Hồi nhạc sĩ Nguyễn Thành còn làm buổi phát thanh Binh vận “Hướng theo ngọn cờ cứu nước”, chúng tôi thường “vui vẻ” (lời anh Thành) với nhau trên tầng 3 dãy bên trái ở khu nhà 58 phố Quán Sứ, Hà Nội. Anh hay kể chuyện tiếu lâm quê anh – “Hà Nam danh giá nhất ông Cò”. Hôm nào có thêm anh Phạm Chí Nhân (người Huế) và anh Nguyễn Vang (người Thái Bình) thì độ “tiếu lâm” càng rôm rả tăng cao hơn.
Các anh hay phổ nhạc “tếu” cho những câu thơ cũng chẳng nghiêm túc tẹo nào. Anh Thành còn kể cho nghe chuyện phổ nhạc vui để các chiến sĩ trẻ hát cho đỡ nhớ nhà trên đường hành quân lên Tây Bắc thời chống Pháp. Qua những lần trò chuyện “vui vẻ” ấy, tôi hiểu nhạc sĩ Nguyễn Thành hơn về cuộc đời sáng tác của anh, đặc biệt là ca khúc “Qua miền Tây Bắc” một giai điệu rất hào hùng mà không kém phần thiết tha tình cảm…
Nhạc sĩ Nguyễn Thành thời trẻ. |
Nguyễn Thành có may mắn trong đời, là khi nhập ngũ được đứng dưới lá cờ sư đoàn Quân tiên phong - một sư đoàn lừng danh và đã in dấu chân trên một vùng đầy chất huyền thoại - Chiến trường Tây Bắc với đèo Pha Đin, đèo Khâu Vác, thung lũng Điện Biên... Anh có năng khiếu nhạc từ lúc nhỏ tuổi. Anh bảo 5 tuổi mình đã “vẽ” mấy nốt nhạc trên giấy học trò. “Viết để chơi”, “Viết để xem mình có thể làm nhạc được không” ấy mà.
"Chiến dịch Đông – Xuân 1952 – 1953, lúc đó, tôi đã hơn hai chục tuổi, cùng đơn vị vào Tây - Bắc lần thứ hai. Tôi đi trong đội ngũ mũ nan bọc lưới, chân đi dép lốp bốn quai, lá ngụy trang xanh lưng áo bạc. Đồng đội vác súng, tôi thì đeo cái măng-đô-lin đã cũ. Có một đêm đầy sao, mà sao Tây - Bắc thì nhiều như lá rừng, đơn vị tôi ngủ lại trên đèo Khâu Vác. Đêm ấy lạnh, mấy người kiếm củi khô đốt cho ấm, cho tan bớt sương đêm lạnh lùng, tất nhiên là phải kín đáo, giữ bí mật", nhạc sĩ Nguyễn Thành kể.
Anh nói về cảm xúc của mình trong lần Tây - Bắc khó quên ấy rằng: Ngồi bên đống lửa, cúi đầu trầm ngâm. Tây Bắc với núi rừng, với đèo dốc, với tiếng nhạc ngựa với nếp váy thêu với cả tiếng khèn đêm trăng quyến rũ… với những hình ảnh ấy, càng nghĩ càng mê. Chính lúc này, cái thời điểm đêm bập bùng ngọn lửa, hình như có cái gì mách bảo hãy cầm lấy cái bút và những nét nhạc đầu tiên xuất hiện. Đây là lúc rất “thần” của người sáng tác, không nhanh tay “bắt” lấy, nó sẽ vút qua như một ánh sao rơi cuối trời.
Rất nhẹ nhàng mấy nốt đàn măng-đô-lin được cất lên. Anh “búng” dây và nghe tâm hồn như sảng khoái. "Qua miền Tây Bắc, núi vút ngàn trùng xa/Suối sâu đèo cao, bao khó khăn ta vượt qua/Bộ đội ta vâng lệnh Cha già/Về đây giải phóng quê nhà/Về đây giải phóng quê nhà/Đất nước miền Tây Bắc đau thương/Từ bao lâu dưới ách loài giặc tàn ác/Quân với dân một lòng không phân biệt xuôi ngược/Cùng đồng tâm tiêu diệt hết quân thù".
Lời ca tuôn chảy như suối đang rì rầm nơi thung sâu. Cái đêm Khâu Vác nhớ đời ấy, cho đến bây giờ, mỗi lần nhắc đến, anh vẫn thấy lòng mình xốn xang như lúc nào cũng là tuổi trẻ.
