"Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm"
Nhắc đến Thái Nguyên là nói đến cây chè và văn hóa trà, với các vùng chè nổi tiếng cả nước như Tân Cương, La Bằng (huyện Đại Từ), Trại Cài (huyện Đồng Hỷ), Khe Cốc, Tức Tranh (Phú Lương)… Nếu xưa kia miếng trầu được xem là bắt đầu câu chuyện thì nay, chén trà được xem là không thể thiếu cả trong sinh hoạt hàng ngày hay các cuộc gặp mặt về công việc, thăm hỏi...
Bà Nguyễn Thị Mai – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên cho biết văn hoá trà Thái Nguyên có nét đặc trưng riêng, từ cách pha trà, dâng trà và thưởng trà tưởng như đơn giản nhưng khi tìm hiểu sâu sẽ thấy rất công phu và tỉ mỉ. Riêng về pha trà đã có thể coi là một “môn nghệ thuật”, với quy tắc "Nhất thủy, nhì trà, tam pha, tứ ấm".
“Nhất thủy” tức là chọn nước để pha trà phải là loại nước sạch, từ đầu nguồn. “Nhì trà” là chọn thứ trà ngon, từ màu sắc đến hương vị tự nhiên đúng chuẩn tại Thái Nguyên “Tam pha” là một phần rất quan trọng để tạo nên hương vị của chén trà, đó là tráng ấm trà, tráng nước sơ qua trà rồi mới pha trà. “Tứ ấm” là cách chọn ấm pha trà giữa vô vàn chủng loại, nên dùng ấm bằng gốm (hoặc ấm tử sa) vì loại này có thể giúp giữ nhiệt lâu hơn, mùi vị của trà cũng sẽ được giữ nguyên vẹn.
Văn hóa trà Thái Nguyên còn thể hiện trong cách dâng trà và thưởng trà. Dâng chén trà Thái Nguyên đúng cách là ngón giữa phải đỡ lấy chén, ngón trỏ và ngón cái đỡ miệng chén. Người dâng trà và cả người nhận đều cung kính khiêm nhường, trước khi uống đưa chén sang tay trái, mắt nhìn theo sau đó đưa sang phía phải. Cầm chén uống trà phải quay lòng bàn tay vào phía trong, dâng chén lên sát mũi để có thể cảm nhận được hương trà, sau đó che miệng uống ngụm nhỏ.
“Tưởng như đơn giản nhưng để uống và cảm nhận hương thơm tinh túy của trà, nhận ra vị chát dịu nhẹ lúc ban đầu và vị ngọt dịu ở cổ họng sau khi uống, cùng hương vị thuần khiết của thiên nhiên mà trà Thái Nguyên mang lại thì đó chính là sự khác biệt của văn hoá trà Thái Nguyên” - bà Nguyễn Thị Mai cho biết.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa trà
Ở Thái Nguyên, lễ hội Chè xuân bắt nguồn từ xóm Guộc - nơi được coi là đất tổ của cây chè Thái Nguyên. Lễ hội độc đáo này được chính nhân dân xóm Guộc tổ chức hàng năm vào dịp đầu xuân, với các hoạt động như thi pha trà mời khách, văn nghệ, tung còn, đánh đu, chọi gà, đấu võ, bình thơ… Sau này, lễ hội được nâng quy mô thành Lễ hội Chè xuân Tân Cương với nhiều nội dung đặc sắc hơn như trình diễn pha trà, mời trà. Dần dần, hoạt động văn hóa này được nhân rộng ra các vùng chè ở Thái Nguyên như La Bằng (huyện Đại Từ), Trại Cài (huyện Đồng Hỷ), Khe Cốc, Tức Tranh (Phú Lương)… Lễ hội văn hoá trà tại các vùng chè trong tỉnh đã trở thành hoạt động định kỳ không thể thiếu, là nét văn hoá đặc trưng của tỉnh Thái Nguyên.
Theo Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên”, từ năm 2013 đến nay đơn vị này đã tham mưu cho UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức thành công 03 kỳ festival trà với quy mô quốc gia, quốc tế. Không chỉ tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, Festival Trà Thái Nguyên còn góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Trà Thái Nguyên, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm trà; đồng thời mở rộng giao lưu văn hóa và hội nhập quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của ngành chè Việt Nam nói chung, tỉnh Thái Nguyên nói riêng.
Bên cạnh đó, thương hiệu chè nổi tiếng giúp tỉnh Thái Nguyên thu hút du khách trong nước và quốc tế. Từ những đồi chè xanh bạt ngàn, hiện nay nhiều cơ sở mở thêm các dịch vụ đón khách tham quan, lưu trú tạo thành những khu du lịch sinh thái, trải nghiệm văn hóa trà. Tại vùng chè tân Cương, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở đây phát triển tốt, tạo thành sản phẩm hấp dẫn khiến nhiều du khách thích thú, ấn tượng. Một số mô hình tiêu biểu là HTX Tâm Trà Thái, HTX Trà và du lịch cộng đồng Tiến Yên, HTX Chè Hảo Đạt; Không gian Văn hóa trà Tân Cương…
Theo bà Nguyễn Thị Mai, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt đề án “Phát triển du lịch tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030” với mục tiêu: Phát triển du lịch bền vững, chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả; phát triển du lịch xanh, gắn truyền thống với hiện đại, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên thiên nhiên..
“Với thương hiệu nổi tiếng và sự đa dạng về tài nguyên của các vùng chè, Thái Nguyên dùng sản phẩm 'chè Thái' để đưa văn hoá làng nghề chè thành một trong những sản phẩm du lịch tiêu biểu. Vẻ đẹp của thiên nhiên và con người vùng chè nơi đây sẽ thu hút du khách và công ty du lịch trong cả nước hợp tác, đầu tư và phát huy giá trị của văn hóa trà tại địa phương” - bà Nguyễn Thị Mai nói./.