Trên hành trình từ Bắc vào Nam, đoạn qua bờ Nam cầu Thạch Hãn tỉnh Quảng Trị, có một tượng đài mang tên Tượng đài Hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội. Không chỉ có giá trị nghệ thuật, Tượng đài Hoài niệm còn mang ý nghĩa nhân văn cao cả. Đó là khát vọng hòa bình, tự do của dân tộc Việt Nam, vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc, cùng chung tay xây dựng đất nước.

Tượng đài là sự hiện thực hóa ý tưởng của Thượng tướng, Viện sỹ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch danh dự Quỹ Phát triển du lịch Hoài Niệm tỉnh Quảng Trị cùng với Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình.

quangtri3.jpg
Tượng đài Hoài niệm tại Quảng Trị

Sau khi khánh thành ngày 30/1/2013, ý tưởng nhân văn này lại một lần nữa được hiện thực hóa qua một tác phẩm âm nhạc của thầy giáo, nhạc sĩ Lê Đình Chiển với phần lời của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu. PV VOV đã có cuộc trò chuyện với 2 tác giả của ca khúc “Tượng đài Hoài niệm”.

PV: Thưa Thượng Tướng Nguyễn Huy Hiệu, ý tưởng xây dựng Tượng đài Hoài niệm xuất phát từ đâu?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng vẫn còn khoảng 300.000 người lính Việt Nam mất tích và chưa tìm được hài cốt. Trong suốt những năm tháng sau chiến tranh, tôi đã cùng với đồng đội, đồng bào đi tìm hài cốt chiến sĩ, đặc biệt ở chiến trường bom lửa Quảng Trị.

Năm 2005, tôi đề xuất ý tưởng xây dựng một tượng đài để người dân có thể tri ân và hoài niệm về các chiến sĩ. Sau đó, một hội thảo du lịch Hoài niệm chiến trường xưa do nghành Du lịch tổ chức đã bàn đến vấn đề này. Đến năm 2010, Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và tôi đã hiện thực hóa ý tưởng đó.

Tượng đài mang tính nhân văn cao cả, bên cạnh việc tri ân báo đáp cũng nhằm khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, cùng nhau đấu tranh để bảo vệ hòa bình.

PV:

Tượng đài Hoài niệm đã được xây dựng như thế nào, thưa ông?

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Nếu các bạn có dịp đến thăm sẽ thấy tượng đài Hoài niệm được đặt trên một thảm cỏ xanh. Đó là ngôi mộ chung cho những đồng đội hiện nay chưa tìm được. Xung quanh là 9 ngọn nến để những ngày kỷ niệm như 30/4 rồi 27/7, 22/12… đồng bào có thể thắp lên, hoài niệm.

Biểu tượng của tượng đài lấy một góc của thành cổ Quảng Trị, nơi ác liệt nhất những năm tháng chống Mỹ cứu nước. Chân tượng đài là biểu tượng sóng biển và các dòng sông, cả dòng Thạch Hãn biểu trưng cho những đồng đội hy sinh trên các dòng sông đó mà chưa tìm được. Và một đoàn quân giải phóng đang hành quân vào sâu trong thành cổ, trên tượng đài có vành khăn tang.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu và nhạc sĩ Lê Đình Chiển

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đề xuất thêm 5 con chim câu trên đỉnh cao, tượng trưng cho hòa bình với 5 châu, sự tưởng nhớ này để khép lại quá khứ hướng tới tương lai. Đó là ngôn ngữ của điêu khắc.

PV: Từ một ý tưởng rất ý nghĩa và nhân văn, tượng đài Hoài niệm đã được hiện thực hóa bằng một bức tượng và sau đó là một ca khúc. Nhạc sĩ  Lê Đình Chiển đã chuyển từ ngôn ngữ điêu khắc sang ngôn ngữ âm nhạc như thế nào?

Nhạc sĩ Lê Đình Chiển: Ý tưởng hoài niệm thể hiện sự biết ơn sự tri ân tới các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh – không phải riêng cuộc chiến tranh chống Mỹ mà đó là những cuộc chiến bảo vệ đất nước. Chính suy nghĩ đó khiến tôi muốn sáng tác một tác phẩm âm nhạc với phần lời của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, biến ý tưởng nhân văn này thành một tác phẩm âm nhạc để kể câu chuyện về Tượng đài Hoài niệm.

Nghe ca khúc "Tượng đài Hoài niệm"
Âm nhạc của ca khúc sâu lắng, trầm tĩnh để cầu chúc cho những linh hồn của những người Việt Nam đã hy sinh, là sự đền ơn đáp nghĩa tới họ cho sự độc lập tự do của Tổ quốc. Vì thế nên đoạn 2, tôi dùng những âm điệu mênh mang, trải rộng ra như những dòng sông, như lời ru của gió, của biển. Thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam và gửi thông điệp tới mọi người “hãy đấu tranh vì hòa bình, vì chiến tranh chỉ làm cho con người ta đau khổ và mất mát”.

PV: Còn phần lời của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã được nhạc sĩ kết hợp với âm nhạc như thế nào?

Nhạc sĩ Lê Đình Chiển: Lời bài hát rất xúc động, khiến tôi không kìm được nước mắt trong quá trình viết: “Cuộc chiến đã qua đi, nhưng tim ta còn nhức nhối/ Còn bao đồng đội nằm đâu, nằm  đâu nơi đây thôi”.

Hay những câu: “Ai cũng muốn hòa bình, chẳng ai muốn chiến tranh/ Hòa bình cho muôn người buộc phải cầm súng thôi”.

Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu: Điều mà tôi muốn nhấn ở phần lời của bài hát là gửi một thông điệp: “Việt Nam mong muốn hòa bình, Việt Nam yêu hòa bình và người Việt Nam sẽ chiến thắng bất cứ kẻ thù nào xâm phạm chủ quyền và nền độc lập của dân tộc”.

PV: Xin cảm ơn Thượng tướng, Nguyễn Huy Hiệu và nhạc sĩ Lê Đình Chiển./.