Sau khi “Đêm hè sau cuối” và “Góc phố danh vọng” lần lượt được công diễn trong tháng 10 và 11/2016 thì phải đến tháng 2/2017, vở cuối cùng trong dự án nhạc kịch “Hope” (Mộng ước) của đạo diễn trẻ Nguyễn Phi Phi Anh (PPAN) mới được ra mắt.

Nếu như “Góc phố danh vọng” mang màu sắc cổ tích, “Đêm hè sau cuối” là câu chuyện trinh thám bí hiểm thì “Mộng ước không xa vời” lại mang chút màu sắc khoa học viễn tưởng. Vở kịch mở đầu với cuộc trò chuyện phiếm trên một chuyến taxi tự động. Ken và Mina, hai người không quen biết, đã cùng nhau theo đuổi một cuộc du hành kỳ lạ để ngăn chặn đại dịch virus H-Ô-Hô có nguy cơ xoá sổ nhân loại.

d_jaay.jpg

Theo phong cách nhạc kịch đương đại, “Mộng ước không xa vời” sẽ kết hợp ca hát, vũ đạo và diễn xuất. Bên cạnh những cái tên nửa Việt nửa Tây, trang phục sành điệu, vở kịch sẽ có sự đột phá, mở rộng biên độ sử dụng âm nhạc quốc tế. Ngoài sử dụng các bản hit của Coldplay, Kelly Clarkson… “Mộng ước không xa vời” còn sử dụng cả nhạc Nhật và nhạc Hong Kong, với phiên bản tiếng Việt do PPAN viết lời.

Thông qua vở nhạc kịch này, Phi Anh và ekip muốn gieo thông điệp mang tính xã hội vượt lên trên cả nghệ thuật: đó là Thái độ sống tích cực. Mộng ước luôn hiện hữu với những người tin vào nó, đặc biệt là người trẻ, sống phải có niềm hy vọng và tin vào những mộng ước của chính mình. Từ hy vọng tràn trề ấy, mỗi người sẽ có thêm động lực để thực hiện những mộng ước của riêng mình.

Nguyễn Phi Phi Anh.

Đây là lần đầu tiên, vở kịch này được công diễn với khán giả thủ đô nên trong khoảng thời gian qua, Phi Anh và ekip đã phải rất vất vả để hoàn thiện từ khâu kịch bản, diễn xuất, đạo cụ… Cũng như hai vở trước, “Mộng ước không xa vời” quy tụ 35 diễn viên, 17 nhạc công và 15 kiến tạo trẻ không chuyên.

Dự kiến, “Mộng ước không xa vời” sẽ thắp sáng ánh đèn sân khấu Hà Nội các ngày 28/2 và 6, 7, 8, 9/3/2017 tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace (Hà Nội)./.