Tháng ba năm nay, công chúng yêu nhạc chứng kiến sự mất mát lớn của nhạc Việt khi các nhạc sĩ nổi tiếng như Lương Minh, Thanh Tùng, Trần Lập lần lượt qua đời, để lại muôn vàn niềm tiếc thương cho khán giả.

Nhà báo Chu Minh Vũ cảm thán trên trang cá nhân: "Họ lần lượt ra đi trong một tháng 3 màu xám của Hà Nội. Hà Nội màu xám...".

Nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập

Ngày 17/3, tin nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập qua đời sau hơn 4 tháng chống chọi với bệnh ung thư trực tràng khiến nhiều người bàng hoàng, đau xót.

tran_lap_qua_doi_a_irfr.jpg
Nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập - "Chiến binh quả cảm" qua đời ở tuổi 42.

Trước đó, đầu tháng 11/2015, Trần Lập bất ngờ phát hiện mình bị ung thư đại trực tràng. Thông tin này đã làm giới nghệ sĩ chấn động.

Mạnh mẽ, kiên cường như một chiến binh, Trần Lập đã trải qua ca phẫu thuật đầu tiên vào ngày 6/11 nhằm cắt bỏ khối u đại trực tràng. Ca mổ diễn ra khoảng 4 tiếng và kết thúc thành công. Sau đó, tình hình sức khỏe của nam nghệ sĩ có những giai đoạn tiến triển nhất định nhưng anh bị sụt cân khá nhiều.Vào ngày 16/1/2016, liveshow "Đôi bàn tay thắp lửa" dành cho Trần Lập và nhóm Bức Tường được tổ chức tại Hà Nội. Cựu thủ lĩnh Bức Tường vẫn cất tiếng hát mạnh mẽ trên sân khấu.

Tuy nhiên, thời gian sau đó, bệnh ngày càng trở nặng, sức khỏe của Trần Lập giảm sút nghiêm trọng. Căn bệnh ung thư trực tràng của anh đã nhiễm trùng vào đường máu và cơ quan nội tạng mất chức năng kiểm soát, anh phải thở bằng máy nhiều ngày qua. Anh được đưa về và qua đời tại nhà riêng vào hồi 12h45 phút trưa ngày 17/3.

Ban nhạc Bức Tường cũng thay mặt gia đình, ban nhạc và bạn bè của ca sĩ, nhạc sĩ Trần Lập đau xót báo tin với người hâm mộ trên fanpage.

"Anh thật sự đã ra đi nhưng âm nhạc và những tư tưởng nhân ái của anh còn sống mãi với chúng ta. Ở một nơi nào đó, Trần Lập chắc sẽ cảm thấy được an ủi vì trong thời gian ở dương thế, anh đã sống hào hiệp và cống hiến hết sức mình cho cuộc đời này" - Bức Tường viết.

Nhạc sĩ Thanh Tùng

Trước Trần Lập chỉ hai hôm (15/3), Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc được nhiều người yêu thích như “Hoa tím ngoài sân”, “Lối cũ ta về”, “Một mình”... qua đời tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Nhạc sĩ tài hoa Thanh Tùng qua đời là một mất mát lớn của nhạc Việt.

Theo chia sẻ của người nhà nhạc sĩ Thanh Tùng, trước khi mất, ông được đưa vào viện hơn chục ngày để điều trị bệnh. Trước đó, vào năm 2008, nhạc sĩ Thanh Tùng bị một cơn tai biến khiến ông bị liệt một bên và mất khả năng nói.

Nhiều năm sau đó, ông thường xuyên phải ngồi xe lăn và không xuất hiện trên sân khấu nữa. Dù vậy, nhạc sĩ Thanh Tùng vẫn sống rất lạc quan. Ngày thường, ông được con cháu đưa đi dạo Hồ Tây ngắm cảnh. Lần cuối cùng Thanh Tùng đứng trên sân khấu là trong liveshow "Một mình" năm 2008.Nhạc sĩ Thanh Tùng sinh năm 1948 tại Khánh Hòa. Lên 6 tuổi, ông theo cha mẹ tập kết ra Bắc và lớn lên tại Hà Nội. Sau đó ông sang học tại Nhạc viện Bình Nhưỡng, Triều Tiên, và tốt nghiệp năm 23 tuổi.

Ông từng công tác tại nhiều nơi như chỉ huy dàn nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam II, chỉ huy hợp xướng và chỉ đạo nghệ thuật Đoàn Ca múa Bông Sen. Ông cũng là người đầu tiên đưa nhạc nhẹ chuyển soạn các ca khúc thành nhạc không lời như “Con kênh xanh xanh” của Ngô Huỳnh, “Cánh chim báo tin vui” của Đàm Thanh...Từ 1987, ông trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng với nhiều sáng tác, trong đó rất nhiều ca khúc được khán giả nhiều thế hệ yêu thích như: “Hát với chú ve con”, “Hoàng hôn màu lá”, “Chuyện tình của biển”, “Lời tỏ tình của mùa xuân”, “Ngôi sao cô đơn”, “Câu chuyện nhỏ của tôi”, “Hoa tím ngoài sân”, “Em và tôi”, “Phố biển”, “Mưa ngâu”, “Lối cũ ta về”...

Sự ra đi của nhạc sĩ Thanh Tùng là một mất mát lớn của làng nhạc Việt.

Nhạc sĩ Lương Minh

Nhạc sĩ Lương Minh đột ngột qua đời đêm 28/2 ở tuổi 49, sau một cơn đột quỵ khi đang công tác tại TP Hồ Chí Minh khiến toàn giới nghệ thuật không khỏi bàng hoàng, đau xót. Lễ tang của anh diễn ra ngày 3/3 tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, Hà Nội.

Nhạc sĩ Lương Minh qua đời vì một cơn đột quỵ.

Nhạc sĩ Lương Minh tên khai sinh là Lương Ngọc Minh, sinh ngày 28/7/1967 tại Hà Nội. Trong sự nghiệp, anh thuộc thế hệ nhạc sĩ trẻ được đào tạo tại khoa Sáng tác, nhạc viện Hà Nội. Anh là thành viên sáng lập ban nhạc nhẹ Hoa Sữa vào năm 1987. Ngoài việc tham gia ban nhạc, phối khí dàn dựng, Lương Minh còn sáng tác nhiều ca khúc như "Hãy mãi là em nhé", "Trao em trọn tình yêu", "Câu ru chiều", "Mùa thu", "Lời ru năm 2000"...

Anh cũng là tác giả nhiều tác phẩm khí nhạc, trong đó có Giao hưởng Con sóng được chọn biểu diễn tại festival Âm nhạc châu Á tại Philippines năm 1994.

Nhạc sĩ Lương Minh nhận được Giải thưởng sáng tác thính phòng quốc gia năm 1993, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2005. Anh cũng là người có nhiều đóng góp cho các chương trình âm nhạc thu hút sự chú ý của khán giả: Bài hát Việt, The Remix - Hòa âm ánh sáng, Sao Mai.../.