Tại LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ III, những tác phẩm điện ảnh của Phillipines tham gia chiếm số lượng lớn. Thậm chí, còn có hẳn một chương trình dành riêng cho chùm phim độc lập của Phillipines là “Country-in-Focus Films (Philippines film)”, nằm trong hạng mục “Panorama”.

Bà Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết: “Điện ảnh Philippines có những nét rất gần gũi với điện ảnh Việt Nam. Nhiều bộ phim độc lập của Philippines vẫn được chiếu tại rạp của quốc gia họ và nhận được phản hồi tốt từ phía khán giả. Tôi nghĩ LHP này chính là dịp để chúng ta học tập, trao đổi kinh nghiệm với nền điện ảnh của họ”.

Phim độc lập – “cuộc chơi” của sự sáng tạo

Trong sự phát triển của điện ảnh Việt Nam giai đoạn hiện nay, khái niệm phim độc lập cũng xuất hiện ngày một thường xuyên hơn với những cách hiểu khác nhau. Tuy nhiên, để có một cách hiểu chuẩn xác nhất về phim độc lập thì không phải bất cứ khán giả, cũng như những người làm phim Việt Nam nào cũng có thể hiểu rõ.

img_3813_ospf.jpgBà Ngô Bích Hạnh - Tổng Giám đốc công ty BHD và nhà làm phim độc lập Dennis Evangelista 

Bà Ngô Bích Hạnh – Tổng Giám đốc công ty BHD bày tỏ quan niệm: “Chúng ta vẫn còn nhầm lẫn trong khái niệm thế nào là phim độc lập. Những tác phẩm phim độc lập là do các cá nhân, hoặc nhóm người, công ty nào đó tự đứng ra thực hiện. Đó có thể là tác phẩm lần đầu tiên họ làm, hoặc việc làm phim không phải việc thường xuyên họ làm. Họ kêu gọi nguồn hỗ trợ từ các tổ chức hay quỹ nước ngoài, nhưng đấy là chỉ là sự trợ giúp cho quá trình làm phim của họ thuận tiện hơn. Còn bản thân họ phải là người tự tìm kiếm nguồn lực, tự xây dựng kịch bản, đưa ra ý tưởng, dàn dựng phim. Trên thực tế, phim độc lập ở Việt Nam vẫn còn mới mẻ với nhiều người”. 

Ở Philippines, quốc gia có một trong những nền công nghiệp điện ảnh phát triển nhất ở khu vực Đông Nam Á, dòng phim độc lập rất được chú trọng phát triển. Hàng năm, điện ảnh Philippines sản xuất trung bình được 150 – 160 phim truyện, trong đó phim độc lập chiếm tới 60 – 65%. Nhiều phim độc lập của Philippines đã giành được giải thưởng tại các LHP quốc tế và có doanh thu chiếu phim trong nước khá cao.

Dennis Evangelista là một trong những nhà làm phim độc lập nổi tiếng nhất của Philippines, anh có tới 3 tác phẩm được chọn tham dự và trình chiếu ở LHP Quốc tế Hà Nội năm nay. Theo anh, những LHP dành cho các phim độc lập là nơi tôn vinh được các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật.

'Lauriana", một trong ba phim độc lập của Dennis Evangelista tham dự LHP Quốc tế Hà Nội 2014

“Việc thực hiện những tác phẩm phim độc lập đòi hỏi cách tư duy mới, mang tính đột phá. Khác với phim thương mại, phim độc lập chú trọng hơn đến tính nghệ thuật, thẩm mỹ. Ở Philippines, phim độc lập phát triển mạnh vì chúng tôi có những dự án mang tính táo bạo, mà những nhà làm phim thương mại ít chú ý tới. Có thể, đề tài mà chúng tôi chọn không phải là mới, nhưng quan trọng là việc thể hiện nội dung theo cách sáng tạo như thế nào, chúng ta có dám thử nghiệm cách làm mới hay không”, Dennis Evangelista chia sẻ.

Phim độc lập cần “bà đỡ” ra sao?

Ông Chris B.Millado – Giám đốc LHP độc lập nổi tiếng Cinemalaya của Philippines cho rằng: “Đối với nền điện ảnh Philippines, khi luồng gió mới là cuộc cách mạng số diễn ra, xuất hiện thêm nhiều đối tượng mới tham gia vào ‘cuộc chơi’ sản xuất phim. Nhưng có những tác phẩm mang tính thương mại thái quá, đồng nghĩa với chất lượng phim sụt giảm và chúng tôi đặt ra vấn đề về việc nâng cao bản sắc Philippines qua những tác phẩm điện ảnh”.

