Dư luận lại xôn xao về một bộ phim “Sống cùng lịch sử” được nhà nước đầu tư 21 tỉ đồng nhưng không bán được vài chục vé. Dẫu biết rằng phim về đề tài lịch sử là khó làm và kén chọn khán giả nhưng việc phim vừa ra mắt đã “chết ngay tại rạp” là một thất bại nặng nề của các nhà làm phim Việt Nam. Câu chuyện một lần nữa khơi lại những câu hỏi rất cũ nhưng vẫn chưa có lời đáp với phim lịch sử của Việt Nam. Đó là tình trạng nhà làm phim không quan tâm khán giả nghĩ gì về đứa con tinh thần của mình.

Lý giải về sự chết yểu của bộ phim “ Sống cùng lịch sử” tiêu tốn 21 tỉ đồng của nhà nước, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Thanh Vân - đạo diễn phim cho rằng: do khâu quảng bá quá kém, chi phí quảng bá chỉ có 50 triệu đồng, chẳng khác gì “bỏ tiền may áo mà còn tiếc tiền làm khuy”. Ông còn đổ lỗi là do khán giả không thích xem dòng phim lịch sử Việt Nam.

phimvn_small_vdsq.jpg
Cảnh trong phim "Sống cùng lịch sử".
Tuy có phần đồng tình với lời giãi bày của đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, nhưng các nhà nghiên cứu văn hóa, phê bình điện ảnh, các đạo diễn tên tuổi khác lại cho rằng: Chuyện phim về đề tài lịch sử không hấp dẫn khán giả tồn tại đã lâu. Chỉ có điều những người có trách nhiệm với nền điện ảnh nước nhà chưa chịu lý giải đến tận cùng để tìm ra câu trả lời thấu tình đạt lý mà thôi.

Lẽ thường, trước khi sản xuất cái gì, người ta phải trả lời cho được câu hỏi: sản phẩm làm ra cho ai sử dụng? Ai sẽ bỏ tiền mua nó? Với một bộ phim, nếu không đặt mục tiêu hướng đến sự hài lòng của khán giả, phim làm ra không được khán giả đón nhận thì đó là sự lãng phí lớn công sức, tiền bạc của nước của dân. Với những bộ phim về đề tài lịch sử, lại càng không cho phép nhà sản xuất chỉ nghĩ và làm theo ý muốn chủ quan của mình mà không quan tâm khán giả nghĩ gì! Một bộ phim mà kịch bản dễ dãi, phục trang cẩu thả, lời thoại ngô nghê, giả tạo, không chạm được đến trái tim khán giả, thì việc kéo khán giả tới rạp là điều không thể. Lúc ấy, mọi ý tưởng của nhà sản xuất, dù có cao xa đến mấy cũng chỉ là con số không.

Các cơ quan quản lý văn hóa hẳn sẽ không quên bài học thất bại từ những bộ phim lịch sử chào mừng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội mới đây. Một kiểu làm phim vội vàng, cạn cợt, thiếu chiều sâu văn hóa, thiếu kiến thức lịch sử, dẫn tới các phim Lý Công Uẩn, Huyền sử thiên đô, Thái sư Trần Thủ Độ, dù được đầu tư tổng cộng hơn 200 tỉ đồng, cũng chỉ chiếu được dăm ba bữa trên truyền hình rồi lặng lẽ xếp vào kho.     

Nếu nói khán giả ngày nay quay lưng với phim lịch sử, e là một nhận định còn mang tính võ đoán. Bằng chứng là những bộ phim về đề tài chiến tranh trong những năm 60 của thế kỷ trước, bây giờ vẫn được khán giả đón nhận một cách nhiệt tình. Các nhà làm phim nước ta đã khi nào tự hỏi: Vì sao cũng bối cảnh ấy, mà những thước phim về chiến tranh ở Việt Nam do các nhà làm phim nước ngoài sản xuất lại hấp dẫn khán giả đến thế?

Ai bảo lớp trẻ ngày nay không yêu nước, không có lòng tự hào dân tộc! Chỉ có điều họ đang yêu nước theo kiểu riêng của mình: trẻ trung, sôi nổi, nhiệt thành và thực tế. Lớp trẻ ngày nay không tiếp nhận lịch sử thụ động, một chiều, lại càng không thể là một sự áp đặt chủ quan nào đó. Nói như vậy để thấy rằng để có những bộ phim về đề tài lịch sử hấp dẫn khán giả, ngoài vấn đề kinh phí, điều cốt lõi vẫn là ở cái tâm, cái tầm của nhà sản xuất. 

Lịch sử là một đề tài hay và hấp dẫn. Được đầu tư hàng chục tỉ đồng mà phim vẫn không bán được vài chục vé, bởi khán giả cảm nhận rằng những bộ phim đó nhà sản xuất không làm vì họ. Nếu làm phim mà không chạm được đến cảm xúc, không làm rung động trái tim của mỗi con người, thì cho dù là ý tưởng gì, sự lạnh nhạt của khán giả sẽ là điều không tránh khỏi!./.