Với các nhạc sĩ chuyên nghiệp, có rất nhiều người trong các sáng tác của mình đều vận dụng thể loại hành khúc. Bởi nó có tiết tấu đều đặn, nhịp theo bước chân đi và chủ yếu dành cho hát tập thể, biểu hiện được ý chí của con người. Vì thế mà thể loại này đã sinh ra, tồn tại và phát triển từ những phong trào đấu tranh cách mạng trên thế giới nói chung, Việt Nam ta nói riêng. Nếu kể từ năm 1930 đế nay, ta thấy các biểu hiện của tính chất hành khúc thì rất nhiều bài thuộc các thể loại khác như nghi lễ, trữ tình, ngợi ca… đều có mang tính hành khúc, hoặc ẩn dụ, hoặc hiện ra rõ ràng ở một câu hay một đoạn, một chương cụ thể.

nhuan_wpgr.jpg
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Với những người sáng tác không chuyên, hành khúc cũng là một thể loại rất hấp dẫn, thường được chọn làm những sáng tác đầu tay, và không ít bài trong số này đã có tác động kịp thời và mạnh mẽ trong phong trào ca nhạc quần chúng. Ví dụ: bài "Phất cờ Nam Tiến" (1944) của  Hoàng Văn Thái, "Thời cơ đến" - sáng tác tập thể của chiến sĩ vào khoảng cuối năm 1948), "Vì nhân dân quên mình" (1951) của Doãn Quang Khải v…

Nhân ngày truyền thống của quân đội, tôi muốn nói đến hai bài hành khúc của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Đó là “Du kích ca” và “Hành quân xa”.

"Anh em trong đoàn quân du kích

Cùng vác súng lên nào!

Đi lên ! đi lên. Xuyên qua rừng qua núi

Trong mây mờ đêm tối vượt suối băng ngàn.

Giặc tiến tới đây súng kia cùng nhau cướp lấy
Nhắm cùng nhau bắn mấy viên là mấy quân thù
Đi lên xung phong ta hợp cùng dân chúng
Cướp lấy phần chiến thắng giải phóng giống nòi”

Những ai ở độ tuổi từ 70 - 80 hẳn khó quên, khi hát ca khúc này cảm thấy cái rạo rực của khí thế quật khởi trong những ngày Cách mạng tháng Tám, 1945. Cho đến nay lứa tuổi ít hơn cũng vẫn thấy như hừng hực bước chân dũng mãnh của cha anh thời ấy.

Chúng ta thấy giữa nhạc và lời được hòa quyện với nhau. Giai điệu của kèn đồng, một giai điệu hoàn toàn mới mẻ so với các làn điệu của Xẩm, của Quan họ, của Chèo, Tuồng, Cải lương…. vốn rất quen thuộc với chúng ta. Bài hát được xây dựng trên hệ thống điệu thức hòa âm nhưng ở dạng đơn giản nhất. Đây là sự khác biệt đối với điệu thức đơn âm, vốn là thuộc tính trong âm nhạc truyền thống của Việt Nam.

Trong bài "Du kích ca" chúng ta thấy sự tác động lẫn nhau của hai hệ thống điệu thức hòa âm và đơn âm mà kết quả của nó là sự hình thành một ngôn ngữ âm nhạc mới. Ngôn ngữ này đã có từ bài "Cùng nhau đi Hồng binh" (1930), tuy ở dạng còn thô sơ hơn nhiều.

Chín năm sau, Đỗ Nhuận - tác giả của "Du kích ca" -  trên đường đi chiến dịch Điện Biên đã hoàn thành một ca khúc mới "Hành quân xa". Tôi nhớ dạo cùng xem cuốn phim tài liệu giới thiệu về chiến thắng Điện Biên Phủ, trong đó có cảnh bộ đội ta với mũ lưới, dép cao su trong một đội ngũ trùng trùng điệp điệp ra trận. Chiến sĩ ta bước đi trong tiếng nhạc "Hành quân xa". Khi xem đoạn này nhạc sĩ Doãn Nho nói rằng ông khó phân biệt được là tiếng nhạc vang lên từ hàng quân hay chính hàng quân đang bước ra tiếng nhạc? Bởi vì hình ảnh người chiến sĩ trong nhạc với hình ảnh người chiến sĩ đang bước trên đường chỉ là một. Đó là hình ảnh người nông dân mặc áo lính, một hình ảnh hết sức điển hình của bộ đội ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Hành quân xa dẫu qua nhiều gian khổ 
Vai vác nặng ta đã đổ mồ hôi 
Mắt ta sáng chí căm thù bảo vệ đồng quê ta tiến bước 
Đời chúng ta đâu có giặc là ta cứ đi.
Bố cục bài hát rất vuông vắn - một đặc điểm phổ biến trong các bài hành khúc phương Tây: toàn bài gồm một đoạn giản đơn, chia làm bốn câu, mỗi câu có bốn nhịp. Với 3 đoạn lời rất giàu hình ảnh, dễ nhớ dễ thuộc.Tuy nhiên có một điều mới mẻ mà ta có thể nhận thấy ngay: câu thứ tư mang tính chất điệp khúc. Chúng ta có thể gọi đó là câu - điệp khúc.

Bài hát cũng mang âm hưởng của kèn đồng nhưng tiếng kèn ở đây không xây dựng trên cung quãng của hợp âm ba "xon" trưởng như ở bài "Du kích ca" mặc dầu âm kết của bài vẫn là "xon". Trong bài "Du kích ca"' quãng ba là "thống soái", còn ở đây quãng bốn áp đảo tất cả. Quãng bốn ra mắt ngay từ đầu bài giống như nhiều bài hành khúc khác, đặc biệt ở phương Tây, nhưng ở đây quãng bốn diễn ra từ phách mạnh sang phách yếu, chứ không phải từ phách yếu sang phách mạnh – Nếu phân tích theo lý thuyết âm nhạc.

Như chúng ta đều biết, thể loại hành khúc hoàn toàn mới mẻ so với bề dày lịch sử của các thể loại khác trong kho tàng âm nhạc truyền thống của dân tộc ta. Tính kế thừa và phát triển vốn là bản chất tự nhiên của mọi loại hình nghệ thuật, trong đó có âm nhạc. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã làm được điều đó và rất thành công./.