Với các đề tài nghiên cứu về biến đổi tín ngưỡng, lễ hội, không gian kiến trúc của văn hóa truyền thống trong bối cảnh hiện đại, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra những thay đổi trong đời sống tâm linh, sinh hoạt văn hóa tại Việt Nam, đặc biệt trong 30 năm trở lại đây, khi quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, tác động lớn đến đời sống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của người dân.
Từ kết quả nghiên cứu của mình, Tiến sĩ Đinh Hồng Hải, Viện Nghiên cứu Văn hóa đã chỉ ra sự dịch chuyển tín ngưỡng Di Lặc và Thần tài ở Việt Nam, thể hiện nhu cầu đa dạng của người dân trong thực hành tín ngưỡng.
Không chỉ biến đổi từ năm 1986 đến nay mà vẫn còn tiếp tục. Đó là biểu hiện của sự biến đổi văn hóa theo một chiều hướng xã hội hóa, đại chúng hóa, đa dạng hóa. Có nghĩa là tín ngưỡng, nhu cầu của người dân về cái gì thì họ đặt pho tượng đó để thờ. Đôi khi họ không quá quan tâm pho tượng ấy thuộc Phật giáo, Đạo giáo hay tín ngưỡng dân gian. Khi chúng ta tìm hiểu một hiện tượng nào đó mang tính biến đổi như thế thì chúng ta cần thâm nhập sâu vào chính đời sống con người và ta phải tôn trọng tín ngưỡng của họ.
Với đề tài nghiên cứu về biến đổi không gian ở các làng ven đô trong quá trình đô thị hóa, Thạc sĩ Chu Thu Hường, Viện Bảo tồn di tích, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng: “Những làng quê càng gần nội đô thì quá trình đô thị hóa càng mạnh mẽ. Đô thị hóa không chỉ làm biến đổi không gian theo chiều rộng mà còn chuyển đổi chức năng mới, từ chức năng nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng hạ tầng. Đơn cử như làng Cự Đà- một làng nghề nổi tiếng bên bờ sông Nhuệ thuộc thành phố Hà Nội đã có những biến đổi mạnh mẽ, thể hiện rõ ràng nhất ở không gian kiến trúc của làng”.
Sự biến đổi không gian, cảnh quan kiến trúc biểu hiện ở các mức độ, tính chất đô thị hóa ở mỗi làng. Đô thị hóa từ bên trong tạo sự chuyển biến chậm hơn và có kiểm soát nhưng đô thị hóa từ bên ngoài thường dẫn đến phá vỡ cấu trúc và biến đổi nhanh, thiếu kiểm soát không gian cảnh quan kiến trúc làng. Kiến trúc cảnh quan không gian thiêng là nơi biến đổi ít nhất, luôn được trùng tu. Trong không gian này luôn diễn ra song song hai quá trình bảo tồn truyền thống và tái sáng tạo truyền thống./.