Với mong muốn gửi đến khán giả trong cả nước thông điệp: “Gia đình là một tế bào của xã hội, muốn có một xã hội lành mạnh thì trước hết từng “tế bào” phải lành mạnh”, Nhà hát Kịch Việt Nam ra mắt vở diễn “Lâu đài cát” (kịch bản: NSƯT Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn: NSƯT Anh Tú).

Vở kịch "Lâu đài cát" kể về gia đình ông Quân – bà An được biết đến là một gia đình tứ đại đồng đường, có nền tảng văn hóa, coi trọng đạo lý với những người con thành đạt. Tuy nhiên, đó chỉ là vẻ bên ngoài được che đậy bởi những chiếc mặt nạ của các thành viên trong gia đình. Họ là những người rất đạo mạo, coi trọng truyền thống gia đình… nhưng đằng sau đó, họ sống giả dối, buông thả.

canh%20dien%20trong%20lau%20dai%20cat.jpg
Cảnh trong vở kịch "Lâu đài cát". (ảnh: N.N)

Sự ảnh hưởng của cơ chế thị trường, sự tác động của những thói hư tật xấu đã khiến con người phải đeo mặt nạ để sống bình yên, che đậy những khuyết điểm và sự tha hóa của bản thân mình.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ, nhà phê bình sân khấu Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét: “Đây là một vở diễn rất tốt về phương diện tư tưởng mà mặn mà trên sân khấu về phương diện biểu diễn. Đặc biệt ở đây đạo diễn đã rất thành công.

Vở kịch đề cập đến chuyện gia tộc. Ở đây tác giả đặt ra vấn đề gia tộc mạnh như thế, nhưng trong thời buổi kinh tế thị trường nó sẽ nát tươm như thế nào và phải khâu vá lại ra sao. Qua đó cho người ta thấy, một lâu đài không thế xây dựng bằng cát mà nó phải có một nền móng cực kỳ vững chắc.”

Vở diễn do các nghệ sĩ đoàn 2, Nhà hát Kịch Việt Nam thể hiện sẽ ra mắt công chúng từ tháng 3 tới./.