Trong khuôn khổ LHP Quốc tế Hà Nội lần thứ III, chiều 24/11, Hội thảo “Hợp tác sản xuất phim giữa Việt Nam và các nước” đã được tổ chức, với sự góp mặt của một số đại diện các nhà làm phim, nhà sản xuất của Việt Nam, Pháp, Hàn Quốc… Thông qua Hội thảo, các nhà làm phim trong và ngoài nước đã cùng nhìn nhận lại những kinh nghiệm, đồng thời đề xuất phương hướng, nhằm tăng cường và phát huy hiệu quả hợp tác làm phim giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
Hợp tác sản xuất phim – xu thế tất yếu
Trong thời đại toàn cầu hóa, hợp tác sản xuất phim là một xu hướng tất yếu và mang tính phổ biến. Thực tế phát triển của công nghiệp điện ảnh thế giới cho thấy, hợp tác sản xuất phim giữa các quốc gia hay vùng lãnh thổ đã mang lại cho mỗi bên tham gia không ít lợi ích về kinh tế, văn hóa, đồng thời nâng cao tính đa dạng, chuyên nghiệp trong sáng tác, sản xuất phim và phát hành phim.
Bên cạnh đó, hợp tác sản xuất phim còn là cơ hội để mỗi quốc gia giới thiệu, quảng bá về đất nước, con người, lịch sử và văn hóa của mình ra thế giới. Điện ảnh Việt Nam cũng nằm trong xu thế đó, đặc biệt là từ khi nước ta bước vào giai đoạn mở cửa kinh tế.
Theo đạo diễn Đặng Tất Bình - nguyên Giám đốc công ty Cổ phần phim truyện 1, có 4 hình thức hợp tác sản xuất phim phổ biến hiện nay ở nước ta. Đó là: đoàn làm phim Việt Nam cung cấp dịch vụ cho các đoàn làm phim nước ngoài; phim Việt Nam tự thực hiện về nội dung nhưng nhận kinh phí tài trợ từ điện ảnh nước ngoài; phim Việt Nam với 100% vốn nội địa nhưng mời các nhà làm phim nước ngoài tham gia sản xuất; phim Việt Nam và nước ngoài cùng bỏ vốn rồi cùng làm phim.
Từ khi bước vào thời kỳ đổi mới, mô hình hợp tác sản xuất phim của điện ảnh Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng phim hợp tác nhiều hơn, quy mô và phạm vi hợp tác lớn hơn, chất lượng nội dung, nghệ thuật và kỹ thuật của những tác phẩm điện ảnh được nâng cao hơn.
Ông Đặng Tất Bình cho rằng: “Trong xu thế hội nhập, các nhà sản xuất nước ngoài tới bắt tay làm phim là chuyện hết sức bình thường. Nhờ đó, trình độ làm phim của chúng ta trở nên kỹ càng, chỉn chu hơn, ngay từ khâu xây dựng kịch bản. Ý tưởng cũng được thực hiện ở mức tốt nhất. Tính chuyên nghiệp cao hơn trong các đoàn làm phim, phân công rõ ràng và họ hiểu được công việc mình phải làm. Điều đó được học hỏi chính từ việc phối hợp với các nhà làm phim nước ngoài. Công nghệ làm phim lại tiên tiến hơn, trong đó có những công nghệ làm phim lần đầu tiên chúng ta được tiếp cận. Theo tôi, với bất cứ hình thức hợp tác nào, nếu chúng ta phát triển được thì điện ảnh Việt Nam sẽ vươn ra với thế giới nhiều hơn”.
Đạo diễn Đặng Nhật Minh đồng tình: “Khi nước ta chuyển sang cơ chế thị trường, bước vào xu thế hội nhập, áp lực làm phim trở nên rất lớn. Các nhà làm phim nhận được hỗ trợ từ các quỹ nước ngoài sẽ có điều kiện hơn, góp phần nâng cao vị thế của điện ảnh Việt Nam. Không một nền điện ảnh nào có thể phát triển khi đóng khung mình”.
