"Năm 1957, tôi nhận được điện của Hội văn nghệ Trung ương mời về Hà Nội tham dự hội nghị trù bị để thành lập Hội nhạc sĩ sáng tác. Tôi rất bất ngờ bởi mình chỉ là một người sáng tác quần chúng. Lúc đó, tôi có nhiều bài phổ biến trên Đài Tiếng nói Việt Nam như: “Không một lời khai”, “Hò kiến thiết”, “Ánh đèn trên cầu Việt Trì”, “Hoa huệ”, “Tiếng hát người cộng sản”… Đến tháng 7/1957, tất cả anh em dự hội nghị trù bị đều trở thành hội viên chính thức của Hội Nhạc sĩ sáng tác Việt Nam. Cho đến tháng 12 thì Nhà nước quyết định đổi tên là Hội Nhạc sĩ Việt Nam".
Nhạc sĩ Hoàng Hà (ảnh tư liệu) |
Năm 1962, dưới sự vận động của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nhạc sĩ Hoàng Hà ra Hà Nội theo học khoa Sáng tác – Lý luận hệ đại học ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Sau khi tốt nghiệp, ông về công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam, làm biên tập viên âm nhạc.
Trong một thời gian dài sau đó, Hoàng Hà ít viết nhạc mà chủ yếu tập trung vào công tác biên tập và giới thiệu tác phẩm của đồng nghiệp. Tuy nhiên, đến giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhạc sĩ Hoàng Hà bắt đầu sáng tác trở lại và cho ra đời một số nhạc phẩm nổi tiếng với bút danh Cẩm La như: Xuống đường, Cùng hành quân giữa mùa xuân, Gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn, Hò tải đạn, Đón anh giữa mùa mai nở... Bút danh này có từ năm 1968, tức là sau chiến dịch Mậu Thân. "Năm 1952 tôi đi công tác hậu địch, đến thôn Cẩm La của xã Liên Sa, huyện Yên Lạc. Tôi vướng phải trận càn và bị ngạt dưới hầm. Rất may là sau đó đội du kích mò đến hầm và cứu sống tôi. Tôi biết ơn làng Cẩm La vì thế. Nhiều anh em tưởng tôi lấy tên một người phụ nữ mới hỏi Cẩm La là cô nào, tôi cũng chỉ cười" - nhạc sĩ Hoàng Hà tâm sự về lý do chọn bút danh Cẩm La.
Ca khúc nổi tiếng nhất của Hoàng Hà là bài "Đất nước trọn niềm vui", được nhạc sĩ sáng tác vào đêm 26/4/1975 tại nhà riêng ở Hà Nội.
Nhạc sĩ Hoàng Hà kể lại: “Chỉ đến ngày 26/4/1975, tôi mới biết chiến dịch đánh thẳng vào Sài Gòn được mang tên Bác thì không thể không chiến thắng và ngay trong đêm đó tôi viết “Đất nước trọn niềm vui” với những câu: “Ta nghe như vang tiếng Bác Hồ dậy từ non sông. Rạo rực thay hôm nay Bác vui với hội toàn dân...”. Viết xong, tôi định ký bút danh là Cẩm La, nhưng sau khi nghe bài hát thấy rất hay - tính thời sự và khái quát cao nên nhạc sĩ Triều Dâng vỗ vai tôi nói: “Bài này phải ký tên Hoàng Hà”.
Bài hát được phát trên Đài Phát thanh Giải phóng lần đầu vào sáng 1/5/1975 cùng với ca khúc “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” của Phạm Tuyên. Nhạc sĩ Hoàng Hà cho rằng viết bài hát “Đất nước trọn niềm vui” chỉ trong một ngày, nhưng là kết quả của cả quá trình, một đời ông tham gia cách mạng và hoạt động âm nhạc. Điều kỳ lạ nữa, ai cũng tưởng bài hát đó ông viết về Sài Gòn nhưng là viết ở Hà Nội, khi ấy đang công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam và 2 năm sau, năm 1977, ông mới đến Sài Gòn lần đầu.
Nhạc sĩ Hoàng Hà vào định cư ở thành phố Vũng Tàu từ năm 1985 và sống trong một ngôi nhà trên đường Lê Quý Đôn. Ông vẫn tiếp tục sáng tác nhạc, một trong các nhạc phẩm gần đây nhất của ông là bản giao hưởng hợp xướng gồm 4 chương mang tên “Côn Đảo" viết cùng với con trai là nhạc sĩ Hoàng Lương - hiện là Phó Giám đốc Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam.
Trong cuộc đời và sự nghiệp của mình, nhạc sĩ Hoàng Hà đã được trao: Huân chương Lao động hạng Nhất; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; Huy chương "Vì Sự nghiệp Văn học Nghệ thuật"; Huy chương "Vì Sự nghiệp Phát Thanh"; Giải A Uỷ Ban Thiếu niên - Nhi Đồng (1967) với bài hát "Con mèo ra bờ sông"; Hạng A nhạc phim truyện (1973) với nhạc phim truyện nhựa "Người về đồng cói"; Giải Nhì Ca khúc Giải thưởng Âm nhạc Hội nhạc sĩ Việt Nam (1997) với bài "Mang theo mùa đông" (phổ thơ Hoàng Quý); Giải đặc biệt giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam (1999): Giao hưởng hợp xướng Côn Đảo; Giải Nhất giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam (2002) với bài "Tiếng rừng dương"...
Sau một thời gian lâm bệnh nặng, nhạc sĩ Hoàng Hà đã trút hơi thở cuối cùng vào lúc 16h ngày 4/9, hưởng thọ 84 tuổi. Lễ viếng nhạc sĩ Hoàng Hà bắt đầu từ 9h sáng ngày 5/9. Lễ truy điệu lúc 9h sáng ngày 7/9 tại nhà tang lễ Vietsovpetro (số 2, đường Pasteur, P7, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). An táng tại nghĩa trang Long Hương (TP Bà Rịa) cùng ngày./.