Sau thành công của bộ phim đầu tay mang tên “Mất Gốc”, một nhóm các bạn trẻ Việt Nam đang sinh sống tại Cộng hòa  Séc đã quyết định khởi quay phần tiếp theo của loạt phim ngắn về đề tài gia đình, với mong muốn các thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài phải biết trân trọng và gìn giữ nguồn gốc của mình.

boi_canh_quay_phan_2_dien_ra_tai_chinh_cua_hang_tap_phamvov__kzas.jpg
Bối cảnh của bộ phim.

Nội dung phim xoay quanh những bất đồng trong quan điểm sống và cách tháo gỡ những nút thắt của hai thế hệ trong cùng một gia đình người Việt trên đất Séc. Hai cậu con trai của chủ một cửa hàng bán tạp phẩm có nhiều cơ hội được tiếp cận với văn hóa phương Tây từ ngay hồi còn bé. Và chính văn hóa phương Tây đó đã ngấm dần vào trong tư tưởng của các cậu theo năm tháng để rồi hơn 20 năm sau đã có những bất đồng nảy sinh trong suy nghĩ và lối sống giữa họ và người cha.

Ông Dương Văn Hải, chủ của hàng tạp phẩm và là cha của hai nhân vật chính trong phim, cho biết cuộc sống bươn chải của những người Việt sang đất Séc hơn hai thập kỷ trước không cho phép họ có nhiều thời gian và tiền bạc để chăm chút cho con cái như bây giờ. Dù cố gắng nhiều, nhưng việc duy trì truyền thống văn hóa Việt trong gia đình không phải là dễ và những xung đột trong quan điểm sống là hoàn toàn không thể tránh khỏi.

Ông Hải nói: "Văn hóa Việt trong gia đình, với người lớn thì không thể mất được, nhưng với trẻ con thì rất là khó (giữ), có thể 50/50 đã là khó rồi, thậm chí là 30/70. Do đó muốn duy trì văn hóa Việt Nam thì phải xuất phát từ trong gia đình, rồi đến từ cộng đồng, vì thực tế các cháu đẻ và học bên này, nên văn hóa Việt duy trì được rất ít".

Ông Dương Văn Hải - chủ cửa hàng tạp phẩm và là bố của hai nhân vật chính trong phim- người luôn mong muốn các con, cháu gìn giữ giá trị truyền thống gia đình.

Xung đột trong quan điểm sống ngày một lớn dần giữa hai thế hệ trong một gia đình. Người cha luôn mong muốn con duy trì nề nếp sinh hoạt gia đình thông qua sự có mặt đầy đủ của các thành viên gia đình trong các bữa ăn hàng ngày hay thực hành nói tiếng Việt bất cứ khi nào có thể. Ông cũng muốn con mình tập trung vào công việc kinh doanh cửa hàng để tạo dựng một cuộc sống tốt đẹp trong tương lai. Trong khi đó hai người con không muốn mình bị gò bó nhiều vào khuôn phép gia đình mà thay vào đó họ thích tham gia vào các hoạt động giải trí bên ngoài với các bạn cùng lứa tuổi để tận hưởng nhịp sống hiện đại bên trời Âu.

Về Việt Nam, hai anh em khám phá cuộc sống thành phố.

Sau những lời khuyên không thành, người cha quyết định gửi các con về quê ở Việt Nam một thời gian, một phần để các con được trải nghiệm cuộc sống vất vả chốn quê nhà, một phần ông muốn các con có thời gian chiêm nghiệm triết lý sống của lớp người đi trước. Những ngày đầu sống ở quê quả là khó khăn cho hai chàng trai trẻ vốn được nuôi dưỡng trong môi trường hoàn toàn khác biệt và hầu như không có khái niệm về văn hóa Việt Nam. Mọi cái đều trở nên xa lạ đối với họ, từ cách họ chào hỏi, đi, đứng, ăn uống, ngủ, nghỉ, cho tới cách giao tiếp hàng ngày, và điều đó làm cho họ cảm thấy mệt mỏi và chán nản. Họ thậm chí phải dậy sớm cuốc đất, làm vườn, hay tham gia lớp học tiếng Việt để có thể giao tiếp với người thân và hàng xóm.