Nguyễn Thành kể: "Viết xong bài hát, tôi cảm thấy chưa thật hay, mình liền vò mảnh giấy đó và vứt vào chân đống lửa, để ngày mai viết lại. Mệt quá ngủ thiếp đi. Nào có ngờ đâu, ngọn lửa đã không đủ bén để thiêu cháy bài hát ấy mà lại vào tay các bạn Phùng Đệ, Nguyễn Phúc, Nguyễn Hoán, Vũ Hướng, Trần Chất. Họ nhặt lên xem, kêu hay quá và lẩm nhẩm tập hát cả đêm.
Sáng ra, khi tỉnh dậy trong tiếng đàn ghita bập bùng của ca sĩ Trần Chất, Nguyễn Thành lặng đi không tin ở tai mình, vì chính mình cũng thấy…hay quá. Bài hát ấy đã nhanh chóng lan truyền, lan truyền… Cái lạ của bài hát này là không tuyên truyền gì mà anh em bộ đội đều thuộc và truyền miệng nhau say sưa hát: "Qua miền Tây Bắc ta phá đồn giặc tan/Nương lúa xanh về ta vui sống trong tự do/Miền rừng núi hướng về Bác Hồ/Từ đây giải phóng quê nhà/Chiến thắng miền Tây Bắc hân hoan một niềm vui/Thoát ách loài giặc tàn ác/Tay nắm tay vui mừng không phân biệt xuôi ngược/Cùng dựng xây tươi đẹp nước non nhà".
Nguyễn Thành viết ca khúc này trong cái đêm tràn đầy cảm hứng. Nhưng thai nghén nó là cả một quá trình. "Đầu năm 1947, tôi công tác ở đội Võ trang tuyên truyền Tây Tiến Việt – Lào. Nhà thơ Quang Dũng trực tiếp phụ trách chúng tôi. Cách sống và tâm hồn nghệ sĩ của anh đã ảnh hưởng khá nhiều đến mình. Tự nhiên tôi nảy ý định ghi lại những cảm xúc, những tình cảm thương mến dạt dào của miền Tây Tổ quốc xa xôi trong khói lửa của cuộc kháng chiến. Bài hát ấy viết trên đường hành quân để giải phóng Nghĩa Lộ. Sau Nghĩa Lộ chúng tôi lên giải phóng Nà Sản", Nguyễn Thành kể lại.
Bộ đội ta hành quân vào Điện Biên Phủ. (Ảnh tư liệu TTXVN) |
"Hồi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi vô cùng cảm động mỗi khi thấy bài hát của mình đã đi vào cuộc sống sinh hoạt của đồng đội. Tôi có dịp may mắn cùng với các đồng chí trong đội nhạc của sư đoàn hát “Qua miền Tây Bắc” cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp nghe tại sở chỉ huy chiến dịch. Tên bài hát là do anh em chiến sĩ đặt.
Tôi thấy hay hơn hẳn cái tên mà tôi đặt từ đầu là “Vào Tây Bắc”. Trước tiên tôi mô tả khái quát về bức tranh núi sông Tây Bắc và lớp người chiến sĩ trẻ hồn nhiên, quên mình vào trận chiến đấu vì nghĩa lớn của dân tộc. Phần lời cuối bài hát toát lên tấm lòng của anh “Bộ đội Cụ Hồ” gắn bó với nhân dân, vun đắp tình đoàn kết keo sơn giữa các dân tộc vì sự nghiệp cách mạng. Tôi rất biết ơn bạn bè đã phổ biến bài hát này…"
Vào tuổi 65, Nguyễn Thành bị một căn bệnh mở hẳn mắt phải, không trông thấy gì. Mắt trái bị cận nặng, đeo kính và đi đâu đã phải dùng gậy để dò đường. Nhưng anh vẫn lạc quan, niềm vui của một nghệ sĩ rất yêu đời. 7 năm sau, năm 2002, tác giả của “Qua miền Tây Bắc”, “Cảm xúc tháng mười”… đã về cõi vĩnh hằng.
Những ngày này, chúng tôi lại nhớ đến Nhạc sĩ Nguyễn Thành – một biên tập viên chuyên về âm nhạc của Phòng phát thanh Binh vận, một người anh vui tính và đầy tài năng trong làng nhạc Việt Nam. Người đã có một ca khúc mà trước, trong chiến dịch Điện Biên Phủ quân và dân đã hát. 60 năm rồi, “Qua miền Tây Bắc” vẫn mãi mãi vang ngân…/.