Vẻ đẹp ma mị, bí ẩn và hoang dã của thiên nhiên 5 triệu năm tuổi tại hang Sơn Đoòng khiến trí tưởng tượng của bạn bùng cháy, khiến bạn choáng ngợp đến kinh hoàng trước khả năng kiến tạo của mẹ thiên nhiên.
Các nhà đầu tư tại tỉnh Quảng Bình đang tràn trề hy vọng triển khai “Dự án phát triển hệ thống cáp treo Phong Nha – Kẻ Bàng” với chiều dài 11km, gồm 30 trụ cáp. Điểm cuối cách Hang Sơn Đoòng chỉ vỏn vẹn đúng ...300m.
Bức tranh màu "hy vọng" đó sẽ như thế nào. Một số lượng lớn cổ thụ sẽ bị đốn chặt để lấy chỗ xây dựng những con đường cao tốc, phục vụ hàng nghìn chiếc xe hơi, xe máy. Có đường cáp lên “tiên cảnh” thì ắt phải có khách sạn cho các “thượng đế”. Khách sạn sẽ mọc lên như nấm sau mưa. Đương nhiên là nhanh hơn cả 5 triệu năm hình thành Hang Sơn Đoòng. Và cả nhà hàng nữa! Là “thượng đế” thì cũng phải ăn! Một thực đơn gồm những món ăn đặc sản dài dằng dặc và lạ tai sẽ được bày lên bàn trong mỗi nhà hàng. Đặc sản thì dễ kiếm quá rồi! Ngay trong hang chứ đâu! Những người bán hàng rong, bán vé số cũng sẽ đến thăm nơi đây, từng đoàn, từng tốp. Người ta ăn, người ta cũng phải thải. Vậy một khu rác thải lại sẽ được xây dựng, nếu như Sơn Đoòng có được may mắn đó. Còn không, rác sẽ thản nhiên “du lịch” trong hang, ngoài hang, trước cửa hang ...trên đường vào hang. Toàn bộ nền kinh tế của khu vực này sẽ phụ thuộc vào du lịch. Dần dần, môi trường thiên nhiên nơi đây sẽ bị tàn phá bởi chính hình thức du lịch đại trà và nhàn hạ này.
Tôi nói du lịch đại trà và nhàn hạ vì các bạn thấy đấy. Xây dựng cáp treo để đi vòng vòng 300m cách hang động đồng nghĩa với việc: Tôi cũng như bạn, cũng như hàng ngàn du khách khác đều chỉ “nhìn” một cái hang đơn thuần, chứ không phải đi “khám phá” vẻ đẹp hoang sơ tuyệt đẹp nữa. Thật là một cuộc chinh phục quá "nhàn hạ"!
Là một người nước ngoài sống tại Việt Nam lâu năm, tôi thực sự lo lắng, một ngày nào đó, Hang Sơn Đòong sẽ đi theo bước chân “bi kịch” của các danh lam thắng cảnh tại Việt Nam như Chùa Hương hay Yên Tử.
Lần đầu tiên tôi đến Chùa Hương, tôi tự nhủ, đó cũng là lần cuối cùng tôi tới đó. Buồn, nhưng đó là sự thật! Toàn bộ đường lên núi chật kín hàng quán, người bán hàng rong, người bán vé số và ăn xin. Hàng hóa ở đây đều bán với giá “cắt cổ”. Các chùa trên núi đều được tu sửa... sao cho đúng "mốt". Có thể nói không sai, chuyến đi của tôi là “thảm họa du lịch kiểu đại trà và nhàn hạ”.
Tôi rất tiếc khi phải nói ra sự thật: Rất ít nơi ở Việt Nam xây dựng thành công khu lịch khám phá thiên nhiên theo đúng nghĩa. Những điểm du lịch nổi tiếng như Vịnh Hạ Long, Chùa Hương, Sapa hay Phú Quốc đều đang mất dần vẻ đẹp tự nhiên còn sót lại.
Đầu tư 3000 tỷ đồng để nhường chỗ cho “du lịch đại trà và nhàn hạ” có thể là một ý tưởng hay đối với các nhà đầu tư, nhưng lại là một ý tưởng tồi đối với môi trường tự nhiên ở Sơn Đoòng. Sau khi hệ thống cáp treo được dựng lên, một Sơn Đoòng của 5 triệu năm trước sẽ “một đi mà không trở lại”./.