Đã từ lâu tôi mong ước có ngày trở lại thăm nước Nga, và ước mơ đó bỗng nhiên trở thành hiện thực khi tháng 6 vừa qua tôi nhận được thư của BTC Liên hoan phim Moskva mời làm Chủ tịch BGK Giải NETPAC chấm phim châu Á (1 trong 4 giải thưởng song song bên cạnh giải thưởng chính George Vàng). Tôi từng tham dự nhiều LHP quốc tế, nhưng đây là lần tôi hồi hộp mong chờ nhất.

dao_dien_dang_nhat_minh_hzbt.jpeg
CNSND Đặng Nhật Minh (thứ 2 trái sang) và Ban giám khảo NETPAC trao giải thưởng cho phim Hàn Quốc.

Kể từ lần cuối cùng đến đây với bộ phim “Hà Nội - Mùa đông năm 46” đến nay đã 20 năm trôi qua. Báo chí Việt Nam tràn ngập tin về các LHP Cannes, Venice, Berlin, về lễ trao giải Oscar bên Mỹ… nhưng không có một dòng nào về LHP Moskva!

Duyên nợ với điện ảnh Việt Nam

LHP quốc tế Moskva ra đời năm 1935, là một trong hai LHP quốc tế lâu đời nhất, chỉ sau LHP Venice của Italia ra đời năm 1932. LHP bị gián đoạn bởi Chiến tranh Thế giới 2, đến năm 1959 mới khôi phục lại và được gọi là LHP quốc tế Moskva lần thứ nhất.

Năm nay đã là LHP lần thứ 39, quy mô và hình thức tổ chức không rầm rộ bằng trước. Không có các chuyến đi tham quan cho các đại biểu, không có phong bì cho các khách mời cũng như thù lao cho các thành viên BGK.

Tuy vậy, đây vẫn là một trong những LHP hạng A bề thế không kém gì Cannes, Venice hay Berlin qua vài con số: Có 406 phim đến từ 64 quốc gia, 35.000 khán giả đến xem phim trong thời gian LHP, 8.069 người tham dự (2.233 nhà báo và 5.836 khách mời).

Có thể nói LHP Moskva là một LHP quốc tế duyên nợ nhất với điện ảnh Việt Nam. Ngay từ LHP lần thứ nhất năm 1959, điện ảnh Việt Nam đã có mặt với bộ phim truyện đầu tiên của mình - “Chung một dòng sông”. Tiếp theo là những giải thưởng cao quý: Giải bạc cho phim “Chị Tư Hậu” của đạo diễn Phạm Kỳ Nam, Giải nữ diễn viên xuất sắc cho Trà Giang trong phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” và đỉnh cao là Giải vàng cho phim “Cánh đồng hoang” của đạo diễn Nguyễn Hồng Sến năm 1981.

Một loạt giải thưởng cao khác trong lĩnh vực tài liệu như “Nước về Bắc Hưng Hải”, “Lũy thép Vĩnh Linh”, “Đầu sóng ngọn gió”, “Những người săn thú trên đỉnh núi Đăk sao”… Trước đây Việt Nam bao giờ cũng là một trong những đoàn điện ảnh hùng hậu nhất tại LHP này (trên dưới 20 người).

Nhưng 20 năm nay điện ảnh Việt Nam hoàn toàn vắng bóng, không có một phim nào được giới thiệu tại đây, kể cả trong các chương trình phụ. Trong khi đó, tại LHP năm nay, các nước Đông Nam Á khác đều có phim. Tôi ngạc nhiên thấy trong chương trình có đến 3 phim của Triều Tiên.

Điện ảnh Việt Nam một thời oanh liệt nay hầu như đã bị lãng quên tại diễn đàn điện ảnh quan trọng này. Sự hiện diện của tôi ở đây không phải là một gạch nối giữa LHP này và điện ảnh Việt Nam. Tôi chỉ là người được NETPAC (Tổ chức xúc tiến điện ảnh Châu Á) tiến cử và được LHP chấp nhận như người đại diện của tổ chức đó.

Một tuần Liên hoan phim

Ban giám khảo NETPAC có 4 người. Ngoài tôi còn có nhà phê bình phim Mỹ, đạo diễn Nga và một sư nữ kiêm đạo diễn người Hàn Quốc. BTC LHP đã chọn ra 12 phim Châu Á để trao giải NETPAC cho 1 phim hay nhất. Mỗi ngày xem 2 phim, có ngày xem 3 phim.

