Từ mẩu nhựa, chút sơn thừa hết hạn và cả những mảnh gỗ nhỏ, dưới bàn tay tài hoa của một nghệ sĩ người Philippines, những vật dụng tưởng chừng như bỏ đi này đã biến thành những bức tranh tuyệt đẹp, sống động đầy màu sắc. Không chỉ mang lại giá trị về nghệ thuật, giá trị về kinh tế, những tác phẩm đặc biệt được tái chế từ rác này còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tái chế rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa.

Đặt tấm vải bạt đã được tân trang xuống bàn vẽ, đeo đôi găng tay ni-lông, họa sĩ người Philippines, Gilbert Angeles nhẹ nhàng rắc những vụn nhựa, đổ ít sơn và vụn gỗ xuống tấm vải bạt. Dưới bàn tay tài hoa của người nghệ sĩ, chỉ ít phút sau, một bức tranh đầy sống động và màu sắc đã hiện ra.

Kể từ năm 2019 đến nay, ông Gilbert Angeles đã tạo ra hàng chục bức tranh từ hỗn hợp mẩu nhựa, sơn hết hạn, vụn gỗ - những vật dụng tưởng chừng như đã trở thành rác thải. Tất cả những vật liệu này được lấy từ các khu vực dân cư hoặc được cho tặng sau một chiến dịch kêu gọi chống rác thải nhựa do chính ông kêu gọi và phát động. Theo họa sĩ Gilbert Angeles, ông bắt đầu chiến dịch cổ động về tái chế rác thải sau khi đọc một bài báo nói rằng, Philippines đã trở thành một trong số quốc gia phát thải nhiều rác thải nhựa trên thế giới.

Với mong muốn, người dân có ý thức hơn trong việc tái chế và hạn chế sử dụng đồ nhựa, ông đã nảy sinh chiến dịch và tạo ra những tác phẩm nghệ thuật từ rác thải này. "Philippines là quốc gia phát thải nhựa nhiều thứ 3 trên thế giới ra môi trường đại dương. Khi tôi phát hiện ra thực tế này, tôi đã nghĩ đến việc phải tìm cách nâng cao nhận thức và kiến thức của người dân về môi trường để làm thế nào xử lý các rác thải này", ông chia sẻ.

Không chỉ mang lại giá trị về mặt thẩm mỹ và nghệ thuật, những bức tranh của họa sĩ Gilbert Angeles còn mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiều bức tranh của ông đã được bán với giá từ 600 đến 3 nghìn đô la, tùy theo kích cỡ. Đánh giá về hiệu quả và giá trị của những bức tranh này, bà Linda Pecoraro- một trong những khách hàng sử dụng tranh của họa sĩ Gilbert Angeles nói: “Những tác phẩm này mang lại nhiều hi vọng. Bức tranh này có tên gọi “Hi vọng về cuộc sống” và đúng như tên gọi, nó mang đến cho người xem nhiều hi vọng. Không chỉ màu sắc đẹp, việc sử dụng các rác thải để làm nên bức tranh tuyệt vời này khiến giá trị của bức tranh như được nhân lên. Từ những thứ tưởng chừng như bỏ đi, gây hại cho môi trường, chúng đã được tận dụng để tạo ra những thứ có giá trị".

Theo báo cáo năm 2017 của Tổ chức Bảo tồn Môi trường Đại dương, Philippines là một trong 5 quốc gia trên thế giới có tỷ lệ rác thải nhựa gây ô nhiễm ở mức cao./.