Các diễn viên Phường rối nước Đào Thục. |
Đã từ lâu, làng Đào Thục được biết đến là một miền quê bình dị và yên ả, một làng quê Việt giàu truyền thống vùng Bắc Bộ. Nơi đây có trò rối nước nổi tiếng vang xa cả nước. Rối nước Đào Thục xuất hiện từ thời Hậu Lê. Làng Đào Thục có Đào Tướng công, tên thật là Nguyễn Đăng Vinh (hay Đào Đăng Khiêm) quê ở Đào Xá, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, nay là Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Yêu nghệ thuật múa rối nước, ông dồn hết tâm huyết truyền bá nghệ thuật này cho đời sau. Vì có công lớn nên dân làng đề nghị triều đình Hậu Lê phong thần, lập bia đá năm 1735 (thời Lê Ý Tông). Hàng năm, vào ngày giỗ của ông (24 tháng 2 âm lịch), dân làng tổ chức dâng hương để tưởng nhớ công đức của vị Tổ nghề.
Nghệ thuật biểu diễn rối nước Đào Thục khác mọi nơi là chỉ sử dụng loại rối máy sào dây, con rối lắc đều và vung vẩy được cả hai tay, dễ dàng sang phải, sang trái, đặc biệt con rối đi vào buồng trò bằng cách quay ngược trở lại. Với hơn 20 tích trò, là những vở rối cổ, bắt nguồn từ công việc đồng áng của cư dân nông nghiệp như cày bừa, cấy lúa, chăn trâu, câu cá..., các trò chơi dân gian như đánh đu, múa hát được mùa..., hay là diễn lại những điển tích, truyền thuyết cổ của dân tộc như Thạch Sanh đánh Trăn Tinh...
Con rối Đào Thục lắc đều và vung vẩy được cả 2 tay... |
Ông Đinh Hữu Tự, diễn viên, tham gia phường rối nước dân gian Đào Thục hơn 30 năm cho biết: "Ngay từ nhỏ tôi đã được xem các cụ biểu diễn, nghề này rất hay và độc đáo nên tôi theo nghề của các cụ. Mới đầu anh em tập thì phải từng động tác một, ngay cả đi từ trên cạn và học thuộc trên cạn và đi xuống nước biểu diễn. Lúc biểu diễn người diễn viên phải chăm chú vào những động tác của mình theo từng lời hát của người trên cạn; làm sao cầm quân cho ngăn ngắn đi lại nhịp nhàng theo đúng các tích trò mà mình biểu diễn của từng quân".
Phường rối Đào Thục hiện có hơn 30 nghệ nhân, người già nhất đã hơn 70 tuổi, người trẻ nhất vẫn đang học phổ thông, trong đó có khoảng hơn 20 nghệ nhân tham gia biểu diễn thường xuyên. Lịch diễn của phường rối Đào Thục khá đều đặn, hầu như ngày nào cũng có ít nhất 1 xuất diễn. Đặc biệt, từ mùng 2 Tết âm lịch là Phường rối bận rộn hơn với lịch diễn dày đặc phục vụ bà con và du khách gần xa. Đây chính là một động lực để phường thu hút được nhiều thanh niên trẻ trong làng theo nghề, yêu và gắn bó với nghề của cha ông.
Anh Đinh Hoàng Vân, tham gia vào phường rối từ năm 15 tuổi cho biết: "Là người làng nên tôi thích rối nước từ bé, yêu nghề nên tham gia phường rối nước và quan trọng là giữ nghề dân gian của ông cha ta để lại. Khách đến đây chỉ thích những tích trò vui nhộn, những trò cổ ngày xưa như: Tráng sĩ đánh hổ, Tráng sĩ đào Hổ, Thạch Sanh…Lên võng xuống ngựa…"
Những năm trở lại đây, phường rối Đào Thục đã mở rộng liên kết với nhiều công ty du lịch trong và ngoài nước để quảng bá trên các kênh truyền hình, website du lịch, văn hóa... và đưa du khách về làng xem biểu diễn rối nước để khám phá về trò chơi dân gian truyền thống đặc sắc này.
Rối nước Đào Thục lôi cuốn người xem bởi sự vui nhộn, nhí nhảnh và hài hước. |
Đến với rối nước Đào Thục, người xem không chỉ được vui vẻ, thư giãn mà còn có dịp được thưởng thức những giai điệu dân ca mượt mà, tha thiết, của những câu hát giao duyên thắm đượm hồn quê này. Để đáp lại những tình cảm chân tình mà khán giả dành cho, phường rối nước Đào thục đã không ngừng nỗ lực, sáng tạo ra những tiết mục mới lạ, làm cho nó trở nên thú vị , đặc sắc và hấp dẫn hơn.
Ông Ngô Minh Phong, Trưởng phường rối nước Đào Thục cho biết: "Để tiếp cận phát triển phường rối nước Đào Thục tốt hơn. Ban lãnh đạo phường hiện nay và chính quyền đang vào cuộc mạnh mẽ. Sắp tới, chiêu mộ nhân tài tuyển dụng, đào tạo các thế hệ trẻ có trình độ, năng lực, để vào đóng góp tham gia vào hoạt động của phường rối. Hy vọng rằng, trong thời gian tới, với đội ngũ trẻ năng động như vậy việc tiếp cận với công nghệ thông tin hoặc là làm công tác marketing quảng bá ngày càng tốt hơn".
Tết này về Đông Anh xem múa rối dân gian Đào Thục trong khung cảnh yên bình của làng quê ven đô, giao lưu với các nghệ nhân, thăm đình chùa và mua sắm đồ lưu niệm... mới cảm nhận hết cái hay, cái đẹp của rối nước nói riêng và các loại hình văn hóa dân gian truyền thống nói chung của dân tộc./.