốc Hưng:Tôi chọn sơn mài vì có lý do riêng bởi chất liệu sơn mài mình làm thì nó dễ về với tự nhiên hơn. Ví dụ chọn acrylic thì lâu ngày nó thành nhựa, mà chọn sơn dầu thì lâu ngày nó cũng cứng, lại nứt, nói chung là về yếu tố thời gian thì không bền. Trong khi đó, sơn mài đảm bảo độ bền,  có nhiều tầng nhiều lớp trong 1 bức tranh, thì nó mới trở về được tự nhiên. Chất liệu khác để lột tả vẻ đẹp tự nhiên rất khó thì chất liệu sơn mài đến với tôi, giúp tôi thể hiện được cái tự nhiên. Tôi chỉ mong công chúng xem tranh, phần nào người ta tìm thấy trong tranh sự tự nhiên của chính mình, bớt phần dục tính. Tôi chọn sơn mài để lột tả tự nhiên, khí sắc của tự nhiên. Nó tươi đẹp lắm.

PV: Với những đột phá về màu sắc, chất liệu, anh có gặp khó khăn gì trong quá trình tìm tòi, phát triển một kỹ thuật mới trong sơn mài?

Họa sĩ Trần Quốc Hưng: Điều này thực ra là cũng phải trăn trở rất nhiều. Ví dụ đưa màu vào thì nó không ra màu, nhất là những gam lạnh, xanh. Vì đến với sơn mài là đến với gam vàng và đỏ thì đó là quy trình truyền thống cũ rồi. Bước tôi làm là không hề giảm bước cũ mà kế thừa, từ đó phát triển, sáng tạo thêm. Cái khó khăn nhất là đưa màu sắc tự nhiên giống như những bức tranh sơn dầu acrylic. Đây là điều tôi trăn trở nhiều năm qua. Tôi cứ khám phá dần, rồi đưa vào trong tranh nhiều sắc màu cho đến khi ra được màu ưng ý. Quá trình này mất khoảng 3 năm. 

PV: Anh có nhớ thời điểm anh hoàn thành được bức tranh sơn mài ưng ý nhất không? Và cảm xúc của anh lúc đó như thế nào?

Họa sĩ Trần Quốc Hưng: Tôi thường vẽ theo lô chứ không vẽ theo bức. Mỗi lần vẽ khoảng 30 bức, hoặc 50 bức. Tức là nếu được thì được cả lô. Có lẽ lô tranh năm 2021 vừa rồi thì tôi ưng ý nhất. Vì lúc đó là tôi vẽ ra được màu, nó thể hiện được khí sắc, hoàn toàn là một bước đột phá của tôi. Còn tác phẩm nói lên như thế nào thì phải là rung cảm, còn tác phẩm có người thì nói đẹp, hoặc có người nhìn thì bảo chẳng cảm nhận được gì. Góc nhìn cái đẹp và rung cảm của mỗi một con người khác nhau. Nhưng là người vẽ tranh thì tôi thường vẽ cái tự nhiên để cho người ta trở về cái tự nhiên một chút, bớt cái khổ đau đời thường.

PV: Những tác phẩm của anh được mọi người đón nhận như thế nào? 

Họa sĩ Trần Quốc Hưng: Những nhà sưu tầm hoặc những họa sĩ khi xem tranh của tôi chỉ nói mỗi một câu là “Lạ!”. Không hiểu là yếu tố nào, nhân duyên nào mà họ lại đúc kết ở “Lạ”. Chắc có lẽ bởi 5 yếu tố trong tranh của tôi. Thứ 1 là màu tươi sáng, không giống như màu truyền thống cũ. Thứ 2 tôi đẩy tranh được về như một ngọc xẻ ra. Nó về được chất đá và chất ngọc. Cái lạ nữa là trong tranh của tôi không có nét bút vì tôi không vẽ bằng bút, trên tranh của tôi không có nét bút. Yếu tố thứ 4 là xem bức tranh của tôi giống như xem một thứ đồ cổ để lại. Yếu tố thứ 5 là tôi thả tranh về tự nhiên, nó là một ô cửa để về với tự nhiên.

PV: Sắp tới anh có dự định phát triển những tác phẩm của anh đến gần với công chúng hơn không?

Họa sĩ Trần Quốc Hưng:Tôi nghĩ ai làm nghệ thuật cũng mong mỏi làm thế nào để nghệ thuật phổ thông, để cộng đồng đón nhận được nét đẹp trong các sáng tạo của mình. Càng nhiều đón nhận thì mình càng phổ cập được cái nét đẹp tự nhiên. Cho nên sắp tới, những bức tranh sơn mài của tôi dù đã hoàn thành hay đang vẽ, tôi vẫn sẽ phát huy tính tự nhiên ở màu sắc, chất liệu phong phú, gần gũi với đời thường.

PV:Cảm ơn họa sĩ Trần Quốc Hưng./.