Ngày 16/5 vừa qua, UNESCO chính thức công nhận mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm (xã Trí Yên - Yên Dũng - Bắc Giang) là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2012. Quyết định này được đưa ra trong kỳ họp của Ủy ban Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương diễn ra tại Bangkok - Thái Lan.
Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm. |
Bộ mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận dựa trên ba tiêu chí là tính xác thực, tính độc đáo không thể thay thế và vị trí vai trò trong khu vực. Nhân sự kiện này, phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với bà Hoàng Thị Hoa, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, nguyên Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Giang, người đã theo dõi và thực hiện việc lập hồ sơ từ những ngày đầu.
PV:Thưa bà, là người đã theo đuổi việc lập hồ sơ bảo tồn Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm từ những ngày đầu, bà có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi bộ mộc bản vừa được tổ chức UNESCO công nhận là di sản tư liệu Châu Á - Thái Bình Dương?
Bà Hoàng Thị Hoa: Khi nhận được thông tin UNESCO chính thức công nhận mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2012, chúng tôi nghĩ rằng không chỉ người dân Bắc Giang mà người dân Việt Nam, nhất là những người làm quản lý văn hóa rất đỗi vui mừng.
Thời gian đầu, khi tiếp cận bản kinh Phật chùa Vình Nghiêm, những người làm quản lý văn hóa tỉnh Bắc Giang chỉ thấy trách nhiệm lưu trữ, số hóa… Từ năm 1994, Sở VH,TT&DL tỉnh Bắc Giang đã tiến hành việc kiểm kê bộ kinh Phật. Năm 2004 có xuất bản cuốn sách chốn tổ Vĩnh Nghiêm và đến năm 2009 được phép lập dự án bảo tồn Mộc bản này.
Trong quá trình nghiên cứu, dịch bộ sách này, những người làm quản lý văn hóa đã nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, người dân khắp mọi miền Tổ quốc. Năm 2009, ủy ban UNESCO có đặt vấn đề bảo tồn, và từ đó tư duy bảo tồn bộ mộc bản mới được đặt trọng. Ý nghĩa lớn nhất của việc được công nhân di sản này là ở chỗ: Những tư tưởng từ bao lâu nay đã được các thế hệ cha ông để lại không phải bằng giấy mà bằng chất liệu gỗ có giá trị kiến trúc, chữ khắc rất đẹp. Chúng tôi khi tham gia lập hồ sơ đều nhận thức rằng, đây là những báu vật quốc gia. Chính vì vậy, đây là niềm vui nhưng cũng là trách nhiệm cần bảo tồn và phát huy hơn nữa.
PV:Vâng, vậy theo bà chúng ta nên có những hoạt động gì để vừa bảo tồn, vừa phát huy được những giá trị của bộ Mộc bản này khi đã trở thành di sản tư liệu khu vực?
Bà Hoàng Thị Hoa: Trước hết, việc bảo quản cần đặt ra đầu tiên. Cần xây những khu nhà thông thoáng, tiêu chuẩn. Chúng tôi đã tham quan mô hình các nước như Hàn Quốc thì thấy họ bảo quản rất nghiêm ngặt.
Thứ hai là vấn đề phát huy. Chúng ta phải hiểu hành trình tam Tổ đã tu hành để trở thành dòng Phật giáo của Việt Nam. Có những tư tưởng mà hơn 700 năm qua vẫn còn nguyên giá trị đến tận giờ như tư tưởng sống hòa bình, sống chan hòa với thiên nhiên.
Vì vậy, việc dịch ra tiếng Việt và các thứ tiếng để mọi người hiểu những giá trị này có từ 700 năm trước vẫn còn giá trị đến hôm nay mà thế hệ sau cần phát huy và bảo tồn mang đậm bản sắc dân tộc cùng những giá trị nhân văn sâu sắc.
PV:Xin trân trọng cảm ơn bà!