Trên generique của phim, đạo diễn thêm hai chi tiết đáng chú ý: Một: “Tên khác của phim: “Phận”. Hai: “Phim được làm với cảm hứng từ vụ “bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ Cát Tường” và truyện ngắn “Trong rừng trúc” của nhà văn Nhật Akutagawa Ryunosuke”. So về tính thị trường, thì hẳn nhiên, cái tên phim “Phận” không hấp dẫn bằng cái tên lộ liễu câu khách là “Mất xác”.
Trong phim "Mất xác" - Tinna Tình vào vai một người phụ nữ phải đi bán thân để nuôi con. Cho dù tên theo cách nào, và đạo diễn có thành thật “khai báo” là cảm hứng, gợi ý cho việc làm phim lấy từ đâu (chắc là để khán giả đỡ dị nghị, phim giống vụ án nọ, truyện ngắn kia!), thì diễn xuất của Tinna Tình với vai người đàn bà bán thân nuôi con ở trong phim vẫn rất đáng để khán giả nói lời khen ngợi. So với một vai phụ trong phim “Long ruồi” - vai diễn đầu tiên đã mang ngay về cho Tinna giải “Nữ diễn viên phụ xuất sắc” của Giải cánh diều 2011, vai người đàn bà với thân phận bi thảm trong “Mất xác’, thực sự là một cuộc “lột xác” về diễn xuất của Tinna Tình.Về tổng thể, câu chuyện của “Mất xác” u tối và rắc rối một cách khiên cưỡng, càng xem phim về đoạn cuối, cho dù đã lờ mờ đoán được cái kết của một bộ phim tâm lý pha kinh dị, thì họ vẫn thấy sốt ruột, vì đạo diễn bối rối diễn giả và hình như không biết phải kết thúc câu chuyện thế nào cho gọn nhất. Điểm sáng của phim là nhân vật người đàn bà - làm đĩ của Tinna Tình. Trong phim, từ “đĩ” được lặp đi lặp lại nhiều lần, từ miệng nhân vật của Tinna Tình trong những đối thoại với một vài nhân vật khác, nhưng không gây cảm giác “bẩn tai” khán giả. Sự nhập vai của Tinna với những đoạn diễn tả sự đau đớn của một thân phận đàn bà khi gặp gã đàn ông sở khanh khiến khán giả có thể cảm thông cho nhân vật. Một nhân vật buồn và u tối. Xem “Mất xác” với Tinna Tình, khán giả có thể quên hết đi một Tinna Tình - cô ca sĩ hát rock hừng hực, viết tiểu thuyết, lại còn vẽ cả tranh…Vai diễn mới của Tinna Tình, rất có thể sẽ được một giải thưởng nào đó của phim ảnh Việt trong năm 2014/2015, nếu “Mất xác” được mang đi gửi dự thi./.