Hơn 1 tuần ra mắt, bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, kịch bản dựa theo tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đang gây bão tại các rạp chiếu. Khen - chê đều có, song, hiện tượng khán giả ở nhiều độ tuổi xếp hàng dài để chờ xem một bộ phim Việt giữa hàng chục phim ngoại cũng đã là một thành công.

Chỉ sau ít ngày ra mắt công chúng, trên mạng đã xuất hiện bản chiếu lậu khiến những nhà làm phim lo phát sốt. Nhưng họ cũng thấy phấn khởi vì chỉ sau ít ngày công chiếu, bộ phim trở thành tâm điểm trên các diễn đàn xã hội.

Sức nóng từ 2 thương hiệu

Cuộc hội ngộ giữa hai “thương hiệu”: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh (nhà văn hàng đầu Việt Nam chuyên viết cho thiếu nhi) và đạo diễn Victor Vũ - đạo diễn Việt kiều Mỹ từng được biết đến với các bộ phim: Cô dâu đại chiến, Oan hồn, Thiên mệnh anh hùng, Quả tim máu, Giao lộ định mệnh…, đủ tạo nên sức nóng cho bộ phim.

 

v4_xspo_fzjd.jpg
Đạo diễn Victor Vũ trao đổi với diễn viên Thịnh Vinh (Thiều) trên phim trường.
Tại các rạp chiếu, số ca chiếu tăng lên gấp 2 - 3 lần những bộ phim chiếu cùng thời điểm, khán giả xếp hàng dài, dừng lịch chiếu sớm hơn dự kiến của “Everest” tại rạp chiếu Megastar Royal City Hà Nội để nhường phòng chiếu cho “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”. Bên cạnh số đông là khán giả tuổi teen, không khó khăn khi nhìn thấy những gương mặt khán giả là những người đứng tuổi.

Hầu hết các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, với những độc giả là người lớn tuổi, như một vé trở về tuổi thơ với những cảm xúc mộc mạc, trong trẻo. Và “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” cũng không phải là một ngoại lệ. Khi tác phẩm này được chuyển thành phim, trước hết sẽ cuốn hút những ai từng đọc tác phẩm và yêu quý nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. 

 

Hình ảnh khán giả xếp hàng mua vé "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" tại các rạp.
Khi hình ảnh độc giả xếp hàng dài mua sách và chờ xin chữ ký mỗi khi nhà văn Nguyễn Nhật Ánh ra mắt sách đã trở nên khá quen thuộc, thì cũng không có gì ngạc nhiên khi một tác phẩm điện ảnh được xây dựng từ tác phẩm của ông cũng khiến khán giả xếp hàng mua vé, đặc biệt bộ phim đó lại do Victor Vũ đạo diễn. Sức nóng từ 2 thương hiệu đủ tạo nên sức nóng cho một bộ phim.

Mặc dù không có gương mặt ngôi sao, nhưng “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” dẫn dắt người xem ngay từ những giai điệu, ca từ đầy cảm xúc của ca khúc mang đậm âm hưởng của âm nhạc dân tộc là “Thằng cuội” mở đầu phim. Những cảnh quay đẹp như tranh vẽ của nông thôn Việt Nam, hình ảnh chơi chọi gà cùng những trò nghịch dại… đưa người xem thế hệ 7X, 8X trở về thời thơ ấu.

Đừng đặt lên vai phim Việt sứ mệnh phim “bom tấn”

Phần lớn các tác phẩm điện ảnh Việt Nam tạo ấn tượng với khán giả được xây dựng từ tác phẩm văn học như: Mùa len trâu, Cánh đồng bất tận, Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm, Tiếng khèn môi sau bờ rào đá, Phiên bản, Quyên… Tuy nhiên, với những tác phẩm văn học vốn từng thu hút độc giả, thì việc so sánh khi được dựng thành phim là khó tránh khỏi, bởi tình yêu nhiều khi cảm tính. Gần đây nhất, 3 bộ phim được xây dựng từ 3 tác phẩm văn học là “Hương ga” (“tác phẩm “Phiên bản” của nhà văn Nguyễn Đình Tú), Quyên (tác phẩm cùng tên của nhà văn của Nguyễn Văn Thọ) và “Tôi đã thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh).

 

Một cảnh trong phim "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh".
Phần lớn những khán giả chưa thực sự hài lòng với bộ phim lại cũng chính là những độc giả trung thành của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Họ đến với bộ phim vì tác phẩm và họ không hài lòng về bộ phim nhiều khi cũng vì so sánh với tác phẩm. 

Tuy nhiên, như một nhà văn, người từng có tác phẩm được chuyển thể thành phim chia sẻ, ông không quan tâm nhiều lắm đến hình hài đứa con tinh thần của mình khi được hiện diện sống động qua điện ảnh, vì mỗi tác phẩm có một số phận riêng mà nếu đem so sánh thì dễ khập khiễng, nên hãy đánh giá bộ phim với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật độc lập.

Dường như có một điều chưa thực sự công bằng trong đánh giá chất lượng phim Việt khi mỗi khi có một tác phẩm điện ảnh Việt ra rạp, người xem thường đặt lên bộ phim Việt sứ mệnh của một tác phẩm điện ảnh cỡ… bom tấn. Sự kỳ vọng thái quá thường dẫn đến thất vọng nếu không được như mong muốn. Nhiều người xem thậm chí có phần ác cảm mỗi khi nhắc đến phim Việt, trong khi hàng chục bộ phim ngoại được chiếu tại rạp, con số phim “bom tấn” cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. 

Nếu chỉ đón nhận với tâm thế của một khán giả điện ảnh khi đi xem phim nội, như những bộ phim nước ngoài khác, thì sẽ có những đánh giá công bằng hơn. Thực tế trong vài năm trở lại đây, số lượng phim nội xuất hiện  ở các rạp chiếu gây ấn tượng với khán giả ngày càng tăng. Nếu so sánh với mặt bằng chung của những phim đưa ra rạp, thì phim Việt, cũng đáng để xem đấy chứ!?./.