“The missing picture” (Bức ảnh thất lạc) của đạo diễn Rithy Panh là phim tự truyện đánh dấu sự hợp tác đáng nhớ của Campuchia - Pháp đã kể lại giai đoạn lịch sử đẫm máu dưới chế độ Pol Pot cuối thập niên 1970 ở Campuchia.

Bộ phim dựa trên câu chuyện có thật từ chính những trải nghiệm của gia đình đạo diễn Rithy Pand dưới chế độ tàn bạo Khmer Đỏ đã gây ra cái chết thảm thương cho bố mẹ cùng các em gái ông. Cũng tại nơi này, trong khoảng thời gian từ năm 1975- 1979, 1,7 triệu người dân đã bị giết hại thảm khốc.

bucanhthatlac.jpg
Một cảnh trong phim "Bức ảnh thất lạc" của đạo diễn Rithy Pand

“Bức ảnh thất lạc” sử dụng những hình ảnh tài liệu cũ hoặc chắp ghép từ chính những thước phim được quay trong thời điểm đó đã mang lại cho đạo diễn Rithy Panh giải thưởng “Một góc nhìn”- giải thưởng quan trọng thứ hai, sau Cành cọ vàng tại LHP Cannes.

Chia sẻ cảm xúc của mình, đạo diễn Rithy Panh cho biết: “Với một đất nước đã hồi sinh từ vô vàn khó khăn sau những năm tháng chiến tranh khốc liệt, điều quan trọng nhất là chúng tôi vẫn sống”.

Đạo diễn Rithy Panh

Đạo diễn Thomas Vinterberg, chủ tịch ban giám khảo LHP Cannes ngợi ca tất cả 18 bộ phim, trong đó có phim của những đạo diễn đã nổi tiếng như Sofia Coppola, người đã mở màn hạng mục này với “The Bling Ring”. Nhưng hơn cả, ông khẳng định rằng “Bức ảnh thất lạc” xứng đáng giành giải “Một góc nhìn” tại LHP Cannes năm nay vì đây là một bộ phim lôi cuốn và bản thân ông rất vinh dự khi được trao giải thưởng này.

Một câu chuyện tình thời chiến xúc động được tái hiện trong “Omar” của đạo diễn Palestine Hany Abu-Assad là bộ phim đã giành vị trí thứ hai trong chuỗi giải “Một góc nhìn”.

“Omar” - phim chính trị đã khắc ghi lại hình ảnh người Palestine sống dưới sự chiếm đóng của quân Israel. Trong đó, Omar- người thợ làm bánh nhỏ đã bị cảnh sát mật của nước này tra tấn vì hành vi phản bội. Cũng từ đó, một câu chuyện tình bắt đầu nảy sinh./.