Việc các phim được nhà nước tài trợ “ế khách” không phải là chuyện mới nhưng phải đến khi bộ phim “Sống cùng lịch sử” được đầu tư tới mức kỷ lục là 21 tỉ đồng hoàn toàn bằng tiền nhà nước nhưng “chết” khi ra rạp đã trở thành giọt nước tràn ly khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.
Có nhiều lí do được biện minh. Lí do đầu tiên là vì tiền dành cho quảng bá phim quá ít. 50 triệu chỉ đủ cho một cuộc họp báo giới thiệu phim. Ai cũng biết điều đó nhưng chả ai có ý định thay đổi barem được định sẵn khiến chính đạo diễn Nguyễn Thanh Vân phải thốt lên “Nó giống như cha mẹ may áo cho con nhưng lại tiếc tiền mua cái khuy để đơm vào”.
Có người đổ lỗi vì khán giả ngày nay không thích lịch sử. Tôi không tin điều đó, lịch sử luôn là chất liệu vàng cho các nhà làm phim thế giới khai thác và đem lại thành công lớn. Như vậy, một bộ phim về một chiến công “lừng lẫy địa cầu, chấn động năm châu” với kinh phí “khủng” nhưng lại không lôi kéo được người dân đến rạp là một nỗi buồn và một món nợ vô cùng lớn với văn hoá lịch sử nước nhà. Câu hỏi đặt ra là vì đâu và từ bao giờ người dân không thích những bộ phim ngay ngắn gắn mác “nhà nước” bởi họ mặc định rằng phim tuyên truyền thì “không có gì để xem”?
Ngay chính đạo diễn Nguyễn Thanh Vân trước khi làm bộ phim lịch sử có kinh phí lớn nhất của Việt Nam cũng không tự tin rằng phim của mình sẽ thu hút được đông đảo độc giả thì tại sao chúng ta vẫn quyết định đầu tư cho nó? Chuyện tương tự có lẽ chỉ tìm thấy khi người ta không tiêu tiền của mình.
Làm phim những 21 tỷ đồng mà mỗi buổi chỉ có 2-3 người mua vé thì đúng là cần xem xét lại trách nhiệm của nhà quản lý bởi đã quyết chi một khoảng tiền lớn ngân sách mà không mang lại một hiệu quả nào từ tuyên truyền đến kinh tế. Rõ ràng là sự lãng phí Ngân sách nhà nước mà một doanh nhân nghe câu chuyện này đã so bì: “Dân làm nghệ thuật sướng thật. Doanh nghiệp chúng tôi mà làm ăn như thế là có thể bị quy vào tội ‘thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước’ ngay”. Nhà báo Vũ Mạnh Cường so sánh cùng khoản tiền đó, điện ảnh Czech đã sản xuất được bộ phim "Kolya” gặt hái vô số giải thưởng quốc tế, trong đó có giải Oscar. Doanh thu phòng vé là 7,7 triệu USD.
Đã đến lúc chúng ta cần sòng phẳng trong việc đo đếm hiệu quả thực sự khi sử dụng ngân sách nhà nước. Không thể vì phim gắn mác tuyên truyền của Nhà nước mà không quan tâm đến tâm lý khán giả bởi yên tâm rằng… hiệu quả được đo đếm bằng việc sẽ…chiếu miễn phí.
Trở lại lí do đầu tiên là phim không được quảng bá tốt. Giờ đây, bộ phim này đã được người ta nhắc đến rầm rộ trên khắp các mặt báo, các trang mạng lớn nhỏ vì thế có thể coi đó như một hình thức quảng cáo miễn phí cho bộ phim. Liệu người ta sẽ ùn ùn kéo đến rạp để xem?
Cũng giống như quảng cáo Ngọc Trinh cùng dàn người mẫu chân dài mặc nội y quảng cáo cho Vietjet Air tuần qua. Sự nóng bỏng của họ có khiến hành khách ùn ùn mua vé đi Vietjet Air? “Vui vẻ” như slogan của hãng này là tốt nhưng chưa đủ. Điều hành khách muốn đâu chỉ là sự “vui vẻ”, đó phải là sự an toàn và những chuyến bay đúng giờ, đừng bay tới thành phố này lại hạ cánh nhầm xuống thành phố khác như vừa qua. Mà có vui vẻ được không khi hành khách bức xúc vì điệp khúc trễ giờ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến công việc của họ thì nhân viên Vietjet Air lại lớn tiếng quát “Anh đừng sủa nữa”(!?)./.