“Bà còng đi chợ trời mưa
Cái tôm cái tép đi đưa bà còng
Đưa bà trên quãng đường cong
Đưa bà về tận ngõ trong nhà bà
Tiền bà trong túi rơi ra
Cái tôm nhặt được trả bà mua rau...”

Mỗi lần đi đón cháu học mẫu giáo, tôi được nghe văng vẳng từ các lớp vọng ra bài ca dao được phổ nhạc trên đây, nó mang nhiều ý nghĩa giáo dục cho trẻ thơ. Thỉnh thỏang tôi lại “lân la” tìm hiểu ở một số trường nên có đôi điều suy nghĩ và nhận xét về giáo dục âm nhạc từ 3 đến 6 tuổi.

truong-mam-non-bao-ngoc-3.jpg
Hát múa đã trở thành bộ môn đặc trưng mẫu giáo.(Ảnh minh họa: KT)

Các cháu ở tuổi mẫu giáo rất yêu thích hát múa và nhạy bén với âm nhạc. Nhiều cháu hễ nghe nhạc là tay múa, chân múa, thân mình chuyển động. Các cháu chăm chú theo dõi các âm thanh và phân biệt một cách khá tinh tế, tưởng tượng rất độc đáo về các hiện tượng âm thanh, trong khi nhiều người lớn hoặc trẻ lớn hơn thờ ơ bỏ qua. Có lẽ vì vậy việc dạy môn hát múa ở trường mẫu giáo có nhiều thuận lợi hơn ở trường phổ thông và nó đã trở thành bộ môn đặc trưng mẫu giáo.

Có người đã nói rằng: Thiếu hát múa không thành trường mẫu giáo. Quả vậy, ở trường mẫu giáo, không như phổ thông, công tác giáo dục âm nhạc - được thực hiện với bộ môn hát múa, không gặp những trở ngại trực tiếp do quan điểm thực dụng, thiển cận cho rằng thiếu môn nhạc cũng chưa “chết” ai, vẫn trở thành bác sĩ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật như thường.

Nhưng chừng nào nhiều người chưa thấy được môn nhạc không những không cản trở quá trình trở thành bác sĩ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật, mà còn giúp tiến hành quá trình đó thuận lợi hơn và chất lượng của người bác sĩ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật ấy - nói chung là của người lao động mới - lại phát triển phong phú hơn. Nghĩa là nếu chưa thấy rõ tác dụng giúp phát triển con người toàn diện của âm nhạc, thì công tác giáo dục âm nhạc nói chung và giáo dục âm nhạc mẫu giáo nói riêng, vẫn còn chưa được đặt đúng vị trí của nó.

Hơn nữa, lại cần phải thấy ý nghĩa việc giáo dục âm nhạc ở lứa tuổi mẫu giáo là đặt những cơ sở quan trọng cho toàn bộ quá trình giáo dục âm nhạc, là vườn ươm những nhân tài âm nhạc vì đây là lứa tuổi đạt kết quả tối ưu về giáo dục âm nhạc. Theo nhiều nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục cho hay, nếu bỏ qua nhiều việc giáo dục âm nhạc ở lứa tuổi này là một thiệt thòi khó có thể bù đắp được, dù ở các lứa tuổi sau, ta có tốn nhiều công sức hơn.

Hiện nay, chương trình hát múa mẫu giáo đã có nhiều nét mới, không chỉ ở việc đưa vào chương trình các bài hát mới, mà ở sự phong phú về nội dung và cấu tạo chương trình. Các cháu được hát, nghe nhạc và vận động theo nhạc, trong đó trò chơi âm nhạc, một thành phần của vận động theo nhạc, được coi trọng.

Thông qua trò chơi, phương pháp đặc trưng mẫu giáo, trẻ được làm quen với các yếu tố của nhạc âm như nhận biết độ cao của một số nốt nhạc và làm dấu hiệu bàn tay thể hiện các độ cao đó, tập đánh nhịp, làm quen với một số loại tiết tấu, tập gõ, tập phân biệt âm sắc...Điều đó không những giúp bồi dưỡng năng khiếu âm nhạc cho các cháu, mà còn góp phần phát triển trí lực, thể lực và nhất là giáo dục nhạy cảm cũng như những tình cảm đạo đức khác.

