Chỉ còn ít ngày nữa là Giải Cánh Diều của Hội Điện ảnh Việt Nam trao giải. Nhìn vào số lượng phim tham dự có thể thấy khá lạc quan: tổng cộng 118 phim, 5 công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh đăng ký dự giải. Trong đó có 19 phim truyện điện ảnh, 20 phim truyện truyền hình,13 phim hoạt hình, 39 phim tài liệu, 11 phim khoa học, 16 phim ngắn và 5 tác phẩm công trình nghiên cứu, lý luận phê bình điện ảnh.
Nhưng điều đáng buồn nhất, trong hạng mục phim truyện điện ảnh, vắng mặt toàn bộ các hãng phim Nhà nước, xem như Giải Cánh Diều năm nay là cuộc đua của các hãng phim tư nhân phía Nam. Phải chăng điện ảnh Nhà nước đang ở những quãng “lặng” và dần đánh mất vị trí “đầu tầu” của mình?
Điện ảnh tư nhân năng động- Điện ảnh Nhà nước buông xuôi?
Gần 50 bộ phim Việt được ra rạp trong năm 2016 và 100% trong số đó là của tư nhân sản xuất. Không phải phim nào ra rạp cũng thành công, thậm chí năm 2016, không có phim Việt nào ra rạp lặp lại cơn sốt như cuối năm 2015 với “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Em là bà nội của anh”. Phim doanh thu “khủng” nhất cũng chỉ là hòa vốn.
Phim "Em là bà nội của anh" có doanh thu cao nhưng kịch bản gốc được chuyển thể từ Hàn Quốc |
Khép lại năm 2016, một năm tiếp tục là thách thức lớn đối với các nhà làm phim Việt khi lĩnh vực sản xuất, điện ảnh Việt Nam ghi dấu thành công duy nhất về số lượng phim. Nhưng số lượng chưa đi đôi với chất lượng. Sự “xuống tay” và “hết vở” của một số đạo diễn và diễn viên Việt kiều thể hiện ở những bộ phim quảng cáo rùm beng nhưng ra rạp không thành công.
Trong số phim ra rạp cũng không ít phim “thảm họa”, và thấy rõ xu hướng “thị trường” thiên về các đề tài hài, kinh dị, hành động… Phim tình cảm, tâm lý xã hội không nhiều và phần lớn lại khai thác những đề tài khá dị biệt. Đặc biệt gần như dòng phim nghệ thuật không có.
Nhưng cho dù thắng hay thua, các nhà sản xuất phim tư nhân vẫn luôn có những dự án tiếp nối, để tháng nào cũng có ít nhất từ 3- 5 phim Việt ra rạp, không để “trống” thị trường. Để phim Việt luôn có mặt “đấu” cùng các phim ngoại, như một cách giữ thị trường, giữ khán giả, và kiếm cơ hội thu lợi nhuận.
Còn với các hãng phim Nhà nước, điển hình nhất hai “thương hiệu” hàng đầu của điện ảnh cách mạng Việt Nam là Hãng phim truyện Việt Nam (phía Bắc), Hãng phim Giải Phóng (phía Nam), trong cả năm 2016 “mờ nhân ảnh”. Cuối tháng 4/2016 điện ảnh Việt Nam đã không còn khái niệm “hãng phim nhà nước” khi hai Hãng này đã hoàn tất tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp.
Hãng phim truyện Việt Nam lòng người không yên khi chơi vơi trong hoàn cảnh Hãng phim bị đổi chủ, ai còn tâm trạng làm phim? Hãng phim Giải phóng có hai dự án phim “Đường xuyên rừng” và “Mỹ nhân” thì đều không ra rạp được vì nhiều lý do.
Ngay cả sang năm 2017, Bộ Tài chính cũng sẽ không chi tiền sản xuất phim truyện. Có nghĩa không riêng gì năm 2016 mà cả trong năm 2017 sẽ không có một bộ phim truyện nào được sản xuất bằng tiền vốn do Nhà nước cung cấp. Và điều đó càng làm khó hơn với các Hãng phim Nhà nước, vì phải trực diện cạnh tranh với các hãng tư nhân… Và kết quả, không có phim nào của Nhà nước tham gia thị trường.
Vui hay buồn?
Có lẽ vui buồn cả hai với tình trạng hiện thực phim điện ảnh Việt Nam. Khi điện ảnh Nhà nước vẫn còn “chập chững” chưa đứng vững được khi không còn được Nhà nước “nuôi dưỡng”, thì điện ảnh tư nhân hiện đang “thống trị” thị trường, đang chứng tỏ sự phát triển mạnh mã của mình ở nhiều phương diện.
Không có phim Nhà nước, nhưng Giải Cánh Diều là “sân chơi” tự do và công bằng cho những người làm nghề, vì thế dù toàn phim của các hãng tư nhân sản xuất, vẫn được xem xét trao giải. Đây chính là một điểm sáng của Cánh Diều năm nay, vì đã thật sự có công bằng đối với phim tư nhân, điều mà ở các Cánh Diều trước vẫn luôn bị so bì, ganh tị.
Không có phim Nhà nước, nhưng Giải Cánh Diều là “sân chơi” tự do và công bằng cho những người làm nghề. |
Nhưng nhìn vào danh mục phim dự thi, có thể thấy chưa có phim nào thật sự gọi là chất lượng cao, phim được về mặt hình ảnh thì nội dung nhạt nhòa, phim có nội dung mang tính “thiện” thì cách thể hiện lại chưa tới, phim có hơi hướng nghệ thuật thì “non” tay nghề nên lửng lơ không gây ấn tượng, phim tưởng chừng rất công phu về kỹ thuật, thời gian làm phim kéo cả năm, kinh phí “khủng” thì lại ít gây cảm xúc đến người xem.
Nếu có trao giải vàng, bạc cho phim thì xem ra cũng vẫn chỉ mang tính động viên, chưa phải là tôn vinh thực chất nghề, chưa thấy tính sáng tạo hay đổi mới, cũng như tầm ảnh hưởng trong cộng đồng, chưa thể phát huy đúng tiêu chí của Giải Cánh Diều.
Việc thiếu vắng phim Nhà nước, không thể nói không buồn với những người yêu điện ảnh Việt Nam hàng mấy chục năm qua. Biết là có rất nhiều khó khăn, biết đang phài đối diện nhiều vấn đề cần khắc phục để có thể “cứng cáp”, độc lập sản xuất phim, nhưng không có nghĩa là buông xuôi, rồi phó mặc mọi sự, trông chờ vào những đặt hàng của Nhà nước.
Việc Giải Cánh Diều năm nay thiếu vắng phim Nhà nước, thiết nghĩ cũng là một kỷ niệm buồn với các nhà làm phim của Nhà nước, các nhà quản lý ngành điện ảnh Việt Nam.
Vẫn còn đó những mặt yếu của điện ảnh Việt Nam, những yếu tố khiến chúng ta bị bỏ một khoảng cách nhất định so với mục tiêu đưa Điện ảnh Việt Nam lớn mạnh, sánh cùng các nền điện ảnh lớn của thế giới, chính là tài năng, nguồn vốn đầu tư, cách tiếp cận xu hướng nghệ thuật mới của thế giới. Đó mới là điều cơ bản chứ không phải là những lấp lánh vàng, bạc của các giải phim trong nước./.
Vì sao Giải Cánh diều năm 2016 thiếu vắng phim Nhà nước?
Cánh diều vàng 2016: Không chấp nhận phim Việt hoá