Việt hóa kịch bản: “chơi dao hai lưỡi”?
Nhiều năm trở lại đây, thay vì nhập nguyên tác một bộ phim của nước ngoài và chỉ cần chuyển ngữ hoặc lồng tiếng để phát sóng như những năm của thập niên 90 thì truyền hình đang có xu hướng sản xuất những bộ phim đã được Việt hóa kịch bản. Với xu hướng này, truyền hình đã mang đến cho khán giả những câu chuyện phim gần gũi hơn, phù hợp với tâm lý khán giả hơn… Nhưng theo nhiều người là cũng tựa như “chơi dao hai lưỡi” vì mức độ thành bại khó đo lường.
Nhiều bộ phim Việt hóa kịch bản đã gặt hái được những thành công đáng kể như: Cô gái xấu xí (Colombia); Cầu vồng tình yêu, Mùi ngò gai(Hàn Quốc)… Ở thời điểm hiện tại, hai bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” và “Người phán xử” cũng đang “làm mưa, làm gió” màn ảnh.
“Người phán xử” là một bộ phim truyền hình chuyển thể từ kịch bản của Israel. Khi Việt hóa phim, các nhà biên kịch đã “lái” kịch bản theo hướng nói về cuộc chiến tranh giành quyền lực trong thế giới ngầm nhiều góc khuất. Ông trùm Phan Quân (NSND Hoàng Dũng đóng) yêu thương gia đình nhưng cũng rất đa mưu túc trí trong làm ăn kinh doanh. Đặc biệt, trong giới giang hồ, ông đóng vai trò như một “người phán xử”, chuyên đứng ra xét xử các mâu thuẫn tranh chấp không thể đưa ra pháp luật của thế giới ngầm.
Bên cạnh đó, kịch bản Việt cũng phải tối giản các cảnh sex, bạo lực, đâm chém… Theo NSƯT Đỗ Thanh Hải - Giám đốc VFC, khi Việt hóa kịch bản, nhân vật Diễm My - con dâu Phan Quân gần như phải viết lại toàn bộ. Trong kịch bản gốc đời sống tình cảm của vợ chồng Diễm My - Phan Hải và cô bồ rất phức tạp, rất nhiều cảnh nóng nhưng khi làm phim phải cân nhắc và khai thác phù hợp văn hóa người Việt.
Phim trở thành bộ phim truyền hình tâm lý tội phạm đầu tiên do Việt Nam sản xuất. Lần đầu tiên, nhân vật trung tâm của bộ phim lại là một ông trùm trong giới tội phạm thay vì các nhân vật chính diện như các tác phẩm thông thường.
“Sống chung với mẹ chồng” được biên kịch Đặng Thiếu Ngân chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Trung Quốc. Tiểu thuyết gốc xoay quanh cuộc sống của cô gái trẻ Hy Lôi với bà mẹ chồng Phương Xảo Trân, người đàn bà đảm đang, yêu con trai nhưng cũng rất khắc nghiệt với con dâu. Bộ phim khi Việt hóa vẫn dựa trên nền tảng cơ bản đó nhưng đã được thêm thắt nhiều tình tiết để phù hợp với đời sống và văn hóa Việt Nam. Ngay khi vừa phát sóng, bộ phim đã tạo nên những dư luận trái chiều, trong đó nhiều người lên án về tính bất hợp lý, không điển hình và thiếu tính giáo dục.
“Đỏ mắt” tìm kịch bản phim thuần Việt mà vẫn không ra
Nhiều người cho rằng, việc Việt hóa kịch bản phim nước ngoài cho thấy sự ảm đạm của “thị trường” kịch bản. Những năm gần đây, kịch bản thuần Việt gần như vô cùng khan hiếm. Các nhà sản xuất “đỏ mắt” đi tìm kịch bản nhưng vẫn không ra, có ra thì cũng chỉ là những thứ “cơm nguội khó nhằn”. Trong khi đó, theo nhiều đạo diễn là kịch bản chiếm tới 60% sự thành công của phim.
Đạo diễn Lê Dân cho rằng, tất cả các tác phẩm điện ảnh và truyền hình đều xuất phát từ kịch bản. Không có đạo diễn nào bắt tay vào việc thực hiện phim mà không có sẵn một kịch bản trong tay. Bộ phim khi hoàn tất sẽ thành công hay thất bại, phần lớn cũng do kịch bản đặc sắc hay tầm thường, hoặc yếu kém. Để có được một bộ phim đặc sắc về nội dung lẫn hình thức, nhất thiết phải bắt đầu từ một kịch bản hoàn chỉnh.
Những người độc thân vui vẻ đã phải ngừng phát sóng vì không đạt được thành công như mong đợi. Ảnh: TL.
Trong hội thảo liên quan đến phim Việt ở Triển lãm quốc tế Telefilm 2017 diễn ra mới đây tại TP.HCM, việc Việt hóa kịch bản phim ngoại đã được nhiều chuyên gia đề cập tới. Trong đó, có người nhấn mạnh rằng, việc Việt hóa kịch bản phim ngoại cũng như “chơi dao hai lưỡi” vì việc Việt hóa kịch bản phim không hẳn lúc nào cũng thành công.
Bằng chứng là trong lịch sử phim truyền hình Việt đã có nhiều bộ phim Việt hóa kịch bản được xem là “thảm hoạ” như: “Ngôi nhà hạnh phúc” do Vũ Ngọc Đãng đạo diễn bị xem là bản "copy" bị lỗi của “Full house” xứ Hàn; “Váy hồng tầng 24” Việt hóa từ phim truyền hình “Unbeatable 1” xứ Đài cũng bị chê tả tơi; “Những người độc thân vui vẻ” được Việt hóa từ nguyên tác gốc của Trung Quốc cũng đã buộc phải ngừng sản xuất ở tập 171 (dự kiến ban đầu 500 tập) do không đạt được thành công như mong đợi…
Bên cạnh đó, nhiều nhà làm phim cũng cho rằng, việc Việt hóa kịch bản phim đồng nghĩa với việc hướng tới mục tiêu doanh thu hơn là những sáng tạo trong nghề. Mặc dù, để Việt hóa thành công cũng không phải là chuyện đơn giản.
Cũng có ý kiến cho rằng, xu hướng Việt hóa phim ngoại chỉ là một trào lưu mang tính thay đổi khẩu vị cho khán giả trong nước. Và trào lưu này đáng buồn xen lẫn đáng lo. Đáng buồn vì dù phim có ăn khách đến mấy cũng không thể là niềm tự hào tại kỳ liên hoan phim hoặc các giải thưởng mang tính chuyên ngành. Cụ thể, hai mùa Cánh diều trở lại đây, các phim Việt có yếu tố ngoại lai đã bị loại ngay từ “vòng gửi xe”. Bên cạnh đó, xu hướng này cũng sẽ góp phần khiến cho thị trường kịch bản Việt vốn đã thụ động nay lại càng thụ động. Yếu tố kích thích thị trường sẽ bị biến mất theo thời gian nếu các nhà làm phim vẫn chạy theo trào lưu Việt hoá.
Một số nhà làm phim cảm khắt khe hơn lại nhìn nhận, việc Việt hóa kịch bản phim tựa như “lối đi cùng đường” của các nhà làm phim Việt. Và đây là lối đi mà các nhà làm phim buộc phải chọn để duy trì sự sống còn của nghề bởi không có cách làm nào khác./.