Giải thưởng thường niên của Hội điện ảnh Việt Nam – Giải Cánh diều sẽ diễn ra tối 9/4 tới đây tại thành phố Hồ Chí Minh. Khác các năm trước, giải Cánh diều năm nay thực sự là sân chơi của các nhà làm phim tư nhân bởi trong số 19 bộ phim truyện điện ảnh tham gia tranh giải, không có bóng dáng của một bộ phim nhà nước nào.
Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam.
NSƯT, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (Ảnh: Trịnh Văn Bộ) |
PV: Thưa nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, bà đánh giá như thế nào về 19 tác phẩm tham dự giải Cánh diều năm nay?
NBK Hồng Ngát: Có một cái vui là số lượng phim tham gia tranh giải Cánh diều càng ngày càng tăng lên. Hàng năm, các nhà sản xuất tư nhân đầu tư vốn và tự sản xuất rất nhiều phim, mục đích là thu hồi được vốn và có lãi. Đề tài thông thường là phim hài, phim kinh dị rồi phim hành động là chính, những phim tình cảm, tâm lý xã hội không nhiều.
Năm nay có một đặc thù rất buồn là các hãng phim ở phía Bắc không có phim để tham dự. Hãng phim truyện Việt Nam hầu như không, hãng phim Giải phóng cũng vậy, ngoài 5 phim đề tài miền núi kinh phí thấp mà lại dự thi ở thể loại phim truyền hình dài tập và ngắn tập. Đấy là thực trạng của năm 2016, điều đáng buồn là điện ảnh tư nhân đi lên, còn điện ảnh nhà nước lại đi xuống.
PV: Vì sao lại có sự thiếu vắng này và nó có ảnh hưởng gì đến chất lượng của mùa giải năm nay không?
NBK Hồng Ngát: Hãng phim truyện Việt Nam rất ngổn ngang, con người hiện nay đang dư thừa rất nhiều. Những người có chuyên môn thì không được sử dụng, cho rằng cũ rồi. Trong khi đó trong miền Nam họ tiến bộ hàng ngày, kỹ thuật quay rất giỏi, kỹ xảo rất tốt, rồi tiếp cận với đời sống sôi động trong đó. Tôi nghĩ là có những sắc thái riêng của năm nay. Ban Giám khảo phim truyện sẽ làm việc từ 2 đến 6/4 trong thành phố Hồ Chí Minh, lúc đó sẽ có giải Cánh diều vàng chăng?
Cánh diều vàng 2016: Không chấp nhận phim Việt hoá
PV:Nếu nhìn vào danh sách 19 bộ phim truyện tranh giải năm nay để thấy rằng sắc thái của điện ảnh nước nhà năm qua thì theo bà việc thiếu vắng dòng phim chính luận do nhà nước đầu tư có khiến điện ảnh Việt Nam phát triển không cân đối?
NBK Hồng Ngát: Tôi lo ngại chứ! Bây giờ nhà nhà làm phim, người người làm phim nhưng ngoài tình yêu thì họ nghĩ là lĩnh vực này đang kinh doanh có lãi hơn là mở nhà hàng. Nhưng sự thiếu hụt chuyên môn, định hướng, tầm nhìn dẫn đến nhiều phim xem rất mệt. Nhiều phim rất nhạt, tầm phào và tôi cảm thấy rất tiếc, tiếc đồng tiền bỏ ra và công sức làm.
Thường như ngày xưa ở phía Bắc làm phim rất khó tính. Một cảnh quay các thế hệ đi trước cũng phải nghĩ chán rồi mới quay, làm phim bao giờ cũng phải có tính tư tưởng, tức là phải hướng thiện, hướng đến sự nhân văn, nhân bản, có những cảnh, những mối tình, những câu chuyện gây xúc động người ta thì nó sống mãi với thời gian. Còn làm như hiện giờ thì tôi nghĩ là chỉ để phục vụ nhất thời. Nghệ thuật rất công bằng, bỏ tâm sức thì tác phẩm sẽ sống được lâu hơn.
PV: Bên cạnh việc thiếu vắng các bộ phim do nhà nước sản xuất, điều công chúng còn quan tâm là việc giải Cánh diều từ chối kịch bản Việt hóa trong khi nhiều ý kiến cho rằng đây là xu hướng tất yếu của sự phát triển điện ảnh và Hội Điện ảnh đang bó hẹp giải Cánh diều?
NBK Hồng Ngát: Tôi nghĩ rằng giải Cánh diều mấy năm nay cũng thoáng, ở cái là không phân biệt những người Việt mang quốc tịch nước ngoài cũng được dự thi và những người nước ngoài mang quốc tịch Việt mà làm phim cũng được dự thi. Có thể có những phim mà đạo diễn là người nước ngoài nhưng các thành phần khác là người Việt thì có thể chỉ chấm giải cá nhân thôi. Còn về kịch bản Việt hóa thì nhiều phim hay, kinh phí lớn nhưng cũng không chấm.
PV: Xin cảm ơn bà!/.