Đó là lý do thúc đẩy sự ra đời của LHP Cinemalaya vào năm 2004, nơi dành riêng cho những người làm phim độc lập, nhằm tìm ra tài năng để khuyến khích, tôn vinh những tác phẩm có giá trị nghệ thuật. Trải qua 10 năm, LHP Cinemalaya vẫn phát triển, là nơi khởi nghiệp, thăng hoa của 196 nhà làm phim, dù cũng phải đối đầu với không ít thách thức, trong đó có thách thức về tài chính và việc đưa những tác phẩm đến gần hơn với công chúng.

Ngay ở Việt Nam hiện nay cũng vậy. Đối tượng các tác phẩm phim độc lập hướng đến thực chất là những tài năng và những nghệ sỹ, do đó không phải bất kỳ nhà tài trợ, đầu tư nào cũng sẵn sàng “đánh cược” để cung cấp nguồn hỗ trợ cho các dự án mà không chắc chắn về khả năng thu hút trên thị trường điện ảnh.

"Căn phòng của mẹ", một tác phẩm phim độc lập của Việt Nam được trình chiếu tại LHP Quốc tế Hà Nội 

Chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này, ông Chris B.Millado cho biết, LHP Cinemalaya luôn không ngừng kêu gọi sự hỗ trợ từ các nguồn đầu tư. Thực tế, Hội đồng điện ảnh của Philippines cũng có chi phí hoạt động thấp, nhưng kết nối được với các nguồn hỗ trợ tư nhân, các doanh nghiệp cùng các nhà sản xuất, nhà làm phim gạo cội, nổi tiếng tại quốc gia này.

Nhà làm phim Dennis Evangelista chia sẻ thêm: “Chúng tôi không chỉ sử dụng những kênh tiếp thị, quảng bá truyền thống như các bộ phim bom tấn có số tiền lớn. Phát huy được ưu thế của mạng xã hội như Twitter, Facebook cũng mang lại hiệu quả, vừa để công chúng biết đến nhiều hơn, vừa có chi phí rẻ. Chúng tôi còn đẩy mạnh marketing bằng những cách quảng bá có tính sáng tạo, tập trung trước hết vào một nhóm những khán giả mê phim nghệ thuật, chứ không phải toàn bộ khán giả. Đồng thời, phối hợp với các trường học, các tổ chức phi chính phủ, dân sự để quảng bá phim, thu hút người xem. Ngoài ra, chúng tôi phối hợp với cả các viện nghiên cứu, các tổ chức của Philippines ở nước ngoài, hay liên doanh với các công ty nước ngoài trên cơ sở phân chia lợi nhuận, để quảng bá với khán giả quốc tế”.

Hơn nữa, Chính phủ Philippines cũng dành sự quan tâm cho việc phát triển nền điện ảnh khi cung cấp thêm kinh phí hàng năm, đồng thời xây dựng mạng lưới, phối hợp với 10 quốc gia thành viên ASEAN để cùng trao đổi, hợp tác trong lĩnh vực điện ảnh.

Bộ phim độc lập "Đập cánh giữa không trung" đã gây được sự chú ý với nhiều khán giả Việt Nam

Nguyễn Hoàng Điệp, nữ đạo diễn của phim “Đập cánh giữa không trung”, tác phẩm phim độc lập gây chú ý trong thời gian gần đây thì khẳng định: “Dù tác phẩm có nhận được giải thưởng quốc tế ra sao, nhưng quan trọng là nó thế nào khi quay trở về nước. Tại LHP Quốc tế Hà Nội 2012, tôi được nhận giải thưởng của ‘Trại sáng tác’, đó là cơ sở kết nối được dự án của tôi với cơ quan điện ảnh trong nước. Trên thực tế, ở Việt Nam, mới có tổ chức dành cho những người yêu phim, chẳng hạn như Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) của Hội Điện ảnh Việt Nam, nhưng chúng ta vẫn chưa có sự kết nối cụ thể giữa tổ chức với chính quyền, để tạo thêm cơ hội cho các nhà làm phim”. 

Còn Cục điện ảnh dù không cung cấp trực tiếp về nguồn vốn, nhưng đã có những mặt hỗ trợ để thúc đẩy các nhà làm phim độc lập, như việc lần đầu thực hiện “Chợ dự án” giữa Cục Điện ảnh với BHD tại LHP Quốc tế Hà Nội năm nay.

Bà Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện ảnh đánh giá, dòng phim độc lập của Việt Nam vẫn chưa có sự thu hút nhiều với khán giả trong nước, nhưng có thể thấy dự án  phim “Đập cánh giữa không trung” đã thành công và tạo được hiệu ứng với khán giả khi công chiếu. Đó là minh chứng cho việc dòng phim độc lập vẫn có khả năng tạo được chỗ đứng trong lòng khán giả Việt Nam, nếu có được sự liên kết giữa dự án với các cơ quan trong nước, các quỹ hỗ trợ nước ngoài, cũng như có phương thức quảng bá hợp lý./.