Ấn tượng, ám ảnh là điều khán giả cảm nhận được qua các bộ phim chiếu tại lễ trao giải Búp Sen Vàng 2013 diễn ra tối 28/7 tại Hà Nội. Có thể nói, 12 bộ phim năm nay là 12 mảng đề tài khá thú vị, phản ánh cái nhìn đa chiều của các bạn trẻ về một xã hội hiện đại dưới con mắt của những nhà làm phim.
Ở thể loại phim ngắn, 5 bộ phim là 5 câu chuyện khác nhau của các bạn trẻ về tình yêu, về các mối quan hệ trong cuộc sống, lột tả những góc khuất, những điều thầm kín, khó chia sẻ. Cụ thể như tình yêu thú vị của lứa tuổi học trò trong “YRML” (Yêu rồi mà lại), sự đổ vỡ tình cảm trong “Những ngày đẹp trời”,sự gò bó của những đứa trẻ và tình yêu con nít trong “Ngoài kia có gì” hay góc nhìn hài hước về giáo dục giới tính cho trẻ em trong xã hội hiện nay với “Trang 69 và lớn tự khắc biết”.
Thành công ngoài mong đợi, phim truyện ngắn “Ngoài kia có gì” của đạo diễn Nguyễn Diệp Thùy Anh đã lập cú đúp giải thưởng khi nhận được tượng Búp Sen Vàng 2013 ở 2 hạng mục Phim truyện xuất sắc nhất do giám khảo bình chọn và
Đạo diễn Nguyễn Diệp Thùy Anh (áo đen) cùng đoàn làm phim "Ngoài kia có gì" nhận giải Phim truyện xuất sắc nhất do giám khảo và khán giả bình chọn. |
“Ngoài kia có gì” lấy bối cảnh của Hà Nội cuối những năm 90, đầu năm 2000, kể về một cậu bé thường xuyên bị bố mẹ nhốt trong nhà và tìm cách khám phá thế giới bên ngoài bằng chiếc ống nhòm đồ chơi. Thế nhưng, để làm được bộ phim này, Thùy Anh đã trải qua không ít khó khăn, từ việc tái hiện bối cảnh bộ phim cho đến việc chỉ đạo diễn xuất cho các diễn viên nhí.
“Tôi thực sự xúc động và thấy mình thật may mắn khi hai lần được đứng trên sân khấu nhận giải thưởng Búp Sen Vàng 2013. Với tôi, đó là những thành công ban đầu, là bước đệm, động lực để tôi có thể tiếp tục chinh phục được những đỉnh cao của điện ảnh sau này. Cảm ơn trung tâm TPD đã tạo ra cho chúng tôi – những nhà làm phim không chuyên một sân chơi thú vị, bổ ích. Tại đây, chúng tôi được học hỏi kinh nghiệm của các nhà làm phim chuyên nghiệp và được trải nghiệm mình” - Nguyễn Diệp Thùy Anh cho biết.
Ở thể loại phim tài liệu, đó là cuộc sống mưu sinh vất vả và những hoài bão, ước mơ của người phụ nữ nhiễm căn bệnh HIV thế kỷ trong “Con đi trường học”, là nạn nạo phá thai ở giới trẻ như trong “Nguyên Linh”, hay chuyện tình của đôi vợ chồng tật nguyền trong “Chúng tôi đã cưới”… Tất cả đều là những câu chuyện đời thường nhưng hiện lên đầy ấn tường, xúc cảm qua cái nhìn của những nhà làm phim trẻ.
Nhà báo Tạ Bích Loan trao giải Phim tài liệu xuất sắc nhất do giám khảo bình chọn cho đạo diễn Nguyễn Hà Phương (giữa) và Mai Thị Búp với tác phẩm "Chúng tôi đã cưới". |
Vượt qua các “đối thủ” nặng ký khác, “Chúng tôi đã cưới” - câu chuyện về một tình yêu đẹp như truyện cổ tích của cặp vợ chồng bị thiểu năng bẩm sinh của đạo diễn Nguyễn Hà Phương, Mai Thị Búp đã trở thành Phim tài liệu xuất sắc nhất do giám khảo bình chọn.
Cùng với đó, giải thưởng Phim tài liệu xuất sắc nhất do khán giả bình chọn đã thuộc về “Nguyên linh” của đạo diễn Lê Thu Minh. Bộ phim gây ấn tượng mạnh tới khán giả về những người chon cất thai nhi bị vứt bỏ. “Nguyên linh” đã làm day dứt, ám ảnh khán giả vì sự thờ ơ, vô trách nhiệm và thiếu hiểu biết về vấn đề nạo phá thai của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Với suy nghĩ của một đạo diễn trẻ, cách tiếp cận đề tài mới, bộ phim trở nên gần gũi và mang ý nghĩa sâu sắc hơn.
Đạo diễn trẻ Lê Thu Minh nhận giải "Phim tài liệu xuất sắc nhất do khán giả bình chọn" cho tác phẩm "Nguyên linh". |
Búp sen vàng là giải thưởng thường niên lớn nhất trong năm của Trung tâm hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) – Hội Điện ảnh Việt Nam, nhằm tôn vinh các nhà làm phim ở lĩnh vực phim tài liệu và phim truyện ngắn./.