Sự việc Cục Nghệ thuật Biểu diễn cấm lưu hành vĩnh viễn đối với 5 ca khúc sáng tác trước 1975 bị sửa lời đã nhận được những phản ứng trái chiều, đặc biệt là của các nhạc sĩ, chuyên gia âm nhạc.
Trả lời PV VOV.VN, nhạc sĩ Trần Tiến cho biết, việc cấm một bài hát đã có đời sống gắn bó với người nghe sẽ tạo nên những bức xúc.
"Khi công chúng đến với những ca khúc như thế, họ đến không phải vì ý thức chính trị mà là ý thức vì nghệ thuật, vì sự đồng điệu và yêu thích. Bài hát đó còn là kỷ niệm, là hình ảnh gắn liền với người thân của họ.
Tôi cho rằng, việc cấm đoán như hiện nay đang thể hiện sự “bới lông tìm vết”.
Những ca khúc hay, đi vào tâm thức nhân dân giống như là lời ru vậy. Làm sao có thể dám mang đi để phê bình được. Chúng đã có một đời sống riêng và phải hay thì mới sống lâu được đến vậy.
Nhạc sĩ Trần Tiến cho biết, 80% bài hát của ông đã từng bị cấm biểu diễn trước khi được cấp phép lưu hành. |
Ngày xưa, nhiều bài hát của tôi cũng bị cấm đoán lắm. 80% các ca khúc hiện nay (trong tổng số mấy trăm bài hát đã công bố) của tôi thực chất là đã từng bị cấm. Ca khúc "Vết chân tròn trên cát" trong một lần biểu diễn đã bị một nhà quản lý văn hóa nhảy lên tận sân khấu và giật micro khỏi tay ca sĩ. Hay những bài hát như "Giai điệu tổ quốc, Mùa xuân gọi, Chiếc vòng cầu hôn, Điệp khúc tình yêu, Thành phố trẻ" ... đều từng bị cấm trước khi được công bố rộng rãi.
Sau những năm tháng khổ nhọc ấy, sau này cũng chính những ca khúc ấy lại được tôn vinh, tác giả ca khúc thì được trao tặng huy chương. Mọi thứ đều tự nhiên bị cấm và tự nhiên được hát lại một cách bất ngờ.
Tôi cho rằng, sự cấm đoán trong âm nhạc hiện nay của các cơ quan chức năng đang mang nặng cảm tính. Ở góc độ của một nhạc sĩ, tôi nghĩ mọi sự cấm đoán trong nghệ thuật đều vớ vẩn", nhạc sĩ Trần Tiến nêu quan điểm.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng, cần mở rộng không gian và thời gian về âm nhạc, không chỉ có trong nước mà còn có cả những tác giả ở nước ngoài, chúng ta cần tạo cơ hội để những tác phẩm đó được phổ biến ở Việt Nam.
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam. |
Chiến tranh đã lùi xa, sự phát triển của âm nhạc cần hướng đến tinh thần hòa hợp dân tộc. Khi cấm bài hát nào cần phải có những hội thảo, tọa đàm khoa học với sự tham gia của các nhà khoa học, nhạc sĩ, nghệ sĩ... để bàn bạc cho kỹ lưỡng.
Các cơ quan quản lý nhà nước khi đưa ra quyết định cấm hay không cấm bản nhạc nào đó cần phải có chứng cớ, cơ sở và tham khảo ý kiến công luận.
Còn tinh thần chung, tôi thấu hiểu rằng phải có cách ứng xử với các ca khúc trước năm 1975 theo tinh thần hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước.
Theo Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Cục NTBD cần công bố bản gốc của 5 ca khúc này và lấy ý kiến của các nhà chuyên môn để có những đánh giá sâu sắc, khách quan nhất về tính nghệ thuật, tính lịch sử.
Một tác phẩm có giá trị về nội dung, nghệ thuật, trước khi đưa ra một quyết định nào đó cần cân nhắc nhiều chiều.
Dĩ nhiên, mọi sự phát triển của xã hội, trong đó có âm nhạc đều phải căn cứ và xoay quanh sự nghiệp cách mạng dân tộc. Âm nhạc không có giới hạn, không có biên giới nhưng vẫn phải lấy sự nghiệp cách mạng dân tộc làm trọng tâm./.
Từ vụ cấm vĩnh viễn 5 ca khúc: Bản gốc và dị bản
“Dừng lưu hành 5 ca khúc trước năm 1975 không đáng để ồn ào“
Tạm dừng lưu hành 5 ca khúc trước năm 1975
5 ca khúc quốc tế gây tranh luận về ý nghĩa ca từ