Công việc không đến nỗi vất vả ngoại trừ ngày cuối cùng xem 3 phim với 1 phim đen trắng “Người đàn bà đã ra đi” của Philippines dài 4 tiếng. Nhưng đó lại là phim để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất. Vì phim vừa được giải thưởng tại LHP Venice 2 tháng trước nên chúng tôi quyết định dành giải NETPAC cho phim của đạo diễn trẻ Hàn Quốc có tên “Người bình thường” (Ordinary Person).

Bộ phim kinh điển “Moskva không tin vào những giọt nước mắt”của điện ảnh Nga. 

Cái tên phim nghe hiền như vậy nhưng phim lại dữ dội, không bình thường chút nào. Thoạt đầu tưởng đây là một phim hình sự với nhân vật chính là một viên cảnh sát điều tra tội phạm. Nhưng càng về sau phim lại mang yếu tố xã hội sâu sắc, lên án sự cấu kết giữa các thế lực đen tối và giới tòa án trong một thể chế độc tài ở Hàn Quốc trước đây. Diễn viên nam chính của phim này còn được giải của BGK chính cho vai diễn của mình.

Ngoài những phim Châu Á có nhiệm vụ phải xem, tôi tranh thủ xem một số phim mới của điện ảnh Nga. Nhìn chung các phim đó đều tiếp nối mạch chung của điện ảnh Xô Viết trước đây mà tôi đã biết: Đề cập đến những vấn đề xã hội, gần gũi với cuộc sống, với những con người bình thường… Tôi tò mò muốn biết điện ảnh Nga có làm các phim thương mại giải trí như ở ta không, nhưng trong LHP này tôi không thấy. Nói chung ở các LHP khác loại phim này cũng không được giới thiệu vì không phải là dòng phim chủ đạo của điện ảnh thế giới nên không được quan tâm.

Theo thông lệ của các LHP quốc tế, các giải song song của LHP được trao tại cuộc họp báo vào buổi sáng trước đêm bế mạc 29.6. Lễ bế mạc chỉ dành để công bố các giải cho các phim chính thức dự thi. Cũng như các LHP ở ta, lễ bế mạc cũng có thảm đỏ cùng 3 tiết mục văn nghệ. Không có cảnh từng đôi nam nữ khoác tay nhau lên bóc phong bì công bố giải. Đó là việc của các trưởng ban giám khảo, những người có đủ tư cách nhất để công bố và nói lý do trao giải.

Giải George Vàng (mang tên vị Thánh bảo hộ cho thủ đô Moskva) được trao cho phim của Trung Quốc “Chim mào nhọn”. Nhân vật chính của phim là một nhà báo đi điều tra về một giống chim quý hiếm ở quê hương mình.

Năm nay LHP có thêm một giải thưởng mới: Giải của Thị trưởng thành phố Moskva vì “Xây dựng hình ảnh thủ đô trong điện ảnh”. Giải nhất được trao cho phim “Về tình yêu” của nữ đạo diễn trẻ Ana Melinkian kèm theo 5 triệu rúp (hơn 80.000 USD). Giải nhì kèm theo 3 triệu và giải ba kèm theo 2 triệu rúp. Đây là giải thưởng duy nhất có kèm theo hiện vật tại LHP.

Màn trao giải cuối cùng - Giải Stanislapski dành cho toàn bộ sự nghiệp diễn xuất của một diễn viên. Khi Chủ tịch LHP - đạo diễn Nikita Mikhalcov xướng tên Michele Placido - diễn viên Italia nổi tiếng với vai thanh tra Catania trong phim “Bạch tuộc” không xa lạ gì với khán giả Nga và cả thế giới, trong đó có Việt Nam - thì cả hội trường vỡ òa trong tiếng vỗ tay tán thưởng. Placido coi đây là phần thưởng cao quý nhất, ngang với giải Oscar, bởi Stanislapski là người thầy của tất cả các diễn viên trên thế giới, bất kể Italia, Pháp, Nga hay Mỹ…

Ông buồn rầu nhắc lại rằng chỉ một tuần trước đây, nước Italia cùng các nước khác trong Liên minh châu Âu đã quyết định gia hạn trừng phạt nước Nga thêm 6 tháng nữa, rồi ông nói: “Vậy mà hôm nay các bạn lại trao cho tôi phần thưởng cao quý này. Thật bất công. Tôi cảm thấy xấu hổ vô cùng”. Nikita Mikhalcov liền ôm lấy Placido, nói to: “Không có sự trừng phạt nào giữa các nghệ sĩ chúng ta. Chúng ta đáp trả sự trừng phạt đó bằng sự sáng tạo”. Có lẽ đó là giây phút ấn tượng nhất mà tôi có được trong đêm kết thúc LHP Moskva lần thứ 39./.