Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Hà Tĩnh, Đăng Thuật - hiện là ca sĩ của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam - không như những ca sĩ chọn dòng nhạc nhẹ để phát triển sự nghiệp, anh lại lựa chọn dòng nhạc dân gian.

Sau thành công tại Sao Mai 2007, Đăng Thuật ngày càng khẳng định mình trên con đường nghệ thuật và trở thành một trong số ít những ca sĩ được biểu diễn tại mảnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc – Trường Sa. Thế nhưng, trở lại với đời thường, Đăng Thuật lại là một người biết chăm lo cho gia đình với khả năng… gói bánh chưng ngày Tết.

dangthuat2.jpg
Ca sĩ Đăng Thuật

“Tết ở bên gia đình là điều hạnh phúc nhất”

PV: Các ca sĩ, nghệ sĩ vào dịp cuối năm thường rất bận với các chương trình ca nhạc, các show truyền hình… thậm chí là đi biểu diễn xuyên Tết. Còn ca sĩ Đăng Thuật thì sao?

CS Đăng Thuật:Thuật thường xuyên về quê ăn Tết với gia đình, thế nên rất ít khi nhận lời tham gia các chương trình vào thời gian này. Mọi năm thì phải đến 28 Tết (lịch âm) mới hết lịch diễn và về quê, nhưng năm nay thì rảnh rỗi hơn.

Tết mà được ở bên gia đình là điều hạnh phúc. Thêm nữa, Thuật cũng rất may mắn khi có được một gia đình yên ấm. Vợ cũng học nhạc nhưng vì con còn nhỏ nên cô ấy tạm thời không đi diễn mà thay Thuật chăm lo cho bố mẹ, anh chị trong nhà. Có những lúc phải biểu diễn dài ngày ở tỉnh xa nhưng Thuật cũng không lo lắng nhiều về gia đình. Con gái Thuật bây giờ cũng đã biết nói, bi ba bi bô suốt ngày nên đôi lúc đi xa cũng nhớ con. Tết này, Thuật rành nhiều thời gian ở nhà chăm lo cho gia đình nhỏ của mình.

PV: Đăng Thuật sinh ra ở vùng đất Nghi Sơn - Hà Tĩnh có nhiều truyền thống văn hóa, vậy, Tết ở nơi đây có điều gì đặc biệt, mang hương vị đặc trưng riêng không?

CS Đăng Thuật:Thuật sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh nên hiểu rõ những phong tục tập quán ở miền đất thân thương này. Nói chung, Tết ở vùng quê miền Trung cũng không khác nhiều so với Tết ở miền Bắc hay miền Nam, cũng là không khí xuân vui, đầm ấm và hạnh phúc. Có khác một chút là món ăn cổ truyền ở từng vùng miền khác nhau, đem đến hương vị khác biệt cho mâm cỗ ngày Tết. Như ở quê Thuật thì có món rươi biển rất ngon, nhiều chất dinh dưỡng.

Ca khúc "Hà Tĩnh danh nhân và thi ca" - Đăng Thuật

PV: Tết xưa và Tết nay trong Đăng Thuật có nhiều thay đổi hay không?

CS Đăng Thuật:Thay đổi chứ. Ngày xưa thì không có nhiều nơi vui chơi, trẻ con chỉ quanh quẩn bên bếp lửa, bên gia đình và những trò chơi dân gian như đánh khăng, đánh đáo… Ngày nay thì giới trẻ thích ra đường trong đêm giao thừa, thích đến những nơi đông vui tấp nập. Lúc trẻ con thì thích Tết vì có nhiều món ăn ngon, thích ăn cái nọ cái kia nhưng ngày nay thì đã bão hòa rồi, trẻ con cũng không háo hức với đồ ăn ngon nữa.

PV: Thay vì những ngày Tết theo kiểu truyền thống với nghi lễ thờ cúng ông bà tổ tiên, thăm hỏi người thân, bạn bè thì bây giờ có nhiều người lại lựa chọn đi du lịch. Anh Thuật thì sao?

CS Đăng Thuật:Thuật không biết người khác thế nào nhưng với Thuật, sau một năm làm việc vất vả thì Tết được ở bên gia đình để nghỉ ngơi, hưởng thụ thì dễ chịu hơn là tụ tập bạn bè, đi chơi xuân. Năm nào Thuật cũng tự tay gói bánh chưng cho cái Tết gia đình thêm không khí.

Trở về với đời thường, Đăng Thuật là một người giản dị

Thường sau khi đi diễn, về đến nhà vào chiều 28 thì mọi người trong gia đình đã chuẩn bị hết đồ làm bánh rồi. Thuật gói xong thì xếp bánh chưng vào nồi gang, nồi quân dụng, trong lúc luộc bánh phải lật 2 lần. Mất khoảng 10 đến 12 tiếng bánh mới chín. Cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng mới cảm thấy sự ấm áp của tình thân. Có năm Thuật đi diễn về muộn, đêm 30 mới bắt đầu luộc bánh, đến khi tỉnh dậy thì đã sang năm mới mất rồi (cười).