Tại Việt Nam, họ phải học tiếng Việt để giao tiếp với mọi người.

Nhưng càng đi sâu vào tìm hiểu, họ càng khám phá được nhiều điều thú vị về văn hóa Việt Nam, về giá trị của truyền thống gia đình, của nguồn cội mà họ cho rằng họ sẽ không thể đánh mất được. Anh Dương Việt Đức, đạo diễn, nhà biên kịch, đồng thời là một trong hai nhân vật chính của bộ phim, chia sẻ chuyến đi thực tế trải nghiệm ở quê nhà đã giúp anh tìm ra câu trả lời tại sao từ trước đến nay anh luôn có nhiều suy nghĩ khác người cha, và qua đây anh càng quí trọng những lời khuyên cũng như tình cảm mà cha dành cho mình.

"Giá trị truyền thống rất quan trọng trong gia đình của tôi, bởi tôi luôn yêu quí và trân trọng cha mẹ tôi. Tôi không muốn đánh mất nguồn cội của mình. Có thể tôi không còn 100% là người Việt Nam theo đúng nghĩa, nhưng tôi nghĩ tôi vẫn có thể có cơ hội được quay trở lại để tìm hiểu và được bù đắp những gì đã mất bởi giờ đây tôi đã trưởng thành hơn và nhận ra được điều đó", Anh Đức chia sẻ.

Ngay khi ra mắt năm 2014, bộ phim ngắn đầu tay của các bạn trẻ đã nhận được sự ủng hộ của cộng đồng người Việt và công chúng người Séc. Sản phẩm đã được lựa chọn tham gia các liên hoan phim ngắn quốc tế tại Mỹ, Séc, Slovakia, Croatia hay Luxembourg. Bộ phim được đánh giá cao khi nó phản ánh một cách chân thực cuộc sống của hai thế hệ cha-con người Việt trong cùng một gia đình. Quan trọng hơn, bộ phim gửi một thông điệp tới thế hệ trẻ người Việt là cho dù họ sống và làm việc ở bất kỳ đâu trên thế giới, họ không được quên nguồn gốc của mình.  

Nhà sản xuất phim Jan Syrucek hy vọng phần 2 này sẽ giúp người dân CH Séc hiểu hơn về các mối quan hệ trong gia đình người Việt sinh sống tại CH Séc.

Anh Jan Syrucek, nhà sản xuất phim, cho biết những phản hồi tích cực từ phía khán giả Việt và Séc đã tạo nguồn cảm hứng cho đoàn làm phim đi tới quyết định khởi quay phần tiếp theo của bộ phim. Theo anh, đây là một bộ phim rất thú vị về đề tài gia đình và người Séc rất muốn tìm hiểu về văn hóa của người Việt Nam thông qua cuộc sống của cộng đồng người Việt tại đây.

Anh Jan chia sẻ: "Tại Cộng hòa Séc có tới hàng chục nghìn người Việt sinh sống, nhưng hầu hết người dân Séc không biết nhiều về họ. Chúng tôi chỉ biết một điều người Việt có nhiều cửa hàng bán tạp phẩm mở cửa tất cả các ngày, từ sáng đến tối, và không biết là có nhiều câu chuyện xảy ra đằng sau cuộc sống mưu sinh vất vả ấy. Đó là thế hệ trẻ có cuộc sống hoàn toàn khác với thế hệ cha chú của họ. Vì vậy tôi nghĩ thật thú vị khi bộ phim lột tả một phần nào đó về cuộc sống của cộng đồng người Việt tại đất nước của chúng tôi".    

Hiện tại phần tiếp theo của bộ phim đang trong quá trình quay những cảnh đầu tiên. Dự kiến bộ phim sẽ được hoàn thành vào tháng Giêng năm 2017 và ra mắt khán giả vài tháng sau đó. Giống như phần 1, phần 2 cũng sẽ được giới thiệu tham gia các liên hoan phim ngắn có uy tín trên thế giới)./.