Khán giả phẫn nộ vì "tắt tiếng" Quốc ca
Tối 6/12, do lo ngại bị "đánh gậy" bản quyền âm nhạc, Next Sports (Next Media - đơn vị nắm giữ bản quyền AFF Suzuki Cup 2020) đã chủ động tắt tiếng phần hát Quốc ca của các cầu thủ Việt Nam khi phát trực tuyến trên Youtube. Trên màn hình chỉ hiện dòng chữ: "Vì lý do bản quyền âm nhạc, chúng tôi buộc lòng phải tắt tiếng ở phần lễ chào cờ. Sau lễ chào cờ, tín hiệu âm thanh sẽ trở lại bình thường, mong quý vị khán giả thông cảm".
Trước đó, trong trận đấu giữa Việt Nam và Ả-rập Xê-út (Saudi Arabia) ở vòng loại World Cup 2022 do FPT phát sóng, video trực tiếp bị hãng đĩa nước ngoài là Marco Polo "đánh gậy bản quyền" do sử dụng bản "Tiến quân ca" mà họ đang nắm quyền sở hữu bản ghi. Do vậy, việc Next Sports chủ động tắt tiếng cũng là một động thái "bảo hiểm" nhằm video không bị đánh bản quyền từ bất kỳ bên nào.
Song, nhìn ở khía cạnh khác, việc Quốc ca bị một doanh nghiệp của Việt Nam tắt tiếng khi phát trên mạng xã hội là một điều không thể chấp nhận được cho dù vì bất kỳ lý do gì. Không ít khán giả bày tỏ phẫn nộ trên mạng xã hội: "Tôi cảm thấy xấu hổ khi không thể nghe Quốc ca", "Quốc ca của cả quốc gia mà lại bị đánh bản quyền, để rồi xem bóng đá bị tắt hẳn phần hát Quốc ca hào hùng"; "Xem bóng đá thích nhất đoạn hát Quốc ca đầu vì cảm thấy thiêng liêng, nay mở lên xem thì bị mất tiếng"...
Họa sĩ Văn Thao, con trai cố nhạc sĩ Văn Cao - tác giả "Tiến quân ca" cũng bày tỏ sự búc xúc: "Vụ việc một số kênh trên Youtube tắt tiếng Quốc ca đã xảy ra và đây không phải lần đầu. Cách đây nửa tháng, chúng tôi họp ở Trung tâm bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam, tôi cũng phát biểu rồi. Gia đình tôi thấy rất buồn, lạ và vô lý trước sự việc Quốc ca bị "đánh gậy bản quyền". Nhân dân còn bức xúc nữa là gia đình tôi".
Kể từ năm 1946, Quốc hội khóa I đã quyết định chọn “Tiến quân ca” làm Quốc ca. Trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam, tại điều 3 ghi rõ: "Quốc ca là bài Tiến quân ca". Năm 2016, gia đình nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng ca khúc này cho nhân dân, Nhà nước Việt Nam. Kể từ thời điểm này, bản quyền của tác phẩm thuộc về quốc gia, về nhân dân chứ không còn thuộc về gia đình nhạc sĩ Văn Cao nữa.
"Từ khi ca khúc này ra đời, cố nhạc sĩ Văn Cao và gia đình chúng tôi chưa nhận bất cứ một đồng nào tiền bản quyền của tác phẩm này. Khi cha tôi mất đi, ông bảo: "Các con đừng bao giờ lấy tiền bản quyền ca khúc Tiến quân ca và sau này, đến lúc nào đó, thay mặt bố, bàn giao ca khúc này cho Nhà nước và Nhân dân. Chúng tôi đã làm đúng nguyện vọng của nhạc sĩ Văn Cao. "Tiến quân ca" hoàn toàn là tài sản của Nhà nước, của Nhân dân", họa sĩ Văn Thao bộc bạch.
