Với qui mô hơn đào tạo hơn 55.000 sinh viên cho khu vực ĐBSCL, bên cạnh nhiệm vụ chính là đào tạo chuyên ngành, trường Đại học Cần Thơ cũng là đơn vị tích cực trong hoạt động văn hóa – văn nghệ, đặc biệt là góp sức bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống.

Cứ vào mỗi buổi chiều tối, sau những ngày học tập căng thẳng lại có rất đông sinh viên trường Đại học Cần Thơ tập trung về Hội trường lớn để tham gia hoạt động đội, nhóm văn nghệ. Khuôn viên rộng, Hội trường lớn trở thành sân tập, điểm sinh hoạt văn hóa lành mạnh của hàng trăm bạn trẻ với đủ các loại hình như tập múa, sáo trúc, sáng tác thơ, tiểu phẩm và đờn ca tài tử (ĐCTT)…

clb%20sao%20truc%20thoi%20gian%20.jpg
CLB sáo trúc của các sinh viên Đại học Cần Thơ. (ảnh: Lệ Hoa)

Chúng tôi có cuộc gặp gỡ với bạn Nguyễn Hồng Thắng - sinh viên năm cuối ngành Quản trị Kinh doanh – chủ nhiệm Câu lạc bộ sáo trúc Thời Gian trong một buổi tập tình cờ như thế. Bạn Thắng cho biết: CLB được thành lập chính thức từ năm 2011, có hơn 30 thành viên sinh hoạt thường xuyên và hơn 100 bạn đang theo tập căn bản.

Sinh viên Nguyễn Hồng Thắng cho biết: "Tụi em thường tự mướn sân khấu trong quán cà phê để giao lưu, biểu diễn với nhau. Khi tụi em biểu diễn, đặc biệt vào buổi tối thì khán giả tới rất là đông, còn ban ngày thường tụi em tổ chức offline văn nghệ, những ai có đam mê về sáo, biết lịch thì họ tranh thủ thời gian tới nghe và tham dự."

Với truyền thống là đơn vị mạnh về hoạt động văn hóa văn nghệ, trường Đại học Cần Thơ vừa phát động phong trào hưởng ứng Chương trình hành động quốc gia về giữ gìn, bảo tồn và phát huy nghệ thuật “Đờn ca tài tử” Nam Bộ. Mới đây, Trường đã ra mắt Câu lạc bộ Đờn ca tài tử, tuyển chọn hạt nhân từ các đội nhóm sinh hoạt tự phát và dự kiến tổ chức các lớp học chuyên đề về loại hình này cho giảng viên, sinh viên.

Tại buổi lễ ra mắt, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thị Mỹ Liêm - Phó Giám đốc Nhạc viện thành phố Hồ Chí Minh đã rất ấn tượng về những mong muốn tìm hiểu và tham gia vào việc lưu giữ loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử của sinh viên. Không khí hội trường hào hứng, mỗi sinh viên, thành viên câu lạc bộ đều háo hức và nhiệt tình muốn được hiểu nhiều hơn, góp phần lưu giữ và phổ biến Đờn ca tài tử nhiều hơn cho cộng đồng và cho tương lai.

CLB đờn ca tài tử của trường Đại học Cần Thơ. (ảnh: Lệ Hoa)

Lê Thị Bé Thương – quê ở Kiên Giang, sinh viên năm thứ ba ngành Quản trị du lịch là thành viên CLB cho biết: "Từ năm 7 tuổi, em đã chập chững hát được, nhưng cách ca, cách nhả chữ, cái nhịp nhàng chưa được rành lắm. Từ khi lên Cần Thơ học đại học, có dịp được tiếp xúc nhiều với môi trường ca hát, em có dịp học hỏi nhiều hơn, tính ra chính thức học hỏi các chú, các anh chị được 2 năm rồi."

"Em ao ước có một môi trường trong sinh viên như thế này để hoạt động ĐCTT từ rất lâu rồi. Đến nay, ĐCTT trong trường ĐH Cần Thơ chính thức ra mắt. Nó giống như bước ngoặc hết sức quan trọng đối với sinh viên trong việc học hỏi văn hóa, đặc biệt là loại hình văn nghệ nghệ thuật của quê hương mình."

Với qui mô rất lớn, hơn 55.000 sinh viên đến từ các tỉnh ĐBSCL và phong trào hoạt động mạnh nên từ nhiều năm nay, trường Đại học Cần Thơ được xếp ngang với 1 tỉnh, thành trong hoạt động văn hóa văn nghệ của khu vực. Cụ thể như: cùng với 13 tỉnh, thành ĐBSCL, Đại học Cần Thơ là thành viên thứ 14 tại tất cả các kỳ “Liên hoan tiếng hát hẹn hò 9 dòng sông” và luôn đạt thành tích cao…

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng trường Đại học Cần Thơ khẳng định: đây là hướng đi để trường đào tạo con người một cách hoàn thiện: "Mục tiêu lớn nhất của nhà trường là đào tạo đội ngũ cán bộ có trình độ cao, nhưng điều quan trọng là người cán bộ phát triển toàn diện. Chính vì vậy, chúng tôi cũng mong muốn bằng văn hóa nghệ thuật để hoàn thiện con người." "Trên tinh thần đó, với nhu cầu của chính sinh viên, nhà trường đã mạnh dạn tổ chức xây dựng và nhà trường sẽ tiếp tục ủng hộ hoạt động văn hóa, trong đó có ĐCTT Nam bộ. Tôi cũng kêu gọi các em sinh viên dành tất cả tâm huyết của mình để đóng góp vào kho tàng văn hóa vô cùng phong phú của ĐBSCL." 

Nghệ thuật có tác dụng vô hình và mãnh liệt trong công tác giáo dục tư tưởng và nhận thức thẩm mỹ cho thế hệ trẻ. Nghệ thuật dân tộc lại càng có ưu thế này. Việc trường Đại học Cần Thơ tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích sinh viên tham gia hoạt động nghệ thuật truyền thống đang góp phần bồi dưỡng ý thức trách nhiệm cho đội ngũ trí thức trẻ để giữ gìn và phát huy bền vững bản sắc văn hóa của vùng./.