Chặng đường 7 năm của loạt chương trình này có những lúc rất gập ghềnh, nhưng cũng có lúc hé lộ cho khán giả thấy được sự khởi đầu của nhiều tài năng ca hát và sáng tác mới.

574713.jpg
Văn Mai Hương (Ảnh: Gia Tiến)
Khác với sự rầm rộ ban đầu, Bài hát Việt hôm nay đã điềm đạm hơn và cũng chắt lọc hơn. Chín bài hát của chương trình kỳ này được chọn ra từ hơn 50 bài gửi đến từ nhiều nơi. Quốc Long, nhạc sĩ biên tập chính của chương trình, cho biết đây cũng là một trong những liveshow đặc biệt giới thiệu các tác giả hết sức trẻ, phần lớn nằm trong lứa tuổi 20.

Để tồn tại được bảy năm, trải qua nhiều đánh giá đôi lúc hết sức khắc nghiệt, Bài hát Việt đã phải hết sức vững lòng. Nhìn vào cách thức của ban tổ chức, người ta có thể hình dung chương trình là một cách phác họa con đường phát triển âm nhạc, cố gắng hài hòa giữa những tiến bộ kỹ thuật, những khuynh hướng sáng tác mới và bản nguyên Việt.

Đã có lúc sự xuất sắc từ các đường nét dân gian của Lê Minh Sơn tạo thành một trào lưu và khiến các sáng tác tham gia Bài hát Việt bị lệch hẳn về một phía, gây nhiều tranh cãi giữa các ý kiến chuyên môn, cho rằng quá thô thiển hoặc quá đơn giản. Thậm chí các tác phẩm dự thi đã có lúc chịu ảnh hưởng quá nhiều các trào lưu mới, khiến các bài hát đem đến trở nên lạ lẫm. Nhiều người cũng đã phản ứng với loạt bài này và cho rằng sau khi nghe xong “chẳng hiểu đó là gì”.

Từ những buổi đầu, nhạc sĩ Lương Minh, một trong những người khai sinh các show đầu tiên của Bài hát Việt, đã dự đoán trước sự gian nan của chương trình này. “Biết là sẽ khó lắm, nhưng mọi người quan niệm đây sẽ là sân chơi của nhạc sĩ, giúp cho cái mới và chất trẻ” - anh nói khi đang nhìn các nhạc công ráp bài ở sân vận động Quân khu 7 vào 7 năm trước

Chất trẻ, cái mới và những sự ngẫu hứng quả đã là một thách thức không nhỏ với Bài hát Việt. Và lần này, 9 bài hát cũng là một thách thức khác.

Chủ đề nội tâm với cuộc sống xung quanh và những suy nghiệm khác hơn tình yêu đơn thuần rải đều trong các bài hát tham gia lần này, cho thấy các nhà biên tập đã “vật vã” để tìm cách vượt qua các làn sóng “thảm họa” âm nhạc hiện nay. Hà Nội trà đá vỉa hè của Đinh Mạnh Ninh là một chuỗi giai điệu rất gần nói về những thanh thản của đời thường, hay Sài Gòn cà phê sữa đá của Hà Okio lại là một diễn đạt rất “bụi” của người Sài Gòn với ly cà phê, nhìn ngắm cuộc đời một cách đáng yêu.

Nhưng có lẽ một trong những sự xuất hiện khá độc đáo, từ tiếng hát cho đến sáng tác là của Đồng Lan, một ca sĩ trẻ và đầy chất digan. "Sợ chết" - bài hát nhỏ và yếu đuối ngọt ngào của một cô gái, đột nhiên sợ mình sẽ chết đi và mất những điều nho nhỏ ngày thường như bữa cơm nhà của mẹ, mất đi việc được nhìn con đường, góc phố mỗi ngày. Lan làm cho người nghe cảm động bởi cái nhìn dễ thương đó cũng như giọng hát độc đáo của mình.

Còn một điều khác nữa là các nhà hòa âm cũng hết sức trẻ như Thanh Tâm, Dương Khắc Linh, Minh Thụy, Nguyễn Anh Vũ... đã đem lại một không gian âm nhạc nhiều màu sắc và mới mẻ. Tất cả như một bữa tiệc nhỏ khát khao bản nguyên âm nhạc Việt đang chờ sự tiếp nhận của khán giả./.