Mỗi băn khoăn về giáo dục nhạc cảm được giải quyết không phải chỉ dựa vào năng lực thể hiện của cô giáo (thực tế vẫn rất còn yếu) mà bằng sự phong phú, nhiều vẻ của trò chơi âm nhạc và các hình thức vận động theo nhạc khác. Về phương pháp, cách dạy kết hợp cả ba phần (hát, nghe nhạc và vận động theo nhạc), trong mỗi tiết, thể hiện tính khoa học và phù hợp với tâm sinh lý của các cháu, giúp các cháu tiếp thu thoải mái hơn. Kết quả giáo dục nghệ thuật tùy thuộc khá rõ vào số lượng và nhất là chất lượng các tác phẩm được tuyển chọn vào chương trình.

Hiện nay, về số lượng bài hát mẫu giáo, căn cứ vào số bài đang được lưu hành (gồm các bài đang dùng trong các trường mẫu giáo, các bài in trong các tập nhạc và báo chí hoặc phát trên làn sóng Phát thanh - Truyền hình…, chỉ có khoảng trên trăm bài so với hàng ngàn bài viết cho lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng), dễ nhận thấy bài hát mẫu giáo còn thiếu rất nhiều so với yêu cầu ca hát và thưởng thức của các cháu.

Về chất lượng, số bài hát có nội dung, nghệ thuật và tính tư tưởng, tính nghệ thuật và tính sư phạm - tiêu chuẩn cần thiết đối với các tác phẩm chọn vào chương trình giáo dục, khách quan mà nói, cũng còn quá ít.

Tuy nhiên, có một số bài hát, âm điệu và tiết tấu phức tạp hoặc rời rạc, thiếu sức biểu hiện, chưa có sự gắn bó nhuần nhuyễn giữa nhạc điệu với lời ca và cữ giọng thường vượt quá “quãng tám”. Yêu cầu viết ở cữ âm thích hợp với lứa tuổi là xuất phát từ cơ sở khoa học, nhằm bảo vệ giọng hát cho các cháu, đồng thời giữ cho tác phẩm tính mẫu mực, trong sáng.

Qua thực tế cũng như tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, bài hát viết cho lớp mẫu giáo bé (từ 3 - 4 tuổi) tốt nhất là “quãng năm”, “quãng sáu”, cho lớp mẫu giáo nhỏ (từ 4-5 tuổi) là “quãng sáu” đến “quãng tám” ở những âm lướt và cho lớp mẫu giáo lớn (từ 5 - 6 tuổi) là “quãng tám”.

Về thể loại, âm nhạc mẫu giáo rất cần những bài hát ru, bài hát kể chuyện, những khúc hát hoặc khúc nhạc xen giữa các chuyện kể mang đậm đà màu sắc dân tộc, để cô giáo hát cho các cháu nghe, hoặc dùng trong các buổi phát thanh ca nhạc mẫu giáo ở trường, hay các chương trình liên hoan văn nghệ của các cháu.

Do vậy, cùng với việc cải tiến chương trình và phương pháp, tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ âm nhạc của cô giáo cũng như tạo phương tiện thiết bị phục vụ việc dạy và học hát múa, một việc cần được hết sức quan tâm trong công tác giáo dục âm nhạc mẫu giáo hiện nay là làm sao có nhiều bài hát có chất lượng tốt cho các cháu.

Càng ngày chúng ta càng nhận rõ sự phát triển mạnh mẽ về tâm lý của trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo. Theo tôi, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Hội Nhạc sĩ Việt Nam cùng các Đài Phát thanh - Truyền hình... cần phối hợp tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi hơn và nghiên cứu sử dụng với tỷ lệ thích đáng, đưa đến sự chuyển biến đồng bộ qua các khâu: Tác phẩm, chương trình và phương pháp bồi dưỡng giáo viên, cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, nhằm tạo một bước phát triển mới về âm nhạc mẫu giáo, góp phần giáo dục toàn diện cho thế hệ mầm non của đất nước./.