Đăng Thuật bắt đầu nổi tiếng khi giành giải Nhì dòng nhạc dân gian tại Sao Mai 2007. Trong hơn 10 năm qua, nam ca sĩ luôn trung thành với dòng nhạc dân gian. Kể từ album vol1 “Bến xưa” (2013) đến vol2 “Về miền quê anh” vừa được cho ra mắt, Đăng Thuật vẫn đắm đuối trong những bài ca quê hương, đất nước và trải tình yêu của mình với dòng dân gian.

Đăng Thuật chia sẻ, anh sinh ra và lớn lên ở Nghi Sơn, Hà Tĩnh – mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với những điệu dân ca, ví giặm đã ngấm vào trong máu thịt của anh, tràn đầy trong những ký ức tuổi thơ. Bên cạnh đó, Đăng Thuật cũng được trời phú cho một giọng ca hợp với chất dân gian, dịu dàng, sâu lắng nhưng cũng không kém phần mạnh mẽ.

img_8181_krrc.jpg
Đăng Thuật.

Chất Nghệ - Tĩnh và giọng mặn mà được hòa quyện khiến Đăng Thuật trở thành một “nam hiếm” trong dòng dân gian, khiến anh không hề bị lẫn giữa “bạt ngàn” những giọng hát dân gian khác. Những ca khúc do anh thể hiện luôn tạo được dấu ấn riêng biệt với những khán giả yêu dòng nhạc này.

Song, việc Đăng Thuật ít khi cho ra mắt sản phẩm âm nhạc riêng, cũng như không “chịu khó” đánh bóng tên tuổi của mình khiến cho cái tên Đăng Thuật có đôi khi trở nên nhạt nhòa với khán giả đại chúng. 10 năm làm nghề, chỉ cho ra mắt được… 2 album là con số quá ít ỏi với một ca sĩ.

Nam ca sĩ trần tình rằng, rất đông bạn bè, đồng nghiệp đều đã từng nhắc nhở anh về chuyện này. Nhưng bản thân anh là một người rất cầu toàn, mỗi một sản phẩm âm nhạc đều phải được chuẩn bị và thực hiện hết sức kỹ lưỡng. Đơn cử như album “Về miền quê anh” vừa được ra mắt vào 28/1 vừa qua cũng phải mất tới 2 năm mới hoàn thành.

Một phần lý do nữa là do tâm thế và cách sống của Đăng Thuật. Anh không thay đổi được bản thân, cũng không luồn lách, tạo scandal để hâm nóng tên tuổi của mình được. Anh sống chân chất với đúng con người mình và với cả dòng nhạc mình theo đuổi.

Đăng Thuật cũng bật mí, với khán giả đại chúng, anh có thể là một cái tên “nhạt nhẽo”, nhưng anh cũng có một lượng khán giả rất riêng. “Nam hiếm” của dòng dân gian tự tin mình có thể làm album từ chính tiền đi diễn, chứ không phụ thuộc vào bất kỳ hãng quảng cáo hay tài trợ nào.

Nam ca sĩ hóm hỉnh: “Dù rằng phát hành vào đúng dịp cả nước đang hướng sự chú ý vào đội tuyển U23 cũng như cận Tết, mọi người đều rất bận rộn, song, album “Về miền quê anh” vẫn bán được 1.000 bản chỉ sau 3 ngày phát hành. Phản hồi của khán giả về album này cũng rất tốt. Đó là minh chứng về con đường mà tôi đang đi”.

Nghe bài: Ân tình xứ Nghệ - Đăng Thuật

“Về miền quê anh” gồm 10 ca khúc về quê hương xứ Nghệ, do chính Đăng Thuật tự mình biên tập, gồm: “Ân tình xứ Nghệ”, “Buông chi câu ví người ơi”, “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, “Về miền quê em”, “Mai em về Hà Tĩnh”, “Nỗi nhớ quê hương”, “Chấp chới sông Lam”, “Gửi em chiếc nón bài thơ”, “Câu đợi câu chờ”, “Ví Giặm ta về”. Album giống như một hành trình đi từ Nghệ An đến Hà Tĩnh, với những cảm xúc yêu thương, nhung nhớ của một người con xa quê.

Trong số 10 ca khúc này, có nhiều ca khúc thường do giọng nữ thể hiện. Nhưng Đăng Thuật vẫn lựa chọn bởi anh tự tin các bài hát đều thích hợp với quãng giọng của anh. Các ca khúc đều được hát với sự mạnh mẽ của một giọng nam chứ không quá sướt mướt như giọng nữ. Đó cũng là một dấu ấn đặc biệt của Đăng Thuật với album này.

Buổi họp báo ra mắt album vào 28/1 của Đăng Thuật có sự góp mặt của ca sĩ Đăng Dương, Phạm Phương Thảo, Bùi Lê Mận, Thành Lê, Thụy Miên, Phương Thanh, Thùy Dung... Ảnh: Ca sĩ Anh Thơ và Đăng Thuật.

Đặc biệt, trong album, Đăng Thuật có mời Anh Thơ và Bùi Lê Mận góp giọng ở hai ca khúc. Khi được hỏi, vì sao lại là 2 ca sĩ này, Đăng Thuật thẳng thắn: “Có rất nhiều ca sĩ nữ xuất thân từ vùng Nghệ - Tĩnh có thể hát tốt những ca khúc này như Phạm Phương Thảo, Đinh Thành Lê, Thụy Miên… nhưng với tôi, Anh Thơ và Bùi Lê Mận là những người rất đặc biệt.

Với ca khúc “Về miền quê anh”, đây là ca khúc có quãng giọng khó, chỉ Anh Thơ mới có thể hát ca khúc này một cách đầy đủ: vừa kỹ thuật, vừa cảm xúc nội tâm da diết. Còn ca khúc “Ví Giặm ta về” với Bùi Lê Mận, khi thu âm cũng rất thuận lợi. Tôi với Mận coi nhau như anh em trong nhà. Chúng tôi ở cùng quê, làm cùng đơn vị, nhà ở Hà Nội cũng gần nhau. Hai gia đình thường đi ăn cơm và trò chuyện cùng nhau nên không có gì khó khăn khi hợp tác”.

Để album này có thể ra mắt, phải kể đến sự hỗ trợ trong lặng thầm của Diệu Thúy - bà xã của Đăng Thuật. Chị cũng là người đầu tiên được anh cho nghe album ngay khi hoàn thành. Nói đến bà xã của mình, Đăng Thuật lúc nào cũng cảm thấy biết ơn bởi dù tốt nghiệp Nhạc viện, nhưng Diệu Thúy đã bỏ nghề ca hát mà lui về hậu phương, giúp anh chăm sóc con cái và gia đình, để anh yên tâm mỗi khi đi diễn.

Đăng Thuật và bà xã Diệu Thúy.

“Vợ tôi là người luôn biết nhường nhịn, hy sinh cho chồng con. Từ việc lớn đến nhỏ trong gia đình, vợ tôi đều đảm trách mà không một tiếng kêu than. Là một ca sĩ được đào tạo bài bản nhưng vợ tôi chấp nhận ở nhà cho chồng yên tâm công tác, đó là một điều đáng quý. Điều tôi mừng nhất là vợ tôi thông cảm được cho nghề nghiệp của tôi” – Đăng Thuật chia sẻ.

Bà xã của Đăng Thuật cũng có một giọng hát rất hay và nhiều người hy vọng, trong tương lai, Đăng Thuật sẽ có sản phẩm song ca cùng với vợ./.