Những bài hát ấy có cấu trúc tương đối thô sơ về âm luật, đồng dạng về mặt hát và nói, phù hợp với tâm, sinh lý của tuổi thơ. Rất dễ bắt chước mà thuộc vì đơn giản, thích hợp với khả năng phát âm của trẻ em ở những tần âm hẹp, tiết tấu ngắn, hợp với nhịp điệu chạy nhảy có tính bản năng hơn là nghệ thuật.

Truyền thuyết từ thời Hùng Vương kể rằng: Khi đi tìm đất để định đô, lúc qua thôn Phù Đức (nay thuộc Phù Ninh, Vĩnh Phúc) dừng lại nghỉ trưa ở bìa rừng, nhà Vua nhìn ra bãi cỏ, thấy có bọn trẻ chăn trâu đang vui đùa, kéo co, đánh vật, vừa chơi vừa hát. Thấy vậy, nhà Vua sai người đem một số điệu hát dạy thêm cho lũ trẻ. Ngày nay, cứ đến ngày mùng hai, mùng ba tháng Giêng âm lịch, ở đây có mở hội, diễn lại cái cảnh hát xướng, đánh vật, kéo co…

ac412_hzkd.jpg Cái tuổi lên sáu, lên bảy, em bé đã có thể học hát đồng dao (Ảnh minh họa: VTV)

Ở làng quê xưa, hình ảnh các cụ bà ngồi trông cháu, rồi dạy cháu hát. Cái tuổi lên sáu, lên bảy, em bé đã có thể học hát đồng dao qua sự hướng dẫn của người chị. Có lẽ đây là những người thầy đầu tiên đã đưa bé vào thế giới đồng dao nhí nhảnh tươi vui và giàu trí tưởng tượng.

Những đêm trăng sáng trên khoảng sân nhà, các em nhỏ thường chơi đùa, cùng hát đồng dao, nối đuôi nhau nghiêng đầu níu vai, lò cò chân bước… “Ông giẳng ông giăng - Xuống chơi nhà tôi - Có nồi cơm nếp - Có tệp bánh chưng - Có lưng hũ rượu…”.

Được truyền tụng trong dân gian, có tính văn hóa khá rõ nét nhưng chỉ mới dừng lại ở ý nghĩa phác thảo thông qua tính truyền miệng. Nó chỉ được định hình khi đã thật sự hòa mình với môi trường tuổi thơ bằng thời gian thử thách… Bởi thế, những bài đồng dao có nhiều dạng khác nhau. Chẳng hạn những bài hát chơi ở sân nhà không giống những bài khi các em chăn trâu hát, lại càng không giống những bài các em hát trong ngày hội…

Qua tư liệu mà các nhà nghiên cứu văn học dân gian hiện có, loại bài hát trong trò chơi đồng dao được phổ biến rộng rãi ở nhiều địa phương nhưng đều mang tính dị biệt rất rõ rệt, mang đặc điểm của từng địa phương. Đấy cũng chính là những đặc điểm vốn có của dòng văn chương truyền miệng.

Chẳng hạn, bài "Rồng rắn" thực chất là một trò chơi săn bắt nhau thông qua ngôn ngữ đồng dao. Cốt lõi của trò chơi này là một số đông các em kết thành một dãy nối đuôi nhau. Em đứng đầu là Cái. Đối diện với các em là một em khác, đại diện cho Rắn. Về mặt bố cục trò chơi thì ở các địa phương hầu như giống nhau. Còn về cấu trúc bài hát và ngôn từ thì thường có những dị biệt. Ở Quảng Bình, đoạn kết: “Cho xin khúc đuôi - Khúc đuôi xuôi ngược…”,còn ở đồng bằng Bắc Bộ thì hơi khác: “Xin khúc đuôi -Tha hồ mà đuổi…”. Thế là trò chơi chuyển nhanh sang phần đuổi bắt.

Còn gì thích thú bằng túm áo nhau mà “qua sông” trong trò thả đỉa ba ba. Con sông không có thuyền thì ta là thuyền, có sóng gió thì ta ôm chặt lấy nhau mà vượt sóng gió. Con sông sân đất sáng rực ánh trăng, mát rượi gió làng… “Thả đỉa ba ba - Chớ bắt đàn bà - Phải tội đàn ông - Cơm trắng như bông - Gạo tiền như nước - Đổ mắm đổ muối - Đổ chuối hạt tiêu - Đổ niêu cứt gà - Đổ phải nhà nào - Nhà ấy phải chịu…”.

 Vào cuối thế kỷ thứ 19, trong dân gian có một câu được truyền tụng, ám chỉ sự suy vong của triều Nguyễn: “Chu tri rành rành - Cái đanh thổi lửa - Con ngựa đứt cương - Tam vương, ngũ đế - Cấp kế đi tìm…”. Câu sấm ngữ này dần dà biến thành bài hát đồng dao thường đi kèm với trò chơi "ú tim", với đôi chút biến dạng: “Chi chi chành chành - Cái đanh thổi lửa  - Con ngựa chết trương - Bà vương ngũ đế - Cấp kế đi tìm - Hú tim, hẹ hập - Ù à ù ập…”.

Tuổi thơ thật hồn nhiên, vô tư và công bằng khi những đôi chân duỗi ra trên nền nhà, miệng cất lên khúc hát: “Nu na nu nống - Cái cống nằm trong - Cái ong nằm ngoài - Củ khoai chấm mật - Phật ngồi phật khóc - Con cóc nhảy ra - Con gà tú hụ - Nhà cụ thổi xôi - Nhà tôi nấu chè - Tè hè cống rụt…”.

Dù có nghĩa hay không có nghĩa, đồng dao vẫn là những câu hát, có vần có điệu và giữ một vị trí khá quan trọng trong đời sống tinh thần của tuổi thơ. Nó vừa mang tính vui chơi lại vừa mang tính giáo dục, một lối giáo dục phù hợp với lứa tuổi nhi đồng. Trẻ em hát đồng dao cũng chính là sử dụng tiếng nói của mình đã được cách điệu hóa đôi chút về mặt giai điệu để cho dễ nhớ. Nó giống như câu chuyện học mà chơi, chơi mà học ở những lứa tuổi chưa biết chữ và từ đấy gieo mầm nhân cách làm người.

Còn nhiều khúc đồng dao khác nữa mà mỗi người đều nâng niu ôm ấp tuổi thơ của mình. Những khúc đồng dao ấy nó vang lên ngọt ngào, mê đắm và sẽ mãi tồn tại trong ký ức mỗi người./.