Sử dụng Quốc ca vào mục đích kinh doanh là xâm phạm quyền lợi Nhà nước, nhân dân
Trên mạng xã hội, nhiều khán giả cho rằng, vụ tắt tiếng Quốc ca này liên quan đến BH Media do đơn vị này đăng ký sở hữu bản quyền ca khúc "Tiến quân ca" và đã từng báo cáo cũng như xoá nhiều video vi phạm trên nền tảng Youtube. Trong khi đó BH Media khẳng định không liên quan: "Không hề có bên nào đánh bản quyền "Tiến quân ca" trong trận Việt Nam - Lào. Đây chỉ là do đơn vị tiếp sóng tự tắt tiếng Quốc ca để phòng xa, tránh bị mất doanh thu của kênh". Thông cáo báo chí ngày 7/12, BH Media cho biết chưa từng và chưa bao giờ nhận sở hữu quyền tác giả "Tiến quân ca": "Chúng tôi cũng chưa từng có hành vi nào ngăn cản hoặc gây cản trở cộng đồng nghe hoặc sử dụng bài hát "Tiến quân ca" như thông tin ở một số trang tin tức đã đăng tải".
BH Media hiện là chủ sở hữu bản ghi "Tiến quân ca" do Hồ Gươm Video Audio uỷ quyền quản lý và khai thác trên nền tảng số. Bản ghi này do Hồ Gươm Video Audio tự sản xuất và được BH Media bật chế độ Content ID, cho phép chủ sở hữu phát hiện ra những video trên Youtube có nội dung trùng khớp (có thể chỉ giống nhau vài % nhất định) với bản ghi của BH Media. Hệ thống sẽ tự động gửi thông báo về việc vi phạm bản quyền.
Dù không liên quan đến chuyện tắt tiếng Quốc ca trong trận ĐT Việt Nam-Lào trên Youtube nhưng có thể nói những đơn vị đánh bản quyền như Marco Polo là nguyên nhân chính khiến các bên phát sóng phải thận trọng, "đi trước đón đầu" bằng việc tắt tiếng, để tránh video có số lượng người xem lớn của họ bị khóa hoặc bị xóa vì vi phạm bản quyền. Nhiều lần vi phạm có thể khiến họ mất luôn cả kênh đăng tải.
Với những ca khúc có bản quyền khác, việc tắt tiếng là điều có thể hiểu được, nhưng với Quốc ca, liệu có hợp lý hay không khi đây là tài sản chung của Nhà nước, của nhân dân? Bộ VHTT&DL khẳng định: Pháp luật của Việt Nam quy định nghiêm cấm bất kỳ tổ chức, cá nhân nào, dưới bất kỳ hình thức nào có hành vi ngăn chặn, cản trở việc phổ biến tác phẩm này một cách trực tiếp hay gián tiếp (bao gồm trên mạng) theo quy định pháp luật. Bộ VHTT&DL yêu cầu tất cả các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm, không được có bất kỳ hành vi nào ngăn chặn việc phổ biến Quốc ca Việt Nam.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ, nếu bất kỳ ai bỏ tiền, thời gian, công sức, kỹ thuật ra sản xuất bản ghi (mà đã thanh toán quyền tác giả) thì là chủ sở hữu hợp pháp của bản ghi; bất kỳ ai sử dụng bản ghi đó thì phải xin phép nhà sản xuất. Tuy nhiên, khi "Tiến quân ca" được hiến tặng, trở thành tài sản chung của nhân dân thì thiết nghĩ, không ai được phép kinh doanh, thu lợi nhuận từ chính tài sản chung đó.
Họa sĩ Văn Thao cho rằng: "Ca khúc "Tiến quân ca" đã trải qua nhiều thăng trầm nhưng vẫn đứng vững đến giờ, đã trở thành quốc hồn, quốc túy. Bất cứ đơn vị nào sử dụng vào mục đích kiếm lời cũng là xâm phạm vào quyền lợi của nhà nước, của nhân dân. Tôi tin là các cơ quan chức năng sẽ làm rõ vấn đề này"./.