Hãng phim truyện Việt Nam vốn là một hãng phim Nhà nước có bề dày lịch sử, với những bộ phim được đánh giá cao về nghệ thuật và đã ghi dấu trong lòng người yêu điện ảnh như: “Em bé Hà Nội”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Vợ chồng A Phủ”, “Mùi cỏ cháy”, “Trái tim bé bỏng”, “Những người viết huyền thoại”.
Tuy nhiên không phải bộ phim hay nào cũng mang lại lợi nhuận cao về cho Hãng. Mặc dù doanh thu của các bộ phim được làm bằng tiền của Nhà nước ít khi được công khai, nhưng nhìn vào số lượng người xem thưa thớt tại các rạp, người ta có thể ước tính được doanh thu của phim. NSND Vương Đức, Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam chia sẻ: “Cá nhân tôi không thích thú gì việc cổ phần hóa, thậm chí là đau xót, tủi thân khi mà Nhà nước không cần chúng tôi nữa. Đấy là tâm trạng của hầu hết anh em cán bộ Hãng phim truyện Việt Nam. Chúng tôi là đơn vị được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập, là cái nôi của điện ảnh cả nước. Chúng tôi đã làm việc rất nhiều thế hệ, đóng góp thành tựu rất là lớn cho đến ngày hôm nay. Thế mà bây giờ chúng tôi thấy rằng cổ phần còn hơn là chết. Và trong trường hợp thế thì không nên chết mà nên cổ phần”.
Thực tế là từ 20 năm nay, Hãng phim truyện Việt Nam đã thua lỗ lũy kế lên đến gần 40 tỷ đồng. Bởi vậy, khi đưa ra cổ phần hóa, giá trị thương hiệu của Hãng được định giá là 0 đồng. Cổ phần hóa là con đường tất yếu. Tuy nhiên điều các nhà làm phim của Hãng phim truyện Việt Nam trăn trở là Hãng sẽ hoạt động như thế nào trong tương lại?
Bởi nói như Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thanh Vân, Hãng phim truyện Việt Nam vốn chỉ có truyền thống là sản xuất phim mà không có khâu phát hành, phổ biến phim. Nay lại chịu sự quản lý của một đơn vị không có kinh nghiệm về điện ảnh là Tổng công ty vận tải thủy, vậy liệu Hãng có thể tồn tại trong tương lai? NSND Nguyễn Thanh Vân chia sẻ: “Thời điểm tới tôi rất là lo ngại, bởi với một Hãng có chiều dày về sản xuất phim mà không có phần đầu là nhà sản xuất và không có phần cuối là nhà phát hành. Thì hãng phim truyện Việt Nam có truyền thống là chỉ có quãng giữa thôi và chỉ là một người rất là to xác nhưng lẫm chẫm đi trên thị trường này. Tôi không biết là bao nhiêu năm để Hãng phim truyện này hòa nhập mạnh khỏe với thị trường”.
Lý do của những xôn xao bàn tán khi Hãng phim truyện Việt Nam tìm được nhà đầu tư chiến lược để xúc tiến việc cổ phần sau gần chục năm chậm trễ, thật ra cũng bởi nhà đầu tư là Tổng công ty vận tải thủy – một đơn vị chẳng liên quan gì tới điện ảnh và họ chỉ phải bỏ ra 32,5 tỷ đồng đã có thể nắm giữ 65% cổ phần trong Hãng. Số cổ phần còn lại được chia theo phương án: 20% do Nhà nước nắm giữ; 4,5% do cán bộ, công nhân viên nắm giữ; đấu giá công khai 10,5%.
Theo Thứ trưởng Bộ văn hóa Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái, việc Tổng công ty vận tải thủy trở thành nhà đầu tư chiến lược cũng bởi không có nhiều đơn vị, doanh nghiệp “mặn mà” với Hãng phim. Minh chứng là sau khi công khai cổ phần và tìm nhà đầu tư chiến lược, chỉ có duy nhất Tổng công ty Vận tải thủy đáp ứng được các yêu cầu: cam kết 90% doanh thu từ công ty cổ phần phải từ sản xuất phim; trả hết nợ cho hãng; toàn bộ số tiền thu được từ việc cổ phần hóa được dùng để sản xuất phim, xây dựng cơ sở vật chất…Bên cạnh đó, còn cam kết Nhà nước có 3 người đại diện cho phần vốn Nhà nước tham gia vào bộ máy lãnh đạo công ty cổ phần. Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái cho biết: “Hãng phim vừa qua quá lỗ. Nếu chúng ta cứ để Hãng phim truyện Việt Nam như hiện tại thì dần dần là không có tiền nuôi cán bộ công nhân viên. Hiện nay lương của cán bộ, công nhân viên hãng chỉ nhận được 50% lương tối thiểu của người ta. Bởi hãng chủ yếu sống bằng đặt hàng phim, trước đây anh em cũng cố tình đặt hàng cho hãng phim, để hãng phim có tiền nuôi sống bộ máy nhưng tới đây theo cơ chế mới phải đấu thầu trong đặt hàng phim như thế các hãng phim tư nhân cũng có cơ hội nhận đặt hàng những phim chính trị. Như thế sẽ rất khó cho hãng phim nếu chúng ta để tình trạng hãng phim như thế này”.
Có thể thấy cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam không phải là xóa bỏ hãng phim. Mà chỉ đơn giản là trước đây Hãng phim thuộc quyền sở hữu và quản lý của nhà nước thì bây giờ, quyền đó thuộc về tư nhân. Vấn đề còn lại là từ đây, hoạt động dưới cái tên mới, các nhà làm phim của Hãng cần phải thay đổi quyết liệt, mạnh mẽ, xóa bỏ sự trì trệ, dựa dẫm vào Nhà nước cũng như sống đúng với năng lực bản thân.
Điều mà công chúng, những người yêu điện ảnh Việt Nam trông chờ là liệu Tổng công ty vận tải thủy có thực hiện đúng cam kết tạo môi trường mới cho các nhà làm phim của Hãng được phát triển nghề nghiệp và cống hiến cho điện ảnh nước nhà. Câu trả lời, theo nhiều người - vẫn nằm ở thì tương lai./.