Thách thức mới cho thị trường điện ảnh Việt Nam
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội trong quá trình hợp tác sản xuất phim với nước ngoài, cũng nảy sinh và tồn tại những thách thức mới đối với thị trường điện ảnh Việt Nam.
Nguyễn Hoàng Điệp – đạo diễn của bộ phim “Đập cánh giữa không trung” cho rằng, trong xu thế ngày nay, điện ảnh Việt Nam còn cần thêm niềm tin vào nguồn lực nội địa.
Cô bày tỏ quan điểm: “Trên thực tế, sự chủ động trong nền điện ảnh Việt Nam cũng có. Ngay cả với bộ phim Đập cánh giữa không trung, nguồn ngân sách đầu tiên cũng đến từ ngân sách trong nước. Điều đó chứng tỏ chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra cơ hội cho mình, chứ không đơn thuần chỉ phụ thuộc hoàn toàn từ nguồn vốn, hỗ trợ của nước ngoài. Chúng ta cần tin rằng mình có nhân lực, có điều kiện thực hiện. Cho nên, với Đập cánh giữa không trung, bộ phim hoàn toàn là của Việt Nam, cho đến khi có các nhà sản xuất nước ngoài góp phần tham gia. Quan trọng là trong xu thế hợp tác, chúng ta vẫn tạo nên được dấu ấn của chính điện ảnh Việt Nam”.
Còn ông Thierry Lenouvel - nhà sản xuất của bộ phim này cho biết: “Việc cân bằng giữa giá trị nghệ thuật và giá trị thương mại ở phim là điều đáng bàn. Thực tế, nguồn thu của phim Đập cánh giữa không trung cho đến giờ vẫn còn rất nhỏ. Nhưng chúng tôi không hề thất vọng khi bộ phim được công chiếu ở Việt Nam. Phim nhận được phản hồi, đánh giá tốt từ những khán giả hiểu được, đó đã là thành công và là cơ hội tốt để chúng tôi tiếp tục cho dự án mới”.
Trong khi đó, ông Kini Kim – Phó Tổng giám đốc tập đoàn giải trí truyền thông CJ E&M đánh giá, Việt Nam là một thị trường tiềm năng, và tạo cơ hội cho điện ảnh Hàn Quốc có thêm thị trường rộng mở. Đặc biệt, trong những năm gần đây, giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã có những dự án hợp tác phim, thu hút nhiều khán giả ngay tại xứ sở kim chi.
Nhưng đối với khán giả Việt Nam, ông cho biết: “Việt Nam có nền kinh tế đang phát triển, kéo theo nhu cầu sống của người dân tăng cao, trong đó có nhu cầu giải trí về điện ảnh. Tuy nhiên, tôi thấy những người có tri thức cao hơn mới quan tâm đến tính nghệ thuật của một bộ phim. Những bộ phim Việt Nam gây chú ý trên màn ảnh rộng ở quốc gia của các bạn mới đa phần là các phim hài hước, có tính giải trí, nhưng thiếu tính đột phá, thiếu những điểm mới. Theo tôi, điện ảnh Việt Nam cần tìm cách để những bộ phim thể loại khác như phim anh hùng, thiên sử có thể thu hút khán giả hơn, để thị trường của Việt Nam có sự thay đổi, phong phú hơn, chứ không đơn thuần chỉ phục vụ cho thị hiếu giải trí của người xem”.
Ông Kini Kim cũng nhận thấy khó khăn trong việc hợp tác sản xuất phim với một quốc gia còn là việc phải nắm bắt được thị hiếu, quan điểm, nếp nghĩ, hay nét văn hóa, luật lệ của quốc gia đó. Vì thế, nên chăng trong quá trình hợp tác với điện ảnh Việt Nam cũng như các quốc gia khác, các nhà làm phim, nhà sản xuất phim của nước ngoài còn cần đến một tư vấn viên, là người có thể hiểu được những điều đó ở quốc gia mà họ bắt tay làm phim.
Tuy nhiên, ông đồng thời nhận thấy, qua nhiều LHP khác nhau, điện ảnh Việt Nam đang chứng tỏ sự chuyển mình, nỗ lực tạo ra những cơ hội mới để đưa khán giả đến gần hơn với tất cả các thể loại phim./.