PV: Thời điểm sau Tết, các nghệ sĩ lại lập tức bận rộn với nhiều show diễn và hoạt động âm nhạc. Đăng Thuật có kế hoạch gì cho năm mới hay chưa?

Nghe ca khúc "Tình ca mùa xuân" - Đăng Thuật
CS Đăng Thuật:Ra Tết, Thuật sẽ tham gia một chương trình của Đài THVN về ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, sau đó là một chương trình mang tên “Hà Tĩnh mình thương”. Tiếp nữa là Thuật sẽ phát hành album đầu tay của mình. Đáng lẽ đã có thể phát hành trước Tết nhưng vẫn chưa xong phần bìa đĩa nên phải dời ngày. Trong CD có 9 bài về các vùng quê của Việt Nam, mang âm hưởng dân gian. Có lẽ, Thuật sẽ đặt tên CD là “Bến xưa” bởi có nhiều bài hát trong album theo chủ đề sông nước, hải đảo. Và một phần, Thuật mang theo nhiều tình cảm với vùng đảo Trường Sa.

Thiêng liêng nơi biển đảo Tổ Quốc

PV: Được biết, tháng 4/2012, Đăng Thuật là một trong số ít những văn công của Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam được ra thăm Trường Sa. Cảm giác của anh khi biết mình sắp đến mảnh đất thiêng liêng của Tổ Quốc như thế nào?

CS Đăng Thuật:Đây là lần đầu tiên, tôi được ra Trường Sa. Có lẽ cũng là điều rất may mắn cho một ca sĩ dòng nhạc dân gian như Thuật. Ngay ở trong đơn vị công tác của Thuật là Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, cũng không phải ai cũng có được vinh dự ra vùng hải đảo của Tổ Quốc.

Trước lúc nhận quyết định đi Trường Sa, Thuật cũng lo lắng vì vợ mới sinh cháu nhỏ. Hơn nữa, Thuật lại còn bị say sóng rất nghiêm trọng. Nhưng được mọi người động viên, Thuật lại quyết tâm đi vì nghĩ, trong đời người, không phải ai cũng có cơ may đến được với Trường Sa.

PV: Chắc hẳn chuyến đi đã để lại cho ca sĩ Đăng Thuật rất nhiều ấn tượng?

CS Đăng Thuật:Trong chuyến đi ấy, Thuật ở cùng phòng với 2 ca sĩ bên Nhà hát Cải lương Trung ương, hai phóng viên của Đài TNVN cùng với phóng viên bên Đài THVN. Hôm khởi hành, vừa lên tàu là Thuật đã về phòng, dán cao chống say này nọ rồi đắp chăn kín mít trên giường, vì nghe nói như thế sẽ bớt say sóng. Được nửa ngày trôi qua, Thuật thử ngồi dậy một tiếng rồi thấy… chẳng sao cả. Có lẽ là thuyền lớn, giữa tháng 4 mặt biển lại êm ả nên không tàu không bị nghiêng ngả nhiều. Lúc đến trên boong tàu, hít một hơi thật sâu mới cảm nhận được không khí mặn mòi của biển.

Nghe ca khúc "Nơi Trường Sa nhớ về quan họ" - Đăng Thuật
Trong chuyến đi ấy, gặp được nhiều chiến sĩ hải quân là điều vui nhất của Thuật cũng như các anh chị trong đoàn. Gặp được văn công thì các chiến sĩ cũng mừng lắm, đi đến đâu cũng được yêu cầu hát, mà chỉ có hát chay thôi. Có đêm diễn cuối cùng trên đảo lớn mới được dựng sân khấu. Anh em văn công chúng tôi chia nhau đến 13 đảo nhỏ, có đảo chỉ có 2 chiến sĩ canh giữ nhưng họ đều rất nhiệt tình. Mỗi khi hát cho các chiến sĩ, tôi lại cảm thấy sự thiêng liêng khi đứng nơi biển đảo Tổ Quốc dâng lên trong ngực. Cảm giác lúc ấy không thể diễn tả thành lời.

Nhân dịp năm mới, Thuật cũng muốn gửi lời chúc các chiến sĩ Trường Sa luôn mạnh khỏe, vững vàng tay súng để bảo vệ biển đảo. Chúc cho độc giả VOV online một năm mới thật an lành, ấm áp, hạnh phúc và nhiều may mắn.

PV: Cảm ơn ca sĩ Đăng Thuật./.