Trong thời điểm “chống dịch như chống giặc”, bên cạnh công tác tuyên truyền bằng tờ rơi, loa phường… âm nhạc cũng là kênh tuyên truyền được các tỉnh, thành chú trọng. Tại Cần Thơ, các nghệ sĩ Nhà hát Tây Đô đã sáng tác lại lời mới, ghi âm những bản đờn ca tài tử, ca cổ, điệu lý, nội dung phòng chống dịch Covid-19, thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, mang lại hiệu quả thiết thực.
Các nghệ sĩ hăng hái tập luyện trước khi thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ. |
Tính đến thời điểm hiện tại, Nhà hát Tây Đô đã hoàn thành xong 3 tác phẩm, với nội dung: tuyên truyền vận động người dân nâng cao ý thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh; bày tỏ tin tưởng với sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước nói chung, các ban, ngành cùng những “chiến sĩ” quả cảm nói riêng trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19; khích lệ mọi người vượt qua khó khăn để chiến thắng dịch bệnh.
NNƯT Kiều Nga, Phó Giám đốc Nhà hát Tây Đô cho biết: Trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng, anh em nghệ sĩ tự luyện tập, tiến hành thu tiếng từng người, tránh tiếp xúc quá hai người. Để những tác phẩm được lên sóng phát thanh, truyền hình, cũng là sự nỗ lực rất lớn của tập thể. Đặc biệt, các tác phẩm còn được nghệ sĩ tải lên các mạng xã hội Facebook, Youtube, Zalo... nhận được phản hồi tích cực. "Mọi người rất ủng hộ, lớp người ta like, rồi bình luận, người ta rất đồng tình với mình, khen nghệ sĩ thể hiện hay, sau đó chia sẻ. Mình nhận thấy tuyên truyền qua mạng xã hội rất hiệu quả", NNƯT Kiều Nga cho biết.
Giờ luyện tập của các nghệ sĩ trước khi thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ. |
Là người trực tiếp tham gia ghi âm 3 tác phẩm: 1 trích đoạn, 1 bài bản tài tử, 1 bản song tấu, nghệ sĩ Phương Anh hào hứng chia sẻ đây là lần đầu tiên anh được thể hiện những bài có từ ngữ lạ, virus SAR-CoV-2, rồi những lời hiệu triệu rất thiết thực, cảm thấy thích thú và cám ơn những tác giả đã viết lời. Trên nền tảng cơ bản là sáng tác của tác giả, anh thể hiện thật sinh động để bài ca có được không khí vui tươi, bà con yêu cải lương dễ tiếp nhận, hiểu rõ cách phòng dịch bệnh, vừa bảo vệ mình, vừa bảo vệ cộng đồng. Nghệ sĩ Phương Anh cho biết thêm: "Bản thân mình là người dân Việt Nam, làm được gì cho đất nước, góp công sức nhỏ bé, lớn, ít hay nhiều đều phải góp. Qua từng tác phẩm muốn lan rộng cho tất cả quần chúng nhân dân đều nắm chắc những thông tin để đồng hành cùng nhà nước chống lại dịch, mình thấy rất hăng hái thu âm, phát trên mạng, trên sóng phát thanh, truyền hình".
Nghệ sĩ Phương Anh luyện tập bài ca tuyên truyền về đại dịch Covid-19. |
Nhà hát Tây Đô, Cần Thơ hiện có 13 nghệ sĩ hoạt động biểu diễn. Trước khi thực hiện Chỉ thị 16, các nghệ sĩ vẫn chăm chỉ luyện tập, sáng tác lời mới cho những bài bản tổ. Mỗi người đều mong đóng góp phần sức tuyên truyền để chung tay chống dịch bệnh. Theo ông Đặng Thành Thái, Phó trưởng đoàn cải lương Tây Đô, tuy giờ mỗi nghệ sĩ đều thực hiện nghiêm túc việc phòng chống dịch bệnh, nhưng vẫn thường xuyên trao đổi lời ca mới, luyện tập cùng nhau qua mạng online. Nếu có tập trung, cũng không quá hai người một buổi tập. Tất cả đều mong sân khấu sẽ sớm sáng đèn sau cơn đại dịch.
"Tôi mong muốn dịch sẽ đi qua, cuộc sống sẽ trở lại bình thường, và anh em nghệ sĩ sẽ tiếp tục làm những tác phẩm tuyên truyền phòng dịch Covid-19, để bà con mình được thấm nhuần những chỉ thị của Chính phủ, cố gắng mau vượt qua đại dịch", ông Đặng Thành Thái chia sẻ.
Cải lương, ca cổ, tài tử là mạch sống tinh thần của người dân phương Nam, với những tác phẩm tuyên truyền của Nhà hát Tây Đô, khẳng định bộ môn nghệ thuật vẫn có thể hòa cùng dòng chảy thời sự, để không xa rời cuộc sống và có những đóng góp cho cộng đồng. Qua đó, có thể thấy sức mạnh của âm nhạc, sự chung tay góp công, góp sức của các nghệ sĩ đã tiếp sức, tạo nên niềm tin, tinh thần đoàn kết, cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên cho